Báo động nạn trộm cắp cổ vật tại các di tích cấp quốc gia

15:40 | 17/12/2021

Là nơi lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý, thời gian gần đây, các di tích phủ thờ, đình làng, nhà thờ họ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục bị trộm “viếng thăm” và cuỗm đi nhiều hiện vật có giá trị. Đáng báo động, nhiều cổ vật quý hiếm tại một số di tích quốc gia cũng bị trộm lấy đi.


Các hiện vật trộm cắp từ đình làng, nhà thờ họ được Công an TP Huế thu hồi kịp thời.

Báo động SOS!

Cuối tháng 11.2021 vừa qua, Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình làng Dạ Lê (phường Thủy Vân, TP Huế) đã bị trộm phá khóa rồi đột nhập giữa đêm lấy đi 16 bức liễn gỗ quý giá. Đình làng Dạ Lê là công trình được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826), có lối kiến trúc độc đáo theo kiểu nhà rường truyền thống, cùng với nghệ thuật chạm khắc đặc trưng của triều Nguyễn xưa. Cùng với giá trị về nghệ thuật kiến trúc, công trình đình làng Dạ Lê cũng từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã công nhận đình làng Dạ Lê là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

Ông Lê Đình Hợi, người quản lý và trông coi đình làng Dạ Lê thông tin: “Gần 200 năm qua, đình làng lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có các câu đối và những bức hoành phi cổ xưa, chính vì vậy, nhiều đối tượng xấu thường hay “nhòm ngó”. Đêm 24.11, khi phát hiện có kẻ xấu đã bẻ khóa, đột nhập trộm đi 16 bức liễn gỗ quý, tôi đã nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an để sớm tìm lại được hiện vật cho di tích đình làng”.

Trước đó, năm 2020, phủ thờ Quốc Uy Công (hay phủ thờ Tôn Thất Thuyết) ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy cũng bị trộm đột nhập và lấy cắp chiếc chuông cổ quý giá được đúc vào đời vua Tự Đức năm 1877. Phủ thờ Quốc Uy Công được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994, nhiều năm qua do con cháu của Nguyễn Phước tộc coi quản. Theo ông Tôn Thất Biên, Ban Quản trị phòng Quốc Uy Công, hệ 5 Nguyễn Phước tộc, bên trong phủ có nhiều hiện vật quý giá, trong đó có chiếc chuông cổ cao 1,15m, đường kính 0,5m, nặng gần 89 kg, đỉnh chuông có hình rồng, họa tiết xung quanh thân chuông được chạm khắc tinh xảo.

Tương tự, các di tích cấp tỉnh như đình làng Xuân Hòa (phường Hương Long, TP Huế) cũng bị trộm đột nhập lấy mất 10 bức liễn gỗ quý; đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) bị đối tượng xấu phá khóa, trộm đi một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức…

Chuông cổ ở Di tích quốc gia phủ Quốc Uy Công (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) được Công an thu hồi và trả lại cho phủ thờ.

Vất vả, khó khăn trong việc thu hồi cổ vật

Là vùng đất văn hóa, hệ thống di tích, phủ thờ, đình làng, nhà thờ họ tại Thừa Thiên Huế lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Sắc phong, chuông đồng, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo…; cùng với nhu cầu mua bán cổ vật ngày càng tăng nên nhiều đối tượng xấu đã nảy sinh ý đồ trộm cắp.

Chỉ trong tháng 11 vừa qua, đối tượng Trần Đại Tường Nguyên (35 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, TP Huế) đã thực hiện 3 vụ trộm hiện vật quý ở các di tích trên địa bàn. Đối tượng này thường đi xe máy đến các đình làng, nhà thờ rồi giả vờ viếng cảnh, chụp ảnh nhưng thực chất là quan sát, thăm dò để ra tay hành động vào đêm tối. Đầu tháng 12, khi bị lực lượng Công an TP Huế bắt giữ, nam thanh niên này khai đã trộm cắp các cổ vật, hiện vật rồi bán lấy tiền tiêu xài. Cụ thể, 16 bức liễn gỗ quý tại di tích quốc gia đình làng Dạ Lê được Nguyên bán lấy 16 triệu đồng; 2 tủ thờ và 2 bàn kinh trộm ở nhà thờ họ Trần được bán với giá 10 triệu đồng; các hiện vật trộm ở nhà thờ họ Huỳnh (xã Phú Mậu, TP Huế) cũng được bán với giá 7,5 triệu đồng. Cơ quan công an TP Huế đã mở rộng điều tra, thu giữ toàn bộ các tang vật những vụ trộm do Nguyên gây ra để trao trả lại cho các đình làng, nhà thờ họ.

Năm 2020, khi thực hiện điều tra việc mất chuông cổ ở Di tích quốc gia phủ Quốc Uy Công, lực lượng Công an thị xã Hương Thủy cũng gặp không ít khó khăn khi chỉ trong vài ngày hiện vật đã liên tục được bán qua nhiều tỉnh thành khác nhau, từ Huế ra Quảng Trị, Nam Định rồi Hà Nội. Đại úy Lê Văn Hữu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Hương Thủy cho biết: Qua điều tra, xác định hai đối tượng Trần Hữu Chí (36 tuổi) và Lê Viết Tửu (32 tuổi, đều trú tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) đã đột nhập phủ thờ Quốc Uy Công và trộm chuông cổ đi tiêu thụ. Ban đầu, cả hai bán hiện vật cho một người ở TP Đông Hà, Quảng Trị; sau đó người này bán lại cho những người khác ở miền Bắc. Phải mất một thời gian thu thập thông tin, chứng cứ và lên đường ra Hà Nội để thu hồi cổ vật trả lại cho di tích.

Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt được một số đối tượng gây án, song nhiều vụ trộm cổ vật trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể tìm lại được hiện vật. Trước mắt, công tác bảo vệ, trông giữ ở các di tích quốc gia; đình làng, nhà thờ họ vẫn cần được quan tâm và siết chặt hơn.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thời điểm cuối năm, các đình làng, nhà thờ vắng người trông giữ nên những đối tượng trộm cắp thường đột nhập lấy trộm tài sản mang đi tiêu thụ. Vì thế, ngoài công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân chú trọng hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ những tài sản quý giá được lưu giữ tại các nhà thờ, đình làng, Công an tỉnh còn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp vào dịp cuối năm để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo Văn hóa

Video hay


Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam