Bảo quản thi thể của người chết là một việc làm phổ biến thời xa xưa. Tuy nhiên có lẽ những nghi lễ được biết đến nhiều nhất thuộc về người Ai Cập cổ đại. Theo đó, họ bảo quản nguyên vẹn các xác chết thông qua quá trình gọi là ướp xác. Trên thực tế, thuật ướp xác của Ai Cập cổ đại thành công đến mức hơn 3.000 năm sau khi họ qua đời vẫn khiến các chuyên gia nghiên cứu ngạc nhiên về những hình ảnh, thông tin thu nhận được.
Người Ai Cập cổ đại tin vào sự bất tử. Điều này thôi thúc họ lên kế hoạch sớm cho sự ra đi của mình.
Cũng bởi người Ai Cập cổ đại tin rằng cái chết chỉ là trạng thái tạm thời, cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục sau khi chết và linh hồn của họ cần có thể xác. Do đó, họ tìm cách bảo quản thi thể một cách tốt nhất và coi đây là điều cần thiết để tiếp nối sự sống.
Nếu thể xác bị phá huỷ, linh hồn có thể bị mất và không thể bước sang thế giới bên kia. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao việc chuẩn bị mộ lại được coi là nghi lễ quan trọng trong xã hội Ai Cập cổ đại. Quá trình này có thể được chuẩn bị từ rất lâu, trước khi người đó qua đời. Ngoài ra, người Ai Cập cổ đại còn chuẩn bị những đồ dùng có thể cần cho một người ở thế giới bên kia, bao gồm đồ dùng hàng ngày, quần áo, thực phẩm và những vật có giá trị cao.
Công thức của quá trình ướp xác
Người Ai Cập cổ đại bắt đầu ướp xác vào khoảng năm 2.600 TCN. Ban đầu, chỉ có các vị Pharaoh mới được quyền ướp xác. Tuy nhiên, đặc quyền này dần thay đổi vào khoảng năm 2.000 TCN khi những người dân thường cũng được phép ướp xác và chuẩn bị những đồ dùng có giá trị trong mộ của mình.
Một nghiên cứu được công bố năm 2011 về các vật liệu được sử dụng trong ướp xác ở Ai Cập cổ đại, cho thấy quá trình này thường mất 70 ngày. Trong thời gian này, các thầy tu sẽ trực tiếp thực hiện quá trình ướp xác và thực hiện các nghi lễ khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, kỹ thuật và chất lượng ướp xác ở Ai Cập cổ đại rất đa dạng và điều này tùy theo địa vị, mức độ giàu có của từng người.
Theo nhà sử học Hy Lạp Herodotus, người Ai Cập cổ đại có 3 phương pháp ướp xác khác nhau tương ứng với địa vị và mức độ giàu có trong xã hội.
Vậy, 3 phương pháp này có gì khác biệt?
Xác ướp Ai Cập cổ đại: Khác biệt từ những bước đầu tiên!
Những người có địa vị cao nhất trong xã hội được áp dụng phương pháp ướp xác tốt nhất sau khi chết. Theo đó, sau khi được làm sạch bằng nước và muối, các thầy tu (người thực hiện ướp xác) sẽ dùng loại móc đặc biệt để lấy mô não qua lỗ mũi của người chết. Sau đó, họ tiến hành mổ bụng để lấy ra những cơ quan nội tạng dễ bị phân huỷ. Duy chỉ có trái tim là để lại bởi người Ai Cập cổ đại cho rằng trái tim chính là cầu nối dẫn người chết sang thế giới bên kia.
Những cơ quan nội tạng bao gồm gan, phổi, ruột và dạ dày được bảo quản trong 4 bình lớn có chứa đầy một loại muối được gọi là natron. Đây là loại muối có thể ngăn quá trình thối rữa.
Mỗi bình có nắp được khắc hình một trong những con traxi của Horus – vị thần tối cao ở Ai Cập cổ đại. Cụ thể, thần Hapi chịu trách nhiệm bảo vệ phổi, thần Imsety bảo vệ gan, thần Qebehsenuef bảo vệ ruột, thần Duamutef bảo vệ dạ dày.
Tiếp đó, thầy tu sẽ bỏ vào khoang bụng quế, mộc dược và nhiều loại thảo dược khác nhau rồi khâu lại, phủ đầy muối natron lên thi thể trong 70 ngày để ngăn phân huỷ.
Xác sẽ teo lại và khô dần. Sau đó, các thầy tu sử dụng một loại nhựa cây để phủ kín thi thể, đồng thời thoa thêm hỗn hợp sáp chứa dầu tuyết tùng rồi bọc thi thể trong nhiều lớp vải lanh. Ngoài ra, họ còn làm riêng một chiếc mặt nạ cho người chết và đặt lên đầu. Cuối cùng, xác ướp được để vào một loạt các quan tài gỗ lồng vào nhau, đôi khi dùng cả quan tài bằng đá.
Đặc biệt, xác ướp sẽ được chôn cùng những đồ vật mà họ cần ở thế giới bên kia, gồm trang sức, đồ đạc, quần áo, thậm chí là vật nuôi.
Phương pháp ướp xác này rất tốn kém và trải qua nhiều công đoạn.
Trong khi đó, phương thức ít tốn kém hơn dành cho tầng lớp trung lưu hoặc người nghèo đó là bơm dầu thông vào bụng để hóa lỏng các cơ quan nội tạng. Kế tiếp, thi thể được ướp bằng muối natron trong 70 ngày và sau đó sẽ được trả về gia đình.
Xác ướp Ai Cập cổ đại được bảo quản tốt một cách đáng kinh ngạc. Minh chứng là các nhà khoa học vẫn có thể khám nghiệm tử thi trên xác ướp để xác định nguyên nhân cái chết và thậm chí là phân lập được các mẫu ADN.
Điều này khiến người Ai Cập cổ đại được coi là bậc thầy trong việc ướp xác. Trải qua hàng nghìn năm, những xác ướp này đã cung cấp cho chúng ta những thông tin quý báu về nền văn minh cổ đại này.
Theo SKĐS