Thoạt đầu ông chơi với bố vợ tôi – Nhà văn Ngọc Linh. Mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, ông hay ghé nhà ngủ một đêm và hai ông già ôm chai rượu nằm rù rì với nhau ở căn phòng riêng trên sân thượng. Từ sau hội diễn 90 ở Huế, có lẽ qua cây cầu Doãn Hoàng Giang ông lại thân với tôi, dù tôi luôn trân trọng gọi ông là bố.
Tôi vẫn nghĩ, ba ông : Đình Quang, Đình Nghi, Dương Ngọc Đức là ba ông đầu rau, tạo thế chân kiềng vững chãi cho ngọn lửa SK được đốt lên trong suốt một thời. Không chỉ đức cao, tài năng, sự uyên bác và lòng nhân ái của họ xứng đáng là ngọn cờ cho cả giới đi theo. Bởi tâm lý ngưỡng vọng truyền thống phương Đông và các trào lưu VHNT nói riêng, người ta luôn cần đến những ngọn cờ..
Tôi diện kiến với ông lần đầu, khi mới vào nghề báo chưa lâu. Bữa đó tôi được cử sang văn phòng 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 phỏng vấn ông thứ trưởng Đình Quang. Tôi chưa kịp trình bày hết câu, ông nói ngay “ Thôi thôi, vấn đề này khó lắm, để tôi tự viết, rồi cậu đứng tên..”. Cảm giác hơi nghèn ngẹn trong cổ, tôi đốp lại luôn “ Xin lỗi chú. Báo SK không bao giờ làm như vậy. Và Lê Chí Trung càng không bao giờ làm như vậy..”. Ông tức lắm. Điện thoại cho tổng thư ký hội SK chửi tanh bành, đại ý thằng Lê Chí Trung là thằng ranh con lếu láo nào.. Đến khi biết tôi là con rể ông Ngọc Linh, ông mới nguôi cơn giận.
Sau tôi được tháp tùng ông “ Đi trên từng cây số ” và chẳng ai nhắc đến chuyện này. Biết đâu cũng nhờ cái thói ngang ngạnh mà ông quý tôi.. Cũng như tôi hay nói thẳng với ông tất cả mọi điều. Thỉnh thoảng bị tôi chọc ghẹo, ông chỉ cười “ Thằng này đểu..”
Trước ngày mất khoảng hơn một tháng ông còn thao thao bất tuyệt, say sưa giảng bài cho trại sáng tác kịch bản sân khấu Việt nam. Người ta giới thiệu về ông ngắn gọn “ Thày Đình Quang là thày của các thày trên sân khấu Việt nam hôm nay..” Nhiều thế hệ học trò của ông như NSND Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Doãn Châu.. được giới phê bình và đồng nghiệp tôn vinh là những cây đại thụ, vẫn luôn thành tâm, thành kính khi nhắc về ông – Một học giả, một người nghệ sĩ tài hoa và một nhân cách văn hóa lớn. Ở cái tuổi 88, ông cũng là một người “ Cổ lai hy ” trí tuệ, khi hai tiếng đồng hồ nói chuyện vo trước các nhà viết kịch không sai sót từng dấu chấm phẩy, cập nhật chuyện nghề, chuyện thế sự uyên bác, thâm trầm.. Cái trí tuệ vượt qua quá trình lão hóa ấy là nhờ ông không ngừng đọc, học hỏi, làm việc và ngay từ khi còn đương chức thứ trưởng bộ văn hóa ông đã vô tâm với chuyện chức quyền. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân, đó là chuyện của những người lớn hơn cái chức, không đem cái chức tước ra để dọa đời..
Càng về cuối đời ông dành hết tâm huyết cho nghề và tập sống rũ bỏ thói Tham, sân, si có thể làm mờ đi tâm trí của một nhà văn hóa lớn. Ông hay bảo tôi “ Tớ thích sống với bọn trẻ. Và điều lớn nhất của cuộc đời tớ, đó là nghề và quê hương..”
Khi in tập “ Tạp bút ” Đình Quang, ông có đề tặng vợ chồng tôi một quyển. Mấy ngày sau ông điện thoại ( Mà mỗi cuộc ĐT đường dài của ông tôi đều choáng, tai cứ nóng ran, vì giá chót cũng ngoài 30 phút.. ) hỏi “ Trung, mày thấy thế nào ? ”. Tôi nói với ông “ Bài Quê tổ bố viết hay nhất. Bởi đó là tâm hồn nhà văn của bố vượt lên câu chữ của một nhà lý luận..”
Thế hệ của ông có rất nhiều văn nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là nhà nghiên cứu lý luận sân khấu hàng đầu, hiệu trưởng trường sân khấu – điện ảnh Việt nam những năm đầu thành lập, một đạo diễn tài hoa với những tác phẩm để đời, một nhà quản lý thời thăng hoa của sân khấu Việt nam.. Mà cốt cách văn hóa của ông suốt bao năm không thay đổi, vẫn nghiêm cẩn rành rẽ từng nghề khác nhau, vẫn hóm hỉnh vui đùa trong từng câu chuyện, vẫn đau đáu thăng trầm chuyện thế nhân.. Chính vì thế, vì hiểu ông, tôi cảm nhận tâm hồn ông vượt lên trên tất cả.
Một lần ông rỉ tai tôi “ Đời, sao nhiều thằng sống chẳng ra gì lại hay bốc phét..” Tôi chọc “ Vậy đời bố có bao nhiêu lần không nói thật ?..” Ông chuyển ngay tông giọng “ Đời tao làm lý luận, có thể sai nhưng không bốc phét.. đám nhà văn chúng mày mới hay bốc phét..” Vậy mà lát sau ông chùng xuống “ Đúng là dám sống thật và chỉ nói ra sự thật chính là nhân cách người làm văn hóa..” Con người ông là như vậy. Trăn trở cả đời để sống ngay thẳng với chính lòng mình. Cũng như ông từng nói với tôi “ Tao gốc người công giáo đi theo cách mạng, có những thời kỳ cũng lắm gian nan.. Nhưng chữ Đạo và Đời, nếu mình giữ trọn, thì không phải ân hận về mình..”
Ngày nghe tin ông mất tôi không quá buồn. Bởi ông đã viên mãn đi qua cuộc đời này với bao đóng góp cho đời, với một nhân cách lớn của một nhà văn hóa. Thực ra hai chữ Phù du chỉ nên dành cho những ai không bao giờ biết yêu và sống. Tên tuổi Đình Quang vẫn sống mãi, như bao nghệ sĩ tài hoa trong lòng sân khấu Việt nam.
Một sớm kia ngủ dậy, khi vừa nhận điện thoại của cô phụ trách VHVN báo Tuổi Trẻ báo tin ông mất, tôi nói với đạo diễn Doãn Hoàng Giang, anh có bài vè nào vui vui về ông Quang để em đăng báo không ? Anh Giang đọc :
“Chưa có ghế anh trồng Bạch Đàn Liễu cho Quê hương Việt Nam… giữa buổi Tàn đêm, Đất ngọt vẫn ngọt ngào qua từng cơn Bão biển.. Xóm vắng đìu hiu Đêm giông tố vẫn êm đềm.. Có ghế ngồi anh mắc liền Bệnh sĩ, Quên Cố nhân khi Tuổi hai mươi.. Mượn Người tốt ở Tứ Xuyên làm Chứng nhân lịch sử.. Nhưng người tốt ở đâu chỉ mơ ước Hão huyền…”
Những chữ in đậm là tên các tác phẩm mang dấu ấn sân khấu một thời của đạo diễn, NSND Đình Quang..
Dân nghệ sĩ chúng tôi hay cợt đùa tếu táo, mua vui cho đời một vài trống canh, kể cả trong nỗi buồn như thế đấy..
LÊ CHÍ TRUNG