Cuộc chiến chống Mỹ của dân tộc ta đã lùi xa. Được sống trong hòa bình ngày hôm nay, chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh, nhưng hào hùng với chiến thắng trọn vẹn, thu hồi non sông trở về một mối.
Binh chủng báo chí cách mạng, trong đó có báo Giải Phóng – tờ báo trong tuyến lửa đã có những đóng góp đáng trân trọng trong chiến thắng vĩ đại đó của dân tộc.
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày báo Giải Phóng ra số đầu. Những người gây dựng và trực tiếp làm ra những tờ báo nóng hổi tính thời sự từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tuyên truyền có hiệu quả phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam như tên gọi và sứ mệnh của Báo, đã trở thành một phần của lịch sử, nay nhiều người không còn nữa. Bằng những đóng góp của mình, tờ báo đầy sức chiến đấu, trực tiếp chống quân thù ngay tại chiến trường và những người vượt qua gian khổ, hy sinh, tay bút, tay súng, vừa làm báo vừa chiến đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của một tờ báo cách mạng – xứng đáng được vinh danh danh hiệu Anh hùng.
Một số hiện vật là dụng cụ tác nghiệp của các phóng viên báo Giải Phóng xưa tặng lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: T. Điểu
Báo Giải Phóng – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN) ra số đầu ngày 20/12/1964, để hợp sức cùng Thông tấn xã Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, báo Quân Giải phóng, Văn nghệ Giải phóng… tạo thành binh chủng báo chí hùng hậu, là lực lượng truyền thông chủ lực nơi tiền tuyến, phục vụ trực tiếp cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ra số cuối cùng ngày 16/1/1977, tức là gần hai năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Khi đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và cùng với đó, hai cơ quan ngôn luận của hai tổ chức Mặt trận là báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng hợp nhất trở thành báo Đại Đoàn Kết ngày nay.
Báo Giải Phóng ra đời tại Chiến khu C ở tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ, giáp biên giới Campuchia, đúng vào dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/12/1964). Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, sau đó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMN luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ nhiệm báo.
Nhà báo Trần Phong – nguyên Tổng Biên tập báo Cứu Quốc được cử từ miền Bắc theo đoàn tàu không số vượt biển vào làm Tổng Biên tập đầu tiên với bút danh Kỳ Phương. Trần Phong – Kỳ Phương tên thật là Lê Văn Thơm quê Mỹ Tho, sinh năm 1921, sớm tham gia cách mạng, nhiều năm hoạt động trong Nam, ngoài Bắc và năm 1964 đã theo tàu không số vào Nam để cùng hai nhà báo khác là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) cũng từ báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh để chuẩn bị nhân sự và hậu cần cho việc xuất bản báo Giải Phóng.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo được bổ sung, tăng cường từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Họ là những phóng viên, nhà báo kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm, trong số đó có Thép Mới, Kỳ Phương, Nguyễn Huy Khánh, Trần Tâm Trí, Thái Duy, Bùi Kinh Lăng, Tô Quyên, Tình Đức, Nguyễn Hồ, Kim Toàn, Đinh Phong, Nguyễn Thế Phiệt, Mai Dưỡng, Vũ Tuất Việt, Trần Bé, Mai Trang, Mạnh Tùng…
Từ miền Bắc vào, hầu hết các nhà báo đã phải mất hằng tháng trời bí mật đi bộ vượt dãy Trường Sơn núi non hiểm trở hoặc đi theo các con tàu không số lênh đênh trên biển qua Đường mòn Hồ Chí Minh giữa lúc các phương tiện chiến tranh của địch rình rập, bắn phá suốt ngày đêm.
Cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn tức Cao Kim dưới dạng ghi chép chiến trường vừa xuất bản đã ghi lại hành trình hơn 4 tháng luồn rừng, trèo đèo, lội suối, vượt qua mọi chông gai, bom đạn của đoàn 23 cán bộ báo chí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là những con người phi thường, có ý chí sắt đá. Họ xuất phát từ Hà Nội ngày 17/3, vào đến chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày 27/7/1966 và trụ lại tác nghiệp báo chí cho đến ngày chiến thắng.
Trong những năm vừa làm báo vừa cầm súng chiến đấu trên mặt trận đã có những nhà báo hy sinh. Ngày 8/3/1968, nhà báo Cao Kim đã được “báo tử” sau một trận đánh ác liệt ở vùng ven Sài Gòn và đã được báo Giải Phóng truy điệu, lập mộ chí. Nhưng đó là một sự nhầm lẫn. Người hy sinh là Hai Ca – Đội trưởng đội võ trang tuyên truyền kiêm Bí thư Chi bộ, nơi nhà báo Cao Kim vừa được phiên chế về và chuyển Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng. Hai Ca mới kịp nhận giấy giới thiệu, cất giữ trong túi áo đã bước vào cuộc chiến sống mái với quân thù. Ông trúng đạn biến dạng và hy sinh. Nhà báo Cao Kim – Kim Toàn sống sót trở về, tiếp tục làm nhà báo – chiến sĩ tại chiến trường Nam Bộ, Khu Sài Gòn – Gia Định cho đến năm 1974, viết, đăng nhiều bài báo, phóng sự, ghi chép, phản ánh gương chiến đấu dũng cảm, tình cảm của người dân với cách mạng, cổ vũ tinh thần của nhân dân miền Nam chống và thắng Mỹ. Sau này ở tuổi ngoài 80 ông đã tập hợp các bài viết đó để xuất bản 4 cuốn sách đầy ắp tư liệu: “Viết trong lửa đạn”, “Làm báo ở chiến trường”, “Chuyện những người trong cuộc”, “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”, “Hai lần vượt Trường Sơn”…
Số Xuân Qúy Sửu 1973.
Nhà báo lão thành Thái Duy với bút danh Trần Đình Vân không chỉ là nhà báo tiên phong của báo Giải Phóng. Trong thời gian làm báo, ông đã hoàn thành cuốn truyện ký nổi tiếng “Sống như Anh” về anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, ghi lại “những giây phút làm lên lịch sử” của anh trước kẻ thù theo lời kể của chị Phan Thị Quyên – vợ anh. Bằng trí tuệ sắc sảo, phong cách trung thực đặc trưng của một nhà báo, ông đã khắc họa hình ảnh một chiến sĩ biệt động Sài Gòn gan dạ, dũng cảm, hiên ngang trước quân thù, bình thản đối diện với cái chết vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lời giới thiệu tác phẩm “Sống như Anh” của Nhà xuất bản Văn học đã nhận xét: “…Qua ngòi bút trung thực và tế nhị của người ghi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh sinh động của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và của cả một tập thể anh hùng, cả một dân tộc anh hùng”. Cái chết của anh Trỗi “đã trở thành bất tử” như nhà thơ Tố Hữu đã viết, lan tỏa khí phách anh hùng, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Trở lại miền Bắc, ông tiếp tục sự nghiệp báo chí lẫy lừng, nổi tiếng với những tác phẩm cổ vũ tinh thần đổi mới trong nông nghiệp với “khoán chui” thời tiền đổi mới và chống tham nhũng không khoan nhượng những năm sau này khi ông đã ở tuổi 90.
Tư liệu khá đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển báo Giải Phóng có thể tìm thấy trong bộ phim tài liệu “Giải Phóng – Tờ báo trên tuyến lửa” dài 26 phút của Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện do Nhà báo Nguyễn Hồ – nguyên Biên tập viên báo Giải Phóng làm Chủ biên. Phim dùng những tư liệu hình ảnh sống động từ thời chiến tranh, lời kể trực tiếp của người trong cuộc đã từng tham gia làm báo từ những ngày đầu, cũng như điểm lại quá trình phát triển của báo Giải Phóng trong hơn 10 năm hoạt động. Xúc động hơn cả là đoạn cuối phim nói lên tâm sự của những nhà báo tuổi cao, sức yếu rằng ký ức tốt đẹp về Báo còn đó, nhưng thế hệ những người làm báo Giải Phóng ngày một ít đi.
Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, phục vụ trực tiếp sự nghiệp giải phóng đất nước, báo Giải Phóng có đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, thấm đậm phẩm chất kiên cường của chiến sĩ cách mạng, không bị đạn bom khuất phục. Các nhà báo theo sát các đơn vị quân giải phóng ra mặt trận, vào sâu các vùng nông thôn, đô thị, vùng giải phóng, vùng tranh chấp và cả các vùng do địch kiểm soát để tác nghiệp.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), các nhà báo Thép Mới, Cao Kim cùng một số phóng viên, nhân viên đã bí mật đột nhập sào huyệt Sài Gòn để hoạt động báo chí và chuẩn bị cho chuyện gì đó lớn hơn.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà báo không chỉ lo làm ra tin, bài, ảnh mà còn tự thu xếp việc in ấn, chuyển phát báo tới độc giả. Không chỉ xuất bản, phát hành, báo Giải Phóng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo các lực lượng làm báo cho các địa phương, tổ chức nghiên cứu báo chí để tham mưu giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục về những vấn đề đấu tranh với địch trên mặt trận báo chí. Báo Giải Phóng thực sự là vũ khí đấu tranh sắc bén, người bạn tin cậy của đồng bào, chiến sĩ ta, và là niềm tự hào của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong hơn một thập kỷ tồn tại, tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Giải Phóng đã xuất bản 375 số báo tại chiến trường. Và ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc ngày 30/4/1975, cán bộ báo Giải Phóng đã bắt tay chuẩn bị xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải phóng. Số đầu tiên ra ngày 5/5/1975, in màu, 8 trang khổ lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân miền Nam vừa được giải phóng.
Thực hiện đúng chức năng là cơ quan ngôn luận của MTDTGPMNVN, ngày 27/7/1975, báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản báo Sài Gòn Giải phóng cho Thành ủy Sài Gòn và cho ra mắt báo Giải Phóng bộ mới, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ thời hậu chiến của cơ quan ngôn luận thuộc MTDTGPMNVN.
Số Xuân Canh Tuất 1970.
Báo Giải Phóng chỉ sống cuộc đời vỏn vẹn hơn một thập kỷ, nhưng cũng là một dấu mốc quan trọng trong hành trình 80 năm hình thành và phát triển của cơ quan ngôn luận thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đầu năm 2022, báo Đại Đoàn Kết đã trọng thể kỷ niệm 80 năm ngày thành lập báo Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết (25/1/1942 – 25/1/2022).
Với tư cách nhà báo đã từng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2010 – 2015) tôi tha thiết mong muốn Nhà nước có sự vinh danh xứng đáng đối với báo Giải Phóng, đã vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, phục vụ đắc lực sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong một giai đoạn lịch sử hào hùng. Cùng với Thông tấn xã Giải Phóng, Đài phát thanh Giải phóng, báo Quân Giải phóng…, báo Giải Phóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử vẻ vang.
Thông tấn xã Giải phóng thành lập ngày 12/10/1960, Đài phát thanh Giải phóng thành lập ngày 1/2/1962, nhân dịp 60 năm ngày thành lập của mình, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với những đóng góp to lớn của mình, báo Giải Phóng cũng rất xứng đáng được tặng danh hiệu cao quý đó. Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày báo Giải Phóng ra số đầu (20/12/1964 – 20/12/2024), thiết nghĩ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn Kết sẽ là cơ quan thích hợp để xúc tiến việc làm có ý nghĩa tri ân này.
Người viết cũng đã có bài đăng trên báo Đại Đoàn Kết về đề nghị này nhân dịp 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).
Nhà báo Hà Minh Huệ –
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/bao-giai-phong-60-tuoi–xung-dang-duoc-vinh-danh-post260788.html