Bạn bè một thuở

11:47 | 18/07/2024

Trong số những người viết văn, trở về chiến trường Khu V sớm nhất trong cách mạng miền Nam có lẽ là Phan Tứ. Anh về Nam năm 1961.

Nhà văn Phan Tứ và vợ.

Nhà văn Nguyên Ngọc và Anh hùng Núp.

“Về Nam!”, hồi bấy giờ hai tiếng có âm vang thật là lạ lùng. Trước hết là bí mật, rất bí mật. Người được ra đi từ giã một đôi người thân nhất, từ giã người yêu, thường nói: “Mình sắp đi học xa, rất xa…”. Và thế là người ta hiểu, và rồi… cũng không còn bí mật hoàn toàn được nữa. Phan Tứ đi năm 1961, chúng tôi biết, tôi không còn nhớ rõ là bằng nguồn nào. Cái tin đó làm dấy lên trong chúng tôi một nỗi thúc giục ghê gớm. Đối với riêng tôi, sự thúc giục ấy càng dữ dội. Lê Khâm (tên thật của Phan Tứ) và tôi là bạn học cùng lớp từ bé, ở cái thị xã Hội An mà anh Nguyễn Tuân có lần đã tả rất hay trong bài tùy bút Cửa Đại của anh. Cái thị xã nhỏ bằng bàn tay, hồi nhỏ buổi tối học bài xong chúng tôi rủ nhau đi dạo quanh một vòng là hết khắp lượt các phố. Đường phố hẹp như đường làng, một chiếc xe du lịch gặp một chiếc xe tải đi ngược chiều là không cách nào tránh nhau được rồi, đành cứ phải lùi mãi cho đến một ngã tư, ngoặt cái đít vào đấy nhường đường cho xe kia đi qua. Thị xã như một cái làng, và cũng như trong một cái làng, người ta quen biết nhau thân thuộc nhau hết, gần như là họ hàng của nhau. Tập kết ra Bắc có lần nhớ quê, buồn tình tôi ngồi vẩn vơ vẽ lại bản đồ cái thị xã tuổi nhỏ của tôi. Không phải vẽ từng đường phố đâu, mà vẽ từng nhà, hết nhà ông nào thì đến nhà bà nào, rồi đến một cái giếng, rồi đến một cái chùa, rồi lại nhà ông nào, bà nào, anh nào, chị nào, rồi lại một cái chùa… Có lẽ không thị xã nào ở nước ta nhiều chùa đến thế. Hội An của tôi là vậy đó. Khâm và tôi đã đi học tiểu học rồi trung học ở đây. Cuộc kháng chiến chống Pháp đến, bắt gặp chúng tôi ở tuổi còn cắp sách tới trường, Khâm đâu chừng ở tuổi 15 hay 16, tôi mới 14. Tiêu thổ kháng chiến. Chúng tôi chất bàn ghế đầy các lớp học, một đêm cuối tháng 12­1946, tự tay mình đốt trường, ra đi. Rút qua bên kia sông, đấy chính là sông Thu Bồn ở chỗ sắp đổ ra Cửa Đại. Từ đấy mỗi người một ngả, những người con của cái thị xã bé nhất nước, và theo tôi, hiền lành, đẹp nhất và đáng yêu nhất nước.

Nhà văn Phan Tứ và nhà văn Trần Đình Vân được Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu tiếp.

Hầu hết dân Hội An lớp tuổi chúng tôi, nếu tôi không nhầm, rồi đều trở thành bộ đội cả. Ấy là con đường đi tất yếu của cả một thế hệ. Tôi vào bộ đội ở Quảng Ngãi, rồi lên hoạt động Tây Nguyên. Lê Khâm trở thành chiến sĩ tình nguyện quân trên chiến trường Nam Lào. Hồi học ở trường, chúng tôi còn một bạn rất thân nữa, Khương Thế Xương, con trai đầu của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Chúng tôi là một bộ ba, vào loại học khá nhất lớp. Đúng ra thì Khâm học cần cù, cẩn thận, mực thước. Tôi vào loại học trò ngoan, chăm chỉ ở mức vừa phải. Thông minh nhất, mà cũng tài hoa và tài tử nhất là Xương.

Đầu vào năm 1947, không biết tìm được đâu ra, giữa thị xã Quảng Ngãi kháng chiến hoang tàn, Xương đưa cho đọc bản trường ca Hố chôn chung (La Fosse Commune) của một nhà thơ cộng sản kháng chiến Nam Tư, do chính Xương chép tay trong cuốn sổ đóng bằng giấy tự túc Khu V vàng khè có chỗ còn nguyên cả một cọng rơm bị ép bẹp dí. Đấy là tác phẩm văn học cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên tôi được đọc trong đời mình. Biết đâu chính nó đã dẫn tôi sau này đi vào con đường cầm bút?

Xương đi bộ đội và hy sinh sớm quá, mùa hè năm 1952, trong trận đánh đồn Cửa An phía tây tỉnh Bình Định, cách vùng Tây Sơn nơi Nguyễn Huệ khởi nghĩa và cũng cách làng Xi­tơr quê người anh hùng Núp của tôi sau này không xa. Trận ấy Xương là trung đội trưởng bộc phá. Tôi đã ở bộ đội, tôi biết thế nào là cái nghề trung đội trưởng bộc phá. Trong một trận đánh đồn, kiểu đánh đồn thô sơ của ta hồi chống Pháp, người ngã xuống đầu tiên hầu như chắc chắn bao giờ cũng là đội trưởng đội bộc phá.

Một năm sau, mùa đông năm 1953, tôi có dự trận đánh đồn Koong Rẫy phía đông thị xã Kông Tum. Khi phát ra lệnh xung phong, xung kích ùa dậy, tôi chạy lên thì thấy dọc con đường vượt qua mấy dãy rào dây thép gai vừa mới được phá tung là hai mươi, đúng hai mươi người trọn vẹn một trong đội chiến sĩ bộc phá, họ nằm theo hàng một cho đến tận chân chiếc lô cốt boong ke đầu cầu cũng vừa mới bị đánh tung, tất cả đều đã hy sinh, nằm ở đầu hàng là Trần Xung, đội trưởng của họ. Suốt đời tôi không quên dáng nằm của anh, anh nằm vắt người lên một đoạn dây thép gai còn nhùng nhằng, một tay đặt lên chỗ mới lúc nãy đây là lỗ châu mai lô cốt giặc, hai mắt anh mở to, và lạ thay, hơi cười. Trần Xung người Quảng Nam, quê ở Hòa Vang dưới chân đèo Hải Vân. Và tôi nghĩ đến Khương Thế Xương, bạn tôi.

Nhà văn Nguyên Ngọc với văn nghệ sĩ khu 5

Nhiều người chỉ huy thường bảo tôi: Nếu Khương Thế Xương không hy sinh sớm quá, nhất định anh sẽ trở thành một cán bộ quân sự ưu tú. Còn tôi cho đến nay tôi cứ đinh ninh rất có thể chúng ta đã mất đi ở Xương một nhà văn không phải thuộc tầm cỡ chúng tôi bây giờ. Giá Xương còn sống…

Trong cái bộ ba nho nhỏ Hội An ngày nọ, sau Giơ­ne­vơ, Khâm và tôi còn sống. Tôi vội đi vào con đường cầm bút (hơi vội quá chăng?). Còn Khâm, vẫn cái tính cần cù, điềm đạm, chín chắn của anh, anh bình tĩnh đi học hết đại học tổng hợp. Vừa học vừa viết. Tất nhiên là về những người lính tình nguyện quân ở Lào: Trước giờ nổ súng, Bên kia biên giới.

Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Thu Bồn (bìa trái) và các phóng viên Văn nghệ Quân giải phòng khu 6.

Năm 1961, cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam đã rộ dậy. Bộ tư lệnh Quân khu V được thành lập ­ tất nhiên ở trong rừng ­ liền điện ra Hà Nội xin một số anh em “biết viết văn làm báo” vào chiến trường. Không biết bằng cái “tuy­ô” “móc ngoặc” nào mà Khâm được gọi đi sớm thế. Hình như là anh đi theo con đường do Tỉnh ủy Quảng Nam xin. Cùng đi vào dịp ấy thật ra còn có một số anh em nữa. Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Phan Đình Côn (hy sinh năm 1965 ở Minh Long gần Ba Tơ), Liên Nam, nhưng hồi đó những anh em này đi chưa với danh nghĩa “nhà văn”. Tổng cục chính trị chủ trương đưa một số anh em “nghiệp dư” đi trước đã. “Nhà văn” thì chưa được đi”! “Chưa đến lúc thật cần!”. Chúng tôi sống ở Hà Nội những ngày âm ỉ mà sôi sục. Không dám bỏ đi đâu xa, sợ nhỡ có lệnh gọi về không kịp, lỡ chuyến thì ân hận suốt đời. Và còn phải ở Hà Nội để “đi kiện” nữa chứ. Kiện khắp các cửa: tại sao không cho tôi đi? Hay là tôi có “vấn đề” gì? Hay là nghi ngờ tôi?…

Đến tháng 3-­1962 thì tôi được gọi…

Ở Tạp chí Văn nghệ quân đội hồi bấy giờ có ba anh em quê miền Nam: anh Thanh Tịnh thì đã lớn tuổi. Tôi được gọi đi. Còn lại Nguyễn Ngọc Tấn. Biết tôi được gọi, Tấn làm ầm lên. Nguyễn Ngọc Tấn là một con người sống rất dữ dội đời sống bên trong, mà bên ngoài thì lặng lẽ, anh yêu tột cùng và ghét cũng tột cùng. Ở anh dường như bao giờ cũng chỉ có một trong hai cực điểm: cực điểm yêu thương hoặc cực điểm căm ghét. Những con người như vậy, tốt vô cùng, nhưng cuộc đời lại thường gặp nhiều bi kịch. Đối với nhiều người hình như cái trung bình vẫn là dễ chịu, dễ chấp nhận hơn. Tấn thì không thế, không bao giờ, không thể nào trung bình, luôn luôn cũng phải cực đoan… Nhưng đó là cuộc sống bên trong âm ỉ của anh. Bên ngoài, anh ý tứ, điềm đạm, thậm chí lẩn khuất và hơi quá khiêm nhường. Vậy mà lần này thì anh làm ầm lên thật sự: Tại sao tôi không được đi? Tại sao tôi không được đi?… Anh đập ầm ầm khắp các cửa. Cho đến một hôm anh đến gõ cửa rất khẽ vào cửa phòng tôi lúc đã rất khuya, và khi tôi vừa hé cửa thì anh ghé tai thì thầm mà như hát lên: xin lỗi, mình không làm phiền cậu chứ? Này, “bem” nhé, mình được nhận rồi, được rồi! Cùng đi một chuyến với cậu. Thôi, ngủ đi, ngủ đi, xin lỗi…

Ngủ làm sao được những đêm ấy.

Chúng tôi lên đường tháng 5 năm 1962.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn

Tôi nhớ trên đường Trường Sơn ­ hồi bấy giờ là “đường mòn Hồ Chí Minh” còn thật sự là một con đường mòn và chạy dọc phía Trường Sơn Tây­ hôm qua Sê­pôn tình cờ tôi gặp lại một người bạn cũ: anh Đấu. Cũng là lớp học sinh Hội An ngày xưa, cùng với Phan Tứ, Khương Thế Xương và tôi. Sau Giơ­ne­vơ anh không đi tập kêt, ở lại hoạt động bí mật và trở thành Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy bí mật Quảng Nam. Bây giờ anh ra Bắc chữa bệnh. Đêm đó tôi đề nghị anh Đấu nói chuyện cho đoàn chúng tôi nghe về tình hình “trong ấy” để giúp chúng tôi hình dung sự thể cuộc sống, làm việc ở chiến trường ra sao. Anh Đấu nhận lời. Nhưng khi ra đứng trước mặt anh em chúng tôi, anh lúng túng mãi, không sao bắt đầu được. Trong ánh lửa rừng không dám đốt to chỉ vừa đủ soi nhá nhem mặt người, tôi chợt thấy long lanh ở đuôi mắt trái anh một giọt nước mắt. Cuối cùng anh nói:

­Gần 10 năm nay chưa bao giờ tôi được nói chuyện với đông người như thế này…

Mà tất cả chúng tôi vỏn vẹn chỉ vừa đúng 20 người!

Buổi nói chuyện của anh Đấu khiến chúng tôi rất xúc động, suy nghĩ nhiều. Thế đấy ­ Tấn trầm ngâm ­ cuộc chiến đấu trước mặt bọn mình là vậy. Ở trong ấy lúc này chúng ta chưa có dân, chưa có đất, toàn bộ chính quyền còn trong tay kẻ thù. Gần như phải bắt đầu từ tay không mà đi tới giành lại tất cả. Tình hình như vậy mà mình về để “làm văn chương” thì vô nghĩa, vô duyên quá chừng! Về trong ấy có lẽ mình sẽ làm tất cả việc gì cần làm cùng với đồng chí, đồng bào, làm gì cũng được, bất cứ việc gì có ích dù nhỏ nhất. Mình sẽ chỉ trở lại cầm bút khi nào cầm bút thật sự cần thiết và có ích như cầm súng, hoặc là hơn thế.

Nguyễn Ngọc Tấn ­ Nguyễn Thi là một tâm hồn nghệ sĩ, theo nghĩa hẹp nhất của từ đó. Nhưng có lẽ trước hết ở trong anh là một người chiến sĩ. Và phải chăng đó cũng là đặc điểm của một lớp người cầm bút thế hệ Nguyễn Thi?

Sau này tôi được biết về chiến trường Nam bộ, Nguyễn Thi đã sống, làm việc đúng như anh nói đêm Sê­pôn nọ. Đến khi anh cầm lại bút thì, bây giờ chúng ta biết rõ cả rồi, sức mạnh những sáng tác ­ vũ khí của anh lớn như thế nào. Đọc Nguyễn Thi tôi cứ có cảm giác cuộc cách mạng miền Nam được phản ảnh trong các tác phẩm của anh thật độc đáo ­ (hình như chưa có nhà phê bình nào nói ra điều này): chúng ta như đang chứng kiến sự tích tụ của một cái gì đó rất lớn sẽ bùng nổ, âm ỉ, dữ dội, chắc chắn. Dường như Nguyễn Thi chỉ nói thì thầm, bởi vì điều dự báo của anh to lớn quá, đẹp quá, thiêng liêng quá: dự báo thắng lợi kỳ lạ của cách mạng miền Nam. Và dự báo sự bùng nổ rực rỡ tài năng của chính ngòi bút của anh…

Gần hai tháng lặn lội Trường Sơn, một ngày tháng bảy chúng tôi tới một khu rừng thông rất đẹp trên biên giới Việt­Lào, phía tây Thừa Thiên. Đây là điểm chia tay: Nguyễn Thi đi tiếp gần 3 tháng nữa vào đến “Ông Cụ” (mật danh của chiến trường Nam bộ), tôi rẽ xuống phía đông về “Bác Ân” (mật danh chỉ chiến trường Khu V).

Buổi sáng chia tay Tấn dặn tôi hai điều: Một, còn sống, trở ra Hà Nội thì cùng nhau đi ra bằng đường Quốc lộ số I nhé! Nghĩa là phải toàn thắng mới trở ra, nhất thiết không bỏ cuộc dở chừng. Hai, Tấn nói rất nhỏ, mình còn một đứa con gái ở Sài Gòn, mà mình chưa bao giờ thấy mặt, nếu mình không còn sau này Ngọc về tìm hộ mình.

Tôi hứa với Tấn cả hai điều ấy.


Nguyên Ngọc

Cùng chuyên mục

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang

Đặc điểm nội dung kịch bản cải lương

Đặc điểm nội dung kịch bản cải lương