Thực tế rất nhiều năm qua, ngày càng nhiều những cánh đồng muối bị bỏ hoang, nghề muối quá ư vất vả, nhưng thu nhập quá thấp đã khiến diêm dân khắp nơi buộc phải bỏ nghề.
“Kính thưa quý vị, một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của nhân dân làm muối như thế này, mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng” – Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí – Đoàn Hà Nội đã thốt lên như vậy trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 15/8 vừa qua. Và sẽ còn xót xa hơn khi trên thực tế rất nhiều năm qua, ngày càng nhiều những cánh đồng muối bị bỏ hoang, nghề muối quá ư vất vả, nhưng thu nhập quá thấp đã khiến diêm dân khắp nơi buộc phải bỏ nghề.
Báo Lao Động điện tử ngày 23/8 đăng tải ghi nhận của phóng viên tại Hà Tĩnh, theo đó tại tỉnh này, bạt ngàn đồng muối đang bỏ hoang, một số nơi đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Đơn cử như tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, ông Phạm Công Tùng – Chủ tịch UBND xã cho hay, hiện diện tích đất muối của xã làm 49 ha nhưng chỉ có 28 hộ đang sản xuất muối với diện tích 38 sào (gần 2 ha), còn phần lớn đang bỏ hoang.
Diêm dân sản xuất muối trên cánh đồng muối thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn
Điều đáng nói là câu chuyện đồng muối bị bỏ hoang, diêm dân bỏ nghề chẳng diễn ra ở riêng Hà Tĩnh mà còn tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có nhiều vùng từng là “trọng điểm” sản xuất muối như Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa… Cũng chẳng còn là chuyện mới, nếu không muốn nói là chuyện cũ đã từng nói mãi. “Thời gian gần đây, việc diêm dân bỏ nghề, tha hương kiếm sống không còn là chuyện lạ. Người dân chưa thực sự sống được bằng nghề muối, thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày không thể bảo đảm được đời sống trong bối cảnh vật giá tăng cao như hiện nay”– băn khoăn của một lãnh đạo của Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc từng bày tỏ tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành muối năm 2011 cho tới nay vẫn còn vẹn nguyên tính… thời sự.
Trở lại nỗi đau lòng của một người dân của đất nước với hơn 3.000 km bờ biển và một nền sản xuất muối lâu đời, với hình ảnh hạt muối, diêm dân đã đi vào thơ ca, nhạc họa với những hình ảnh đầy sức gợi, nhưng giờ đây phải đi nhập khẩu muối, như Đại biểu Nguyễn Anh Trí đã bày tỏ. Nỗi đau đó là… đương nhiên, sự nhập khẩu muối cũng là đương nhiên khi tình trạng diêm dân bỏ ruộng muối ngày càng phổ biến như thế. Nhập khẩu muối ngày càng phổ biến còn là bởi, như lý giải của đại diện cơ quan chức năng, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – tại cuộc họp báo cáo tổng quan phát triển ngành muối Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/7/2023, chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, y tế nên vẫn phải nhập khẩu muối. Lượng muối của các đồng muối công nghiệp trong nước chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh, cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất.
Thậm chí, theo ông Lê Đức Thịnh, dự báo đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam cần tới 1,3 triệu tấn muối mỗi năm, do đó lượng muối cần nhập khẩu sẽ còn… cao hơn gấp đôi so với hiện nay. Chưa hết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhận định:“Chấm dứt nhập khẩu muối là bài toán khó, cũng giống như đất nước đang sản xuất than nhưng phải nhập khẩu than, sản xuất gạo nhưng vẫn nhập khẩu gạo”.
Nhưng tất cả chưa phải là lời giải thỏa đáng cho câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, một câu hỏi không hề mới: Đất nước đầy biển, nắng, dân có kinh nghiệm nhưng vẫn phải nhập muối. Trong khi đó, theo nhiều ý kiến, không nói đâu xa, tại sao nước Lào chẳng có mét biển nào, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu muối lớn trên thế giới? Vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối? Tại sao xu hướng sử dụng muối mỏ bởi muối mỏ giá thành rẻ chỉ bằng 1/20 so với muối sản xuất từ nước biển, lại sạch hơn muối làm từ nước biển rất nhiều nhưng bao năm qua, Lào và Thái Lan đều có muối mỏ còn Việt Nam thì không có muối mỏ và phải lấy nước biển để làm muối?
Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Anh Trí – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang xây dựng chuỗi logistic ngành muối để đảm bảo phát triển ngành muối hiệu quả hơn. Nhìn nhận lại những câu hỏi chưa hề có câu trả lời thỏa đáng ở trên, thì liệu việc xây dựng chuỗi logistic ngành muối có đủ để phát triển ngành muối hiệu quả hơn? Có thể giúp diêm dân Việt yên lòng với nghề muối của mình?
Nên nhớ cách đây hàng chục năm, đại diện Bộ NNPTNT cũng đã từng chia sẻ về việc sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành muối, tập trung vào những vùng sản xuất muối hiệu quả, những vùng sản xuất kém chất lượng, năng suất thấp sẽ tìm giải pháp chuyển nghề cho người lao động, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho diêm dân ứng dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất muối sạch, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu muối chất lượng cao cho các ngành công nghiệp.
Những mô hình đồng muối từng được kỳ vọng sẽ là mô hình điển hình như Quán Thẻ (Ninh Thuận), Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Vĩnh Hảo (Bình Thuận), những dự án xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bà Rịa-Vũng Tàu…. giờ đây ra sao, đã có đánh giá cụ thể như thế nào?
Tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) có gần 600 hộ làm muối, với diện tích đưa vào sản xuất khoảng 58 ha. Ảnh: Hoài Luân
Rõ ràng, có quá nhiều câu hỏi liên quan tới muối Việt, diêm dân Việt đang chờ đợi những câu trả lời thỏa đáng. Có trả lời được thỏa đáng được những câu hỏi ấy thì mới có thể hết băn khoăn: Vì sao Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất muối, với chiều dài bờ biển 3.260 km kéo dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, cùng khí hậu nhiệt đới, nước biển nóng, có độ mặn cao, tổng trữ lượng muối của nước ta khoảng 120 – 130 tỷ tấn muối, nghề làm muối truyền thống ở nước ta có từ lâu đời, đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, tiềm thức, thơ ca của con người Việt, diêm dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có thể tạo ra loại muối phơi cát chứa nhiều loại khoáng chất rất tốt cho sức khỏe con người, sản phẩm muối của Việt Nam từng chinh phục thành công các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… nhưng nghề muối vẫn đang ngày một mai một, diêm dân vẫn cứ phải khổ cực mãi phải bỏ ruộng, bỏ nghề.
Chưa cần đến mức, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ từng hạt muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…” – chỉ cần diêm dân sống được với nghề, thì nỗi đau hạt muối mới có cơ hội vơi bớt, để nỗi “Ước ao hạt muối ngọt ngào/Nhẹ tênh gánh muối, rì rào gió reo/Đôi ta thoát khỏi cảnh nghèo” như tác giả Nam Phương Nguyễn Thị mong ước mới có cơ hội trở thành hiện thực.
Hà Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/bao-gio-hat-muoi-ngot-ngao-post261710.html