Xã Hiền Lương hiện có tới hàng chục hộ đang hành nghề làm bánh sắn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh vài chục nghìn chiếc bánh sắn. Đây không những là đặc sản của xã Hiền Lương, mà còn là món đặc trưng của tỉnh Phú Thọ. Du khách về đây không thể không thưởng thức loại bánh này.
Du khách đến với Phú Thọ, khi đến cổng đền Mẫu Âu Cơ, du khách sẽ bắt gặp các điểm bán hàng, sắp lễ đều giới thiệu món bánh sắn truyền thống của vùng đất giàu truyền thống này.
Bánh sắn ở đây có hai loại, bánh sắn nhân ngọt thì thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng. Còn bánh sắn nhân mặn thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ.
Món bánh sắn truyền thống của vùng đất giàu truyền thống Hiền Lương
Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau cho món ăn nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ. Bánh sau khi làm nếu khách ăn tại chỗ sẽ được hấp chín còn bánh sống sẽ được đóng 20 chiếc/hộp, hút chân không để tiện cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa cho du khách.
Được biết, xã Hiền Lương có hơn chục hộ làm bánh sắn, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 7.000-8.000 chiếc. Bánh sắn Hiền Lương không chỉ bán tại chỗ mà đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Đà Nẵng, Hải Dương.
Nhận thấy đây là một sản phẩm đặc trưng riêng của vùng đất Hiền Lương, còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, nguồn nguyên liệu dồi dào và sẵn có ngay tại địa phương, UBND huyện Hạ Hòa đã giao cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bánh sắn là sản phẩm OCOP.
PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/banh-san-hien-luong-dac-san-am-thuc-phu-tho-nhieu-nguoi-me-post258368.html