Bi kịch làm người trong ‘Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo’

14:56 | 15/05/2021

 

Tuy vở tuồng ban đầu mang tên “Võ Tam Tư chém cáo” hay “Tiết Giao đoạt ngọc”, “Cổ miếu vãn ca” nhưng Hồ Nguyệt Cô  mới là nhân vật chính trong đó nên sau này hầu hết mọi người đều gọi nó là “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Vở tuồng kể chuyện Hồ Nguyệt cô vốn mang kiếp cáo nhưng sau hàng ngàn năm tu luyện, từ cáo nàng đã trở thành người, một người con gái tài năng xinh đẹp và được sư phụ Tiên Mẫu cho xuống núi. Được làm người, Nguyệt Cô bắt đầu mơ ước có một người yêu, một người chồng như bao người phụ nữ binh thường khác.


Vâng lời Tiên Mẫu, nàng chấp nhận lấy người đàn ông gặp mặt đầu tiên khi nàng giáng trần. Tuy người đó không có khuôn mặt trắng hay khuôn mặt hồng như sư phụ dặn mà nửa nọ nửa kia nhưng cũng không sao. Đó chính là Võ Tam Tư, một người có võ công siêu quần và là đại tướng của triều đình, Nàng rất hạnh phúc và nguyện sẽ trọn đời nâng khăn sửa túi cho chàng. Tuy vậy, mọi việc không êm đèm như nàng tưởng. Trong một cuộc chiến bảo vệ triều đình chống lại bọn phản nghịch, Võ Tam Tư chồng nàng thua trận nặng nề. Biết tin, nàng đã xuất trận cứu giúp và tình nguyện thay chồng ra trận tiêu diệt kẻ thù.

Nguyệt Cô xuất trận đối phó với phái Cửu Diệm sơn, dễ dàng khuất phục bắt sống tướng Trịnh Bửu khét tiếng về võ công và sức mạnh, người đã đánh bại Võ Tam Tư, buộc phái Cửu Diệm sơn phải tạm lui quân. Chủ tướng Cửu Diệm Sơn, nguyên soái Tiết Cương, muốn ra trận quyết chiến với Nguyệt Cô, nhưng ông đã già yếu nên quân sư Từ Mỹ Tổ quyết không cho. Tiết Giao, cháu của Tiết Cương đã xung phong ra trận để cứu Trịnh Bửu, tiếp tục công phá thành trì của họ Võ. Đây là một viên tướng trẻ mặt đỏ, tài cao lại rất đẹp trai.

Vì thế, khi giáp trận với Tiết Giao, Nguyêt Cô đã bàng hoàng trước khuôn mặt đỏ tuyệt đẹp của chàng dũng tướng này. Nguyệt Cô bỗng nhớ lại lời sư phụ dặn về một chàng trai mặt đỏ là người tình mà nàng sẽ gặp nên Nguyệt Cô đã rung động, mềm lòng, tưởng không thể giao tranh với Tiết Giao. Tuy vậy, nhớ nghĩa vụ với chồng và triều đình, Nguyệt Cô dụ viên tướng trẻ đẹp vào ngôi miêu cổ, hóa phép làm chàng hôn mê và định vung kiếm hạ sát. Nhưng nhìn vẻ đẹp của chàng và nhớ lời sư phụ về định mệnh một người tình mặt đỏ, nàng không nỡ ra tay, đành bỏ chàng bên ngôi miếu cổ, thu quân.

Tiết Giao sau đó đã được Tiên ông Lý Tịnh làm cho hồi tỉnh và cho biết bí mật về sức mạnh vô địch của Nguyệt Cô là ở viên ngọc trong miệng nhờ tu luyện nghìn năm mà có để từ cáo thành người. Bởi thế muốn thắng được Nguyệt Cô, không thể dùng sức mà phải dùng kế đoạt ngọc. Nghe lời Lý Tịnh, lại biết Nguyệt Cô cũng có vẻ thích mình nên tha chết, Tiết Giao đã sắp đặt một “tình kế” chinh phục Nguyệt Cô, đoạt lấy ngọc quý, vô hiệu hóa sức mạnh của nàng để giành chiến thắng..

