Bi hài chuyện khoe của

11:57 | 12/04/2019

Ở miền Tây, không ít phiên bản của Phúc XO xuất hiện trước cả khi anh này nổi tiếng trên mạng xã hội. Vào các đám tiệc, điều khiến người ta chú ý đầu tiên không phải là nhan sắc hay cách ăn mặc mà là độ ‘vàng da’.


Dịp nọ, anh bạn tôi từ TP HCM về một vùng quê nghèo ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dự tiệc cưới của đứa cháu vào buổi tối và không khỏi ngỡ ngàng. Bước vào tiệc, anh bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh các bà, các cô, thậm chí các ông, đeo vàng đầy người, lóe sáng cả một góc rạp cưới.

Đọ vàng trên bàn tiệc

Trong tiếng nhạc xập xình, tiếng hát lè nhè có khi đinh tai nhức óc của mấy “ca sĩ miệt vườn” cất lên sau khi đã vào vài ba xị đế, mấy chị em ngồi chung một bàn vẫn bàn tán rôm rả xung quanh chủ đề vàng. Bà thì khoe mới tậu được mấy chiếc nhẫn vàng 9999 sau khi trúng giá vụ mít Thái. Cô trẻ hơn thì chìa đôi tay với làn da không mấy “ngọc ngà” nhưng kín mít mấy chục chiếc lắc rồi cười lớn: “Mới bán mấy công guộng (ruộng) nên ông già tui mới mua tặng đó. Mấy bà thấy sao?”.

Vậy là, cả chục cặp mắt đổ dồn về phía đôi tay cô gái trẻ. Có người khen đẹp nhưng cũng có người liếc mắt sang bàn khác với vẻ khó chịu. Cứ thế, câu chuyện về vòng vàng trên người thực khách diễn ra từ bàn này sang bàn khác, mặc cho thức ăn có ngon hay dở họ cũng không quan tâm.

Đêm về khuya, tiếng nhạc, tiếng hát càng trở nên… rền rĩ. Một phụ nữ ngoài 50 tuổi, trên cổ đeo sợi dây chuyền nặng trĩu, bước lên “cướp” micro từ tay một ông lão đã say mèm nhưng vẫn cố hát liên khúc mà chẳng ai biết đó là liên khúc gì. Khi ông lão bước loạng choạng ra phía sau hè để… “hò”, người phụ nữ bắt đầu hò hét: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…”.

Vừa hát, bà vừa nhún nhảy làm sợi dây chuyền cứ đu đưa, thỉnh thoảng vướng vào cái micro khiến thực khách ngồi phía dưới cười ồ. Hát xong, nữ ca sĩ bất đắc dĩ này không quên kéo sợi dây chuyền trở về vị trí trước ngực để tiếp tục gây sự chú ý với nhiều người.

Một phụ nữ ở Bạc Liêu đeo vàng đầy người đi dự tiệc. Ảnh: DUY NHÂN

Đeo nhiều vàng là… giàu?

Thói quen thích đeo vàng thật sự đã “thấm vào máu” một số người miền Tây từ rất lâu rồi, nhất là các bà các cô. Từ xưa cho đến bây giờ, từ miền quê cho tới thành thị, không ít phụ nữ miền Tây khi gặp bạn bè, đám tiệc, hội hè thì điều đầu tiên họ chú ý nhau không phải là nhan sắc hay ăn mặc mà là số vàng đeo trên người.

Người nào có độ “vàng da” càng cao thì mặc nhiên trở thành trung tâm của sự ngưỡng mộ lẫn ganh tị. Bởi vậy mà trước khi đi dự buổi tiệc nào, tâm lý phụ nữ là đeo lên người tất cả trang sức mà mình có, thậm chí còn mượn thêm của chị em, bạn bè để đeo cho thiên hạ lác mắt. “Đương nhiên, không phải chị em nào ở miền Tây cũng vậy. Cũng có những người không thích khoe khoang, vẫn an phận hay có của mà không muốn phô trương” – một lão nông khẳng định.

Vào năm 2005, khi hầu hết vùng quê Cà Mau, Bạc Liêu bắt đầu bỏ lúa nuôi tôm, cuộc sống vùng nông thôn chuyển mình bởi lợi nhuận từ nuôi tôm gấp hàng chục lần trồng lúa. Tiền xài không hết nên người ta đua nhau mua vàng dự trữ và làm trang sức càng nhiều. Thời điểm đó, thanh niên trai tráng muốn lấy được vợ phải mất rất nhiều vàng vì đẳng cấp xã hội vùng quê đã khác xưa. Anh Trần Chí Phương (ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) kể rằng gia đình anh có hơn 5 ha nuôi tôm thời điểm ấy nên được coi là khá giả trong vùng. Đám hỏi vợ, anh phải xuống mối 20 lượng vàng mới được “rước nàng về dinh”.

“Trước khi nuôi tôm sú, anh tôi lấy vợ cho vài chỉ vàng mà xóm giềng đã tấm tắc khen đàng nhà trai chịu chơi. Còn đến lượt tôi, mọi thứ đã thay đổi. Tôi cho số vàng lớn như vậy là bình thường, bởi có nhà giàu, họ cho đến 50 lượng” – anh Phương hồi tưởng.

Khoảng năm 2010 trở lại đây, quan niệm về vàng có sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý người miền Tây. Họ mang tiền gửi ngân hàng nhiều hơn. Còn trước đó, khi có tiền, điều đầu tiên người miền Tây nghĩ là… đi mua vàng. Tuy nhiên, tới giờ, không ít người dân miền Tây ở vùng nông thôn vẫn đánh giá mức độ giàu nghèo của người khác bằng mắt. Người nào đeo nhiều vàng thì mặc định người đó giàu có chứ không cần biết tài khoản ngân hàng của họ có bao nhiêu tiền. Chính vì tâm lý đó mà xảy ra không ít câu chuyện dở khóc dở cười.

 

Theo NLĐ


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình