Bảo tồn, phát huy 7 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

11:22 | 21/09/2022

 Trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống, văn hóa của các dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc triển khai Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, năm 2022.


Theo Quyết định số 2239/QĐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở VHTT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp như làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc của các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mường, Phù Lá, Thổ, Ơ Đu tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên và Nghệ An.

Mô hình CLB văn hóa dân tộc Mường tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ do Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức

Cụ thể, tổ chức khôi phục, bảo tồn, tái hiện 7 mô hình gồm “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Tày tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; “Nghệ thuật khèn Bè” của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái; Nghệ thuật “Múa chuông và múa Rủa” của dân tộc Dao ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; Nghệ thuật “Múa trống Đu” của dân tộc Mường tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; “Lễ Quét làng” của dân tộc Phù Lá, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Nghề đan võng gai dân tộc Thổ, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và bảo tồn Nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Ơ Đu, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Đây là hoạt động thường niên của Bộ VHTT&DL nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có hiệu quả tại Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An.

“Hoạt động này cũng góp phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thanh niên (lớp trẻ) qua các hoạt động đa dạng như sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy nghề truyền thống, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình”, công văn nêu rõ.

Nội dung triển khai của Quyết định bao gồm khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin các loại hình văn hóa phi vật thể; đề xuất giải pháp thực hiện bảo tồn, phát huy di sản; tổ chức tập huấn, truyền dạy, trình diễn các nghi lễ; tổ chức chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình bảo tồn di sản; in đĩa DVD phát cho người dân nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số…

Mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Dao Quần chẹt tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Mô hình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số do Bộ VHTT&DL tổ chức


 Một mô hình bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Các hoạt động sẽ triển khai trong quý IV/2022, với sự tham gia của 500 người là các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng – chủ thể văn hóa sẽ trực tiếp truyền dạy và học viên các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mường, Phù Lá, Thổ, Ơ Đu.

Việc triển khai các hoạt động khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần thực hiện đồng bộ giữa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nghệ thuật với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép kế hoạch phát triển văn hoá phi vật thể và du lịch vào các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Các hoạt động này nhằm phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với lớp trẻ thông qua các hoạt động văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy nghề truyền thống, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Từ đó, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Phần biểu diễn múa khèn của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Yên Bái nhân Ngày hội văn hóa dân tộc H’Mông toàn quốc tại Lai Châu vào ngày 25-12-2021

Trong dịp này, Bộ VHTT&DL sẽ hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mường, Phù Lá, Thổ, Ơ Đu nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc.

Thông qua đó, bà con các dân tộc có điều kiện thực hành, trao truyền dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, đồng thời, nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước đưa các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm thu nhập bền vững cho đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương.

Nguyễn Hoàng
Nguồn Báo công luận 
https://www.congluan.vn/bao-ton-phat-huy-7-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cac-dan-toc-thieu-so-co-nguy-co-mai-mot-post214426.html#p-2

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng