Thời gian gần đây, các quá trình địa chất – địa động lực hiện đại tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến một số khu vực núi trên Vịnh Hạ Long, trong đó có hòn Trống Mái. Vì vậy, các ban, ngành tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các phương án chủ động ứng phó tình trạng này.
Hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, chân đảo hẹp hơn phần thân. Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt.
Hòn Trống Mái thường xuyên chịu tác động của các yếu tố: Mưa, gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, môi trường, đây là những yếu tố có tác động tới quá trình phong hóa, sạt, trượt. Mặc dù chưa ghi nhận xảy ra tình trạng sạt trượt, nhưng thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái nói riêng và các di sản nói chung.
Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 730/QĐ-UBND về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”.
Bảo tồn hòn Trống Mái – Vịnh Hạ Long.
Trong đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa – Thể thao là đơn vị tiếp nhận, ứng dụng kết quả nhiệm vụ. Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, thực hiện quản lý nhiệm vụ đúng quy định hiện hành.
Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, phục vụ nhu cầu quản lý, bảo tồn hòn Trống Mái, Sở Khoa học – Công nghệ đã thường xuyên đôn đốc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bám sát nội dung được phê duyệt để tổ chức triển khai đúng tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất các giải pháp, bảo tồn hòn Trống Mái.
Đến nay, nhiệm vụ trên cơ bản hoàn thành đầy đủ các nội dung, sản phẩm theo đúng quyết định phê duyệt, gồm: Nghiên cứu tổng quan và thành lập cơ sở dữ liệu hòn Trống Mái; nghiên cứu đánh giá hiện trạng hòn Trống Mái; nghiên cứu các yếu tố tác động lên hòn Trống Mái; quan trắc và thu thập dữ liệu trên hòn Trống Mái; nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và xây dựng hồ sơ báo cáo tiền khả thi các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái.
Các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp theo từng đối tượng cụ thể để giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái. Trong đó, có thể dùng neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo nhằm giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái…, không được làm thay đổi cảnh quan và vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái, các tác động nên hạn chế tối đa.
PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/bao-ton-hon-trong-mai-tren-vinh-ha-long-truoc-tac-dong-cua-thien-nhien-post261094.html