Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố và Khai mạc Phòng Trưng bày Văn hóa Chăm

22:50 | 26/11/2023

Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam ngày 23/11/2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố và Khai mạc Phòng Trưng bày Văn hóa Chăm.

Khởi công xây dựng từ năm 1915, mở cửa cho khách tham quan từ năm 1919, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tự hào là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm. Tòa nhà Bảo tàng đồng thời là một công trình độc đáo, có bề dày tuổi đời trong lịch sử phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng, vừa mang các đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp một cách hài hòa, tinh tế các đường nét kiến trúc đặc trưng của các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung Việt Nam.

Những năm vừa qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đạt nhiều kết quả và thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các bộ sưu tập nghệ thuật giá trị mà Bảo tàng đang lưu giữ. Trong đó có thể kể việc lập hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 06 Bảo vật quốc gia, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan đến với Bảo tàng, đóng góp nguồn thu ngân sách cho thành phố hàng tỉ đồng,…

Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn là một trong những điểm đến nổi bật tại địa phương, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa Champa cổ thông qua bộ sưu tập điêu khắc tôn giáo đa dạng và rất tiêu biểu đang được lưu giữ tại đây. Bên cạnh các trưng bày về nền nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, Bảo tàng còn chú trọng giới thiệu đến công chúng về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam giàu bản sắc, vừa có tính kế thừa, vừa có sự biến đổi từ nền văn hóa Champa cổ trước đây. Trên cơ sở Phòng trưng bày Lễ hội và Nghề thủ công của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận được đưa vào giới thiệu từ năm 2017, với mong muốn đem lại cho du khách và các đối tượng công chúng quan tâm một góc nhìn tổng quan, đầy đủ hơn về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm hiện nay, trong năm 2023, Bảo tàng đã thực hiện việc cải tạo và nâng cấp phòng trưng bày Văn hoá Chăm, với 06 chủ đề chính và trên 150 hiện vật được giới thiệu. Bên cạnh việc bổ sung thêm hiện vật; phòng trưng bày đồng thời được cải tạo, nâng cấp, áp dụng các phương pháp trưng bày mới về bục bệ, ánh sáng, giả lập bối cảnh,… để giúp du khách có trải nghiệm sinh động, ấn tượng về các nội dung được truyền tải và giới thiệu.

Với một nền văn hoá đặc sắc và có tiến trình phát triển lâu dài như văn hóa Chăm, phòng trưng bày chuyên đề hi vọng mang lại cho du khách cơ hội tiếp cận những nét đặc trưng, cơ bản nhất về truyền thống, văn hoá và đời sống hiện nay của dân tộc Chăm, qua đó làm phong phú thêm các trải nghiệm của khách tham quan khi đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Một số hình ảnh tại buỏi Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố và Khai mạc Phòng Trưng bày Văn hóa Chăm.

Trần Trung Sáng

Cùng chuyên mục

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần