Nói người già bây giờ cũng leo được lên đỉnh Fansipan, nghe cứ như chuyện hoang đường, bịa tạc. Bởi ngay cả trong mơ, điều đó cũng không xảy ra được. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, thi sĩ của Trường Sơn hùng vĩ từng so sánh: “Tuổi trẻ vượt biển còn dễ hơn cụ già xuống ao/Ta leo núi chẳng chồn chân mà cụ già thăm vườn mỏi gối”…
Ra thăm vườn còn “mỏi gối” thì làm sao leo được Fansipan? Đỉnh cao 3143 mét. Từ dưới chân núi, lên đỉnh Fansipan dài 17 km. Đường lại hiểm trở. Có chỗ dốc dựng đứng. Lên và xuống, người khoẻ nhất cũng phải mất bốn ngày. Người bình thường có khi cả tuần chật vật, vất vả.
Ngay cả bọn trẻ, dân leo núi có hạng cũng còn cảnh báo nhau: “Cần phải cẩn trọng, cân nhắc, tính toán kỹ trước khi quyết định tham gia hành trình”. “Để chinh phục đỉnh Fansipan, cần có ít nhất một tháng luyện tập”. “Khi leo núi, mỗi nhóm nhất thiết phải thuê theo porter vừa có người dẫn đường, vừa mang vác đồ giúp các thành viên trong đoàn, dù hành trang mỗi người mang theo chỉ nặng chừng…ba kg”. Cẩn trọng đến thế, mà trong đám trẻ leo núi, có những người đã mất tích.
Một trong những người xấu số ấy là Phạm Ngọc Ánh, một chàng trai 20 tuổi ở xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Sau mấy ngày chật vật, Ánh đã leo đến đỉnh Fansipan. Tưởng như đã thuộc đường, Ánh xin xuống điểm nghỉ trước. Chặng đường cũng không dài. Chỉ hơn ba trăm mét thôi. Vậy mà những người cùng đoàn về chặng nghỉ sau, ở đỉnh 2800 mét đã chẳng thấy Ánh đâu cả.
Mọi người tá hoả báo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. UBND huyện Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Vườn Quốc gia Hoàng Liên thành lập các tổ tìm kiếm gồm công an huyện Sa Pa, cán bộ kiểm lâm, công an viên xã San Sả Hồ. Ròng rã hàng tháng trời, vẫn không thấy dấu tích của chàng sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ngỡ như anh đã tan biến vào mây mù.
Theo một hướng dẫn viên du lịch, đoạn đường ấy ngắn, nhưng lại rất nguy hiểm. Có chỗ phải leo bám qua mấy đoạn rất trơn. Nhiều chỗ độc đạo một con đường mòn, chỉ đặt vừa một bàn chân. Sơ sểnh chút là có thể lao xuống vực sâu hun hút đến cả ngàn mét. Cũng theo cánh leo núi chuyên nghiệp, chặng đường đó vẫn chưa phải nguy hiểm nhất. Nhiều chỗ còn hiểm trở hơn. Bởi thế, chinh phục được nóc nhà Đông Dương, đâu phải chuyện dễ dàng.
Vậy mà lão già Khốt ta bít này đã lên đỉnh Fansipan rồi đấy. Lão còn khoe trong bài thơ tứ tuyệt:
TRÊN ĐỈNH FANSIPAN
Nằm khểnh trong mây nõn
Chạnh lòng thương cõi người
Thánh Thần hay Tiên Phật
Cũng chỉ bằng ta thôi…
Oách thật. Lên được đỉnh Fansipan là oách lắm rồi. Già khú đế mà còn leo được núi, mà núi cao nhất Đông Dương nhá. Dân phượt ngơ ngác: “Có thật thế không? Bịa”. “Có ảnh không? Thơ không chấp. Thơ ở đâu chả làm được. Có lão ngồi xó nhà, còn bốc phét đi dạo dọc sông Ngân Hà mới khiếp chứ”. “Nhưng lão có ảnh thật”. “Thế thì lão đi trực thăng rồi. Chỉ có đi bằng trực thăng thôi. Trực thăng thả lão xuống!”.
Bao nhiêu tiên đoán của dân phượt và các anh hùng bàn phím. Họ đều nghĩ lão đi trực thăng. Không ai nghĩ lão đi cáp treo. Đỉnh Fansipan cao thế, cheo leo hiểm trở thế, làm sao kéo cáp lên được? Hoạ có chuyện hoang đường!
Vậy mà chuyện hoang đường lại có thật!
Đã có cáp treo lên Fansipan rồi đấy!
Nhà báo Vũ Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VOV khoe với lão già này và Nghệ nhân Trà Hoàng Anh Sướng tin vui đó. Đó là những ngày cuối năm. Công việc rất bận. Lại đang rét độc rét hại. Ngay tại địa bàn Hà Nội, có nơi còn có tuyết rơi như ở Ba Vì. Nhiều vùng núi cao tê buốt trong băng giá. Vậy mà ba lão nhà báo vẫn quyết ngược ngàn. Đi! Đi xuyên giá rét. Lại lên đỉnh giá rét nhất.
Đi cũng vì tò mò. Làm sao con người có thể kéo được cáp treo lên đỉnh Fansipan? Một sợi cáp chính nặng đến cả hàng trăm ngàn tấn. Đã thế còn phải xuyên rừng, vượt những đỉnh dốc đứng. Một chuyện thật khó tin. Chính những kỳ nhân kéo cáp, cả người Việt và chuyên gia nước ngoài ở công ty SUN GROUP và tập đoàn Cáp treo Dopenmayer nổi tiếng thế giới cũng không ngờ mình có thể làm được. Bởi chỉ nghĩ đến cũng đã rùng mình.
Tập đoàn Dopenmayer của Áo đã từng xây dựng 14000 tuyến cáp treo trên khắp thế giới. Trong đó có cả những tuyến vượt biển, nhưng chưa có tuyến cáp treo nào khó khăn, nguy hiểm như tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan. Vượt rừng, xuyên rừng, nhưng lại không được ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không chặt cây rừng.
Thêm nữa, việc khảo sát địa chất để dựng cột bên những vách núi dựng đứng cũng là một việc rất khó, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đấy là một việc tưởng chỉ có ở trong mơ. Chủ đầu tư là Công ty SUN GROUP. Đây là một tập đoàn kinh tế lớn, từng xây dựng nhiều công trình kỳ vĩ, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có tiếng vang lớn trên thế giới. Đặc biệt là khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng.
Với vẻ đẹp lộng lẫy, thiết kế sang trọng, tinh tế đến từng chi tiết, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Tập đoàn vừa được World Travel Awards tiếp tục vinh danh lần 2, là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới năm 2015.
Đạt được kỳ tích ấy không phải dễ dàng. Sau một năm nhận bình chọn khắt khe từ các nhà chuyên môn, các hãng du lịch lữ hành và công chúng từ hơn 100 quốc gia, vượt qua 10 đối thủ đến từ các thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng, như Turks & Caicos, Maldives, UAE, California (USA)…, InterContinnental Danang Sun Peninsula Resort đã được vinh danh trong giải thưởng “Oscar của ngành du lịch” thế giới.
Công trình lên đỉnh Fansipan này cũng của tập đoàn SUN GROUP và cũng giữ được phong thái ấy. Một quần thể nhà nghỉ, ga đầu của Cáp treo cũng có thể được xem như một công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Những đặc trưng của văn hoá Việt, đặc biệt là bản sắc văn hoá của các vùng dân tộc miền núi phía Bắc được chọn lựa, cách điệu, khắc hoạ tinh tế đến từng chi tiết. Công trình vừa dân tộc, hiện đại, vừa có tính khu biệt, lại có nét tương đồng để có thể hoà nhập được với toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Tài vô cùng. Điều ngạc nhiên nhất, tác giả của công trình mang đậm bản sắc Việt này lại không phải người Việt, mà là một ông Tây người Ý: Kiến trúc sư Bill Bensley. Theo lời Lê Viết Lam, Tổng Giám đốc Tập Đoàn SUN GROUP, để xây dựng công trình này, ông Bill Bensley phải có mặt ở khắp mọi vùng miền đất nước, đặc biệt là các tỉnh vùng cao phía Bắc để tìm ra những nét đặc trưng nhất tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam, rồi sau đó lại phải cấu trúc, sáng tạo, xây dựng làm sao mà đến hàng trăm năm sau, công trình cũng không được lạc hậu.
“Công việc của chúng tôi là thế. Là tận dụng tiền bạc, trí tuệ của người nước ngoài, làm đẹp cho Việt Nam, nâng cao vị thế cho Việt Nam” – Lê Viết Lam tiếp tục câu chuyện. Điều này thì quả thật, anh đã làm được. Khu du lịch Bà Nà Hill, khu nghỉ dưỡng Resort Đà Nẵng sang trọng nhất thế giới và công trình lên đỉnh Fansipan này là một minh chứng.
Lê Viết Lam là bạn của Phạm Nhật Vượng, cùng học Nga. Vượng học ngành Mỏ địa chất. Còn anh học ngành Đường sắt, với chuyên nghề Thiết kế đầu máy xe lửa. Nhưng rồi về nước, cả hai đều rẽ ngang và đều rất thành đạt. Phạm Nhật Vượng thì rất nổi tiếng rồi. Còn Lê Viết Lam vẫn chìm vào đám đông.
Anh rất ít xuất hiện trước giới truyền thông. Nếu cần có mặt của Tập đoàn thì thường chỉ cấp Phó. Nhưng anh luôn có mặt trước thuộc cấp của mình. Cùng ra công trường, cùng kéo dây với anh em. “Tôi thường lên Fansipan bằng phương tiện kia kìa…”. Lê Viết Lam chỉ lên những khoang đựng vật liệu xây dựng, trụi trần, không kính che gió, chạy trên một sợi dây nom rất mỏng mảnh.
“Nguy hiểm quá!”. Tôi kêu lên. “Anh em đi được thì mình cũng đi được. Mình có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, có đồng cam cộng khổ như thế, anh em mới yên tâm”. “Thế còn cáp treo ở đây thế nào?”. “An toàn tuyệt đối. Cáp treo ở đâu cũng an toàn. Hệ thống cáp này lại hiện đại nhất, vì có 3 dây. Một dây trên chịu trọng tải. Hai dây ở hai bên giữ cân bằng. Vì thế, gió cấp 11-12, ca bin lớn, chứa được đến cả 35 người mà vẫn không chao lắc.
Tập đoàn Dopenmayer của Áo đã dựng 14000 công trình cáp treo trên khắp thế giới rồi mà chưa ở đâu xảy ra sự cố cả. Trung tâm của họ ở Áo nhưng vẫn kết nối với chúng ta. Ca bin chỉ chao lắc, hay chạy không đều họ đã biết ngay và cho hướng giải quyết. Hiện nay chúng tôi đã có cáp treo lên đỉnh cao 2800 mét. Còn hơn 300 mét cuối cùng chúng tôi xây bậc đá. 600 bậc đá thôi. Đi cũng rất dễ dàng.
Chúng tôi sẽ làm hệ thống băng kéo từ điểm cao 2800 lên đỉnh 3143 mét để phục vụ những người tàn tật hay các cụ già, để ai cũng có thể lên được đỉnh nóc nhà Đông Dương”. 600 bậc thang đá dốc và gió. Có lúc gió như bão. Đây chính là chặng đường mà anh bạn trẻ Phạm Ngọc Ánh mất tích năm nào. Bậc đá rất đẹp. Chỉ riêng đoạn đường này cũng đã là một công trình kỳ vĩ.
Ngày xưa để chinh phục đỉnh Fansipan, phải mất một tuần leo núi cực nhọc, mà rất nguy hiểm. Bây giờ chỉ mấy tiếng đồng hồ. Ai cũng lên đó được. Kể cả các cụ già và người tàn tật. Đó không phải là chuyện cố tích sao?
Theo Trần Đăng Khoa/VHVN