Vị trí thân chính của cây cổ thụ trong đền Gối Đại ở cố đô Hoa Lư thay đổi 2 lần sau hàng nghìn năm.
Đền Gối Đại thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình hơn 10km. Người dân ở đây kể lại, Thắng Đại Vương được Đinh Tiên Hoàng giao cho trấn giữ cửa phía Tây trong tứ trấn Hoa Lư xưa kia. Khi ông qua đời, nhà vua cho xây ngôi đền ngay dưới gốc đa để đời sau nhớ đến công lao của ông. Phần giới thiệu được đặt trước đền có ghi: “Suốt ngàn năm qua, cây đa đã di chuyển quanh ngôi đền Gối Đại thờ Thắng Đại Vương, một vị tướng tài dưới triều đại nhà Đinh”.
Ngôi đền hiện tại được xây mới trên nền móng của đền cũ. Dấu tích của công trình cổ được thờ dưới miếu nhỏ nằm dưới tán cây đa.
Đền Gối Đại còn được gọi là đền Đại. Tên gọi Gối Đại nghĩa là sự nối tiếp của các thời đại với mong muốn đời sau luôn nhớ tới công ơn của người đi trước.
Sở dĩ, dân gian gọi đây là “cây đa di chuyển” bởi từ khi có ngôi đền Gối Đại, cây đã có 3 lần thay thân chính (gốc).
Thân chính đầu tiên (hiện không còn) từng nằm tại khu vực đền Gối Đại ngày nay. Thân thứ hai của cây chỉ còn là gỗ mục. Thân hiện tại bị mục một phần theo thời gian.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây đa này có tuổi đời cả nghìn năm. Mỗi bước di chuyển của cây cách nhau khoảng 300 năm.
Quanh thân chính có cả hàng chục rễ lớn nhỏ giúp cây bám vững vàng xuống mặt đất.
Cây cao hơn 20 m, tán rộng khoảng 50 m, lá xanh tốt.
Bạn dễ dàng phát hiện nhiều cây dây leo đang bám trên thân đa. Ước tính, cần có khoảng 15 người nắm tay mới ôm trọn cây khổng lồ này.
Khuôn viên xung quanh có người trồng cỏ, chăm sóc hằng ngày. Để chiêm ngưỡng và chụp ảnh cây đa, bạn phải mua vé vào khu du lịch với giá 100.000 đồng một người. Trẻ em từ 0,8 tới 1,3 m mua vé giá 50.000 đồng, dưới 0,8 m vào tự do.
Với người dân Hoa Lư, cây đa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là minh chứng “sống” cho lịch sử của quê hương. Còn đối với du khách, đây là nơi tham quan hấp dẫn và kỳ bí,điểm dừng chân nên ghé đối với ai có dịp đến Ninh Bình.
Theo Danviet