Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, gian khổ, cũng là quãng thời gian những phong trào thi đua, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, liên tiếp được khởi xướng.
Đặc biệt, tại miền Bắc, với tinh thần “dẻo tay cày, hay tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai”, cả miền Bắc đã hừng hực khí thế thi đua, quyết tâm trở thành hậu phương lớn vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam chiến đấu.
Từ thông điệp của Bác tại Hội nghị chính trị đặc biệt năm 1964
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt họp trong hai ngày 27 và 28/3/1964 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Hội nghị này được xem là Hội nghị Diên Hồng thời chống Mỹ khi dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu chính thức (và trên 500 đại biểu dự thính của Thủ đô) biểu thị sự đoàn kết, nhất trí xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “…nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”; kêu gọi “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Học sinh trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm”, sau này là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”.
Sau Hội nghị chính trị đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị và Hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi người làm việc bằng hai, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”.
Ngày 11/4/1964, nghĩa là chỉ sau gần một tháng từ “hội nghị đặc biệt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài trả lời bạn đọc, bút danh Chiến sĩ đăng trên báo Nhân dân số 3665, trả lời câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện việc mỗi người làm việc bằng hai?” của bạn đọc, Người giải thích rằng làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa khắp miền Bắc
Từ lời hiệu triệu của Bác, các phong trào thi đua với tinh thần “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua”, “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… lập tức lan toả khắp các địa phương ở miền Bắc.
Tiễn đưa thanh niên “Ba sẵn sàng” của khu Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8/1964, sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc.
Theo đó, từ những năm 1960 đến 1975, liên tiếp các phong trào thi đua được khởi xướng trên khắp các lĩnh vực. Trong giáo dục, “Trống Bắc Lý” là một trong những phong trào thi đua nổi bật nhất tại miền Bắc những năm chống Mỹ. Bắc Lý là tên ngôi trường THCS Bắc Lý nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Hai tốt” (dạy thật tốt và học thật tốt), thực hiện phương châm “Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”. Tháng 7/1961, Bác Hồ đã biểu dương thành tích vẻ vang của ngành giáo dục và gợi ý các trường nên phát động phong trào thi đua “Hai tốt”.
Đầu năm 1960, hưởng ứng “Thi đua ái quốc”, phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ khí Duyên Hải) được phát động mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân. Phong trào “sóng Duyên Hải” trở thành một trong những phong trào thi đua lớn của hậu phương miền Bắc lúc bấy giờ trong công nghiệp và thủ công nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu năm 1961 xuất hiện phong trào “Gió Đại Phong” từ Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Trước đó, cuối năm 1959, người dân làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình quyết định thành lập HTX Đại Phong. Đến cuối năm 1960, Hợp tác xã Đại Phong có tất cả 26 ngành nghề. Các khoản vay nợ Nhà nước, hợp tác xã không những trả đủ, trả đúng thời hạn mà còn tích lũy được hàng chục nghìn đồng. Đời sống xã viên hợp tác xã Đại Phong không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ngày 11/1/1961 trên Báo Nhân Dân, Bác Hồ đã viết bài “Một hợp tác xã gương mẫu” nói về Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau bài báo đó chỉ vài tháng, gần 7.000 Hợp tác xã đã đăng ký thi đua học tập theo Đại Phong. Và từ bài báo của Bác Hồ, phong trào thi đua nông nghiệp mang tên “Gió Đại Phong” đã được thổi từ đồng bằng lên miền núi.
Một buổi thao diễn kỹ thuật của công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng – lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc đầu những năm 60, thế kỷ XX.
Trong thanh niên, ngày 9/8/1964, Trường Đại học sư phạm Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với khẩu hiệu: Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới; Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến.
Tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang”. Theo đó, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí” chị em nữ nông dân “tay cày, tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền… Điều đáng chú ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa tên “Ba đảm nhiệm” mà Hội Phụ nữ dự kiến thành “Ba đảm đang”.
Ngoài ra tại miền Bắc giai đoạn 1960-1975 còn rất nhiều phong trào thi đua nổi bật như “Ba nhất” trong quân đội, “Ba quyết tâm” của trí thức, “Tay cày, tay súng” của nông dân, “Tay búa, tay súng”, “Ngày thứ bảy năng suất