Nguyệt Cô vì tha chết cho Tiết Giao khi về dinh nàng luôn bị Võ Tam Tư trách cứ, nghi ngờ, lạnh nhạt rồi bằng mọi cách thúc nàng ra trận để giết bằng được kẻ thù, khi thấy Tiết Giao được cứu sống đã trở lại khiêu chiến.Thế là một lần nữa để làm tròn bổn phận với chồng, nàng lại phải xuất trận. Nguyệt Cô không ngờ lần xuất trận này, nàng đã rơi vào bẫy tình mà Tiết Giao đã giăng sẵn. Lần này, Tiết Giao không giao chiến bằng cung kiếm mà bằng vẻ đep của mình cùng những lời đường mật, sự khêu gợi mà hắn biết một người đàn bà si tình như Nguyệt Cô khó lòng chống đỡ. Quả nhiên những lời tán tỉnh, tỏ tình ngon ngọt, khéo léo cùng niềm tin về một người tình mặt đỏ định mệnh đã làm một cô gái chưa được làm người bao lâu, chưa hiểu được thế nào là sự lừa đảo ở đời, gục ngã.  Cảm nhận “sét đánh” từ buổi gặp ban đầu như ngọn lửa âm ỉ giờ đã rực cháy, làm bùng lên trong lòng Nguyệt Cô sự thèm khát yêu đương cần được thỏa mãn cứ nhân lên trong nàng. Khi Tiết Giao mời nàng xuống ngựa để cùng tâm tình, Nguyêt Cô đã không ngần ngại theo Tiết Giao vào cổ miếu, nơi nàng đã tha chết cho Tiết Giao, để say mê bước ngay vào cuộc mây mưa cùng một người mà nàng ngỡ là người tình trong mộng chứ không phải là một tên Sở Khanh khốn khiếp. Khi đã làm Nguyêt Cô mê muội, chìm đắm, rã rời trong tình ái, Tiết Giao lén lút đoạt được viên ngọc hộ mệnh trong người nàng và tươi cười  bỏ đi.

Giữa cuộc mây mưa, khi bị Tiết Giao đoạt mất ngọc rồi bỏ đi mặc bao van xin nài ni của mình, Nguyệt Cô mới nhận ra mình bị lừa dối trong khóc than hối hận, bẽ bàng. Nhưng mọi việc đã muộn, đúng như lời Tiên mẫu dặn, khi để mất “ngọc người” nàng phải trở về với kiếp cáo. Công phu tu luyện ngàn năm đã uổng phí chỉ vì một phút giây nhẹ dạ lầm lỡ. Kiếp cáo đã trở lại trên thân xác với móng vuốt, đuôi, lông mọc lại. Nàng cũng không thể nói tiếng người được nữa, cùng không thể lên ngựa được, con chiến mã cũng kinh hãi hình hài cầm thú của nàng, bỏ nàng chạy vào rừng sâu. Nguyệt Cô tru lên tiếng gào của loài cáo, và khi trở lại tìm chồng, con cáo ấy cuối cũng đã phải đón nhận lưỡi gươm bạc bẽo của người chồng họ Võ …

Đây là toàn bộ câu chuyện tuồng “Võ Tam Tư chém cáo” của Nguyễn Diêu. Vở tuồng chỉ có một hồi rất ngắn, chí có vài chục trang in, ngắn đến mức mà bây giờ dựng lại không cần cắt xén gì cũng chỉ diễn ra trên dưới hai giờ đồng hồ, rất vừa với sức xem của khán giả sân khấu hôm nay.

Tuy có thể coi là vở tuồng ngắn nhất trong lịch sử tuồng cổ nhưng vở tuồng này lại là vở tuồng có sức sống lâu bền nhất, kỳ diệu nhất. Qua hơn 150 năm ra đời, với tên gọi mới của đông đảo người xem là “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, vở tuồng này ngày càng phổ biến rộng rãi, người ta ngày càng say mê và ngày càng phát hiện ra nhiều giá trị mới mẻ, sâu sắc của nó cả về tư tưởng và nghệ thuật. Hiện nay, gần trăm đoàn tuồng chuyên nghiệp, bán chuyên cả nước đều diễn vở này. Từ tuồng, “Hồ Nguyêt Cô hóa cáo” đã lan sang sân khấu nhiều đoàn cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ, rồi bây giờ là cả mỹ thuật, âm nhạc hiện đại. Cái tên “Hồ Nguyệt cô hóa cáo” ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong công cụ tìm kiếm Google và trên kênh nghe nhìn Youtube với các trích đoạn tuồng, cải lương. Trích đoạn tiêu biểu nhất của vở tuồng cũng nhiều lần được các nghệ sĩ tuồng xuất sắc của nước ta đem sang biểu diễn tại nhiều nước Âu Á và rất đươc hoan nghênh…

Ngay sau khi ra đời, cũng như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” từng bị một số nho sĩ coi là “dâm thư”, bị cấm diễn nhiều nơi, nhất là những chốn được coi là tôn nghiêm. Bởi vì trong vở tuồng này, Nguyễn Diêu không những coi cuộc ngoại tình của Tiết Giao – Nguyệt Cô là đối tượng trung tâm tác phẩm mà ông giáo làng Bình Định còn dám cả gan đưa cuộc giao hoan của cặp đôi này ra giữa sân khấu biểu diễn bằng nghệ thuật cách điệu cho khán giả xem và cảnh ấy hay đến mức làm cho chàng học trò yêu Đào Tấn học theo thầy sau này trong vở tuồng “Hộ sanh đàn” đã đưa cuộc sinh nở của nữ anh hùng Lan Anh ra biểu diễn trước khán gỉả, rất được tán thưởng. Nguyễn Diêu cũng như Nguyễn Du cho thấy không gì thuộc về sự sống mà lại không thể thể hiện trên nghệ thuật, miễn là phải thể hiện theo quy luật của cái đẹp. Họ có thể theo Nho giáo nhưng không thể là hủ nho.

Về việc hiểu cho ra thâm ý của Nguyễn Diêu trong vở tuồng này, dù không khó để thấy như thâm ý giễu nhại cái thói phô trương Đại Hán, cái thói “thùng rồng kêu to” Trung Hoa trong “Ngũ hổ bình Liêu” mà phải hơn một thế kỷ sau nhà văn Hoàng Quốc Hải mới lần ra, nhưng cũng không phải ai cũng dễ dàng thấy được. Đầu tiên, nhiều người cho rằng vở tuồng này, đối tượng phê phán chính của tác giả là Hồ Nguyệt Cô, một người đàn đà đa tình dâm loạn và đã bảo vệ nó theo hướng ấy trước sự đả kích của đám hủ nho. Thậm chí có nhà văn nổi tiếng còn cho là lúc viết vở tuồng này tác giả chỉ nhằm đưa ra ý tưởng lũ yêu ma chồn cáo là bè lũ yêu tinh. Kết cục của chúng sẽ giống như Nguyệt Cô. Công tu luyện nghìn năm vì đi theo tà đạo cuối cùng sẽ tan thành mây khói. Kiếp cáo lại hoàn kiếp cáo.

Nhưng thực tế khi đọc kịch bản cũng như khi xem vở diễn một cách vô tư thì ta có cảm nhận rõ ràng đối tượng phê phán chính ở đây không hề là Nguyệt Cô mà là Tiết Giao, nhân vật tưởng là chính phái bởi ở phe Tiết Cương chống lại Võ Tam Tư là phe Võ Hậu, một tà phái. Tiết Giao là vị tướng trẻ đẹp trai văn võ toàn tài nhưng là một kẻ hãnh tiến, chỉ mong sớm lập được công lớn để nhanh thăng tiến. Và chàng ta sẵn sàng bằng mọi giả để đạt được thành công. Bởi thế sau khi thua trận, được Nguyệt Cô tha chết, được Lý Tịnh chỉ cho cách chiến thắng Nguyệt Cô bằng thủ đoạn lừa tình nữ chiến tướng vô địch nhưng là cô gái si tình hồn nhiên luôn khao khát tình yêu này, một cách chiến thắng nhục nhã nhất, đáng khinh bỉ nhất của một đấng nam nhi bất cứ ở thời nào. Nhưng Tiết Giao đã  nhận làm, trổ tài tán gái để làm tàn hại đối thủ đã từng tha chết cho mình khi giáp trận mà không một chút băn khoăn. Ngay khi đã đoạt được ngọc quý của Nguyệt Cô giữa cuộc giao hoan, vô hiệu hóa sức mạnh vô địch của vị nữ tướng đa tình,Tiết Giao cũng nhẫn tâm cười cợt bỏ đi ngay không một lời xin lỗi vị ân nhân đã trở thành bị hại của mình. Một người đàn ông bình thường mà lừa tình để thỏa mãn khoái lạc, tiền bạc như Sở Khanh của Nguyễn Du, Don Juan của Moliere đã bị ngàn đời coi là kẻ đê tiện. Thì Tiết Giao của Nguyễn Diêu, đại tưởng của một chính phái mà dùng thủ đoạn lừa tình để chiến thắng trên chính trường thì kẻ ấy địch thị là một kẻ “ngụy quân tử” quá hạ tiện đã đành mà chính phải ấy phải bị coi là một tà phái.

Tất nhiên khi càng khinh ghét Tiết Giao, người đọc, người xem lại càng thương cảm nhân vật Hồ Nguyệt Cô. Là một con cáo sau nghìn năm tu luyện được trở thành người, Nguyệt Cô háo hức muốn nhanh chóng được sống như một con người, khát khao tình yêu gia đình như bao cô gái bình thường khác, nàng đâu biết cuộc đời con người cũng nhiều cạm bẫy đang chờ đợi nàng. Cay đắng sao lần mắc bẫy đầu tiên cùng là lần mắt bẫy cuối cùng của nàng ở kiếp người và Nguyễn Diêu đã dành cho nhân vật này một đoạn độc thoại tuyệt hay, có thế nói là hay nhất trong vở:

Tinh thần đà rũ riệt

Hồn phách lại đê mê

Hơi gió xuât man mác chốn u khuê

Bóng trăng xế mơ màng nơi bạch lãnh

Ôi gió tỏa phất phơ vườn hạnh

Sương rây lác đác cành dương

Đã phủi rồi son phấn một trường

Đành trở lại nước non ngàn dặm

Ngàn dặm thẹn cùng non nước

Gẫm mơ màng thân trước, thân sau

Dặm hòe một bước một đau

Nhìn xem cảnh cũ ra màu dở dang

Ôm lòng hổ với phu lang

Non sông lỗi hẹn cùng chàng trăm năm

Nghe và xem đoạn tuồng hết sức xúc động mà tác giả dồn nhiều tâm lực sáng tạo này, không ai có thể nói Nguyễn Diêu kỳ thị Nguyệt Cô, coi nàng là người đàn bà dâm đãng đáng bị trừng trị, một con cáo đáng trở lại kiếp cáo. Khi phải trở lại kiếp cáo, Nguyệt Cô không hề điên loạn như một con thú mà tuyệt vọng, hối hận, đau đớn tận cùng như một con người. Bên trong cái lốt thú, Nguyệt Cô vẫn mang một trái tim người, rất người. Rõ ràng ở đây, Nguyễn Diêu đã đứng hẳn về phía người đàn bà si tình mà nhẹ dạ cả tin này.

Khi xem vở tuồng của Nguyễn Diêu, nhà văn Nguyễn Xuan Khánh, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, “Trư cuồng” …trong văn học hiện đại từng viết về vở tuồng này như sau:“Chúng ta kinh ngạc không hiểu vì sao một nhà soạn tuồng ở giữa thế kỷ 19 lại có một tác phẩm nghệ thuật táo bạo hiện đại đến thế.

Hình tượng nhân vật Nguyệt Cô của ông rất giống nhân vật của ngày nay. Đó là người đàn bà si mê đến cuồng dại. Chỉ vì một chữ tình mà bất chấp chịu mất ngọc, mất cả ngàn năm dày công tu luyện, chỉ vì một chữ tình mà từ kiếp người đã quay trở về kiếp cáo. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã xem trích đoạn “Nguyệt Cô hóa cáo” đã vài chục năm rồi. Hôm ấy có rất nhiều văn nghệ sĩ. Xem xong mọi người đứng cả lên, vỗ tay không dứt. Điều đó làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi cứ tự hỏi “Cái gì đã làm cho một vở tuồng cổ lại có sức cuốn hút con người hiện đại đến thế?”.

Mà không phải nó chỉ gây nên sự xáo động bình thường. Có thể nói đoạn tuồng có sức lay động đến tận đáy thẳm tâm hồn con người. Có lẽ điều ấy xảy ra vì tác giả đã động tới một vấn đề lớn của con người hiện đại. Đó là sự đam mê. Con người từ xưa vẫn đam mê. Nhưng ở thời hiện đại khi cá nhân được đề cao thì người ta nói nhiều đến đam mê hơn. Trong tình yêu,  đam mê biểu lộ sự thuần khiết của tình cảm. Con người đam mê trong trắng không vụ lợi. Những con người đam mê đều là những con người dại khờ.

Nhưng tình yêu của họ thì trong trắng vô cùng. Họ không có âm mưu, khi yêu họ dám hiến dâng tất cả. Họ rồ dại như con thiêu thân, lao vào ngọn lửa tình ái. Đam mê rất cần thiết cho cuộc đời, nó làm cho cuộc đời có bao hương sắc lạ lùng. Nhưng nó cũng làm cho con người mất tỉnh táo dễ tan nát cuộc đời. Cuộc đời vốn có nhiều vực thẳm. Ta cũng nên nhớ: Vực thẳm luôn làm con người sợ hãi, nhưng vực thẳm cũng có sức hút khủng khiếp của nó. Nhưng biết làm sao được. Con người hiện đại luôn kề bên vực thẳm.” (Trích tham luận trong hội thảo về Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu năm 2012).

Thật vậy, sức sống, sức chinh phục bất hủ của vở tuồng của Nguyễn Diêu còn ở điều quan trọng này. Đó là lời nhắc nhở: Con người hãy sáng suốt  hãy cảnh giác trước những đam mê dục vọng của chính mình và cũng cần cảnh giác trước những âm mưu lừa đảo từ những kẻ muốn trục lợi trên những đam mê dục vọng đó.

Về mặt nghệ thuật, cái lớn nhất cần nói đến trong “Võ Tam Tư chém cáo” ấy là sự cô đúc, một sự cô đúc rất gần với sân khấu hiện đại. Cả tấn bi kịch rất lớn, đầy ám ảnh của con người trước đam mê dục vọng của mình chỉ gói gọn trong vài chục trang viết. Nếu sân khấu hiện đại ngày càng ít lời để dành chỗ cho diễn viên phô diễn nghệ thuật biểu diễn không lời là một sức mạnh lớn của sân khấu thì vở tuồng này của Nguyễn Diêu hết sức hiện đại. Tài nghệ viết tuồng siêu đẳng của Nguyễn Diêu là nghệ thuật tạo ra những khoảng lặng, những hành động ngoài lời.

Cái đoạn trích rất ngắn mẩu độc thoại của Nguyệt Cô sau khi bị Tiết Giao cướp mất ngọc bỏ đi, mình bắt đầu hóa cáo chỉ có ít câu thơ ngắn ngủi thế thôi nhưng đã diễn ra đến gần hai chục phút. Bởi vì sao? Bởi vì mỗi câu độc thoại mỗi câu hát ở đây đều chứa đầy tính hành động, đều có nhiều lời chưa nói dành cho diễn viên nói ra bằng nghệ thuật biểu diễn của mình. Có thể hiểu vì sao các đoạn tuồng kiểu này rất khó với các diễn viên trung bình nhưng lại là cơ hội cho các diễn viên tài năng tỏa sáng. Bới thế, vở tuồng này luôn gắn với tên tuổi những nghệ sĩ tuồng kiệt xuất mọi thời nhất là những nghệ sĩ đóng vai Hồ Nguyệt Cô.

 

Nguyễn Thế Khoa

 

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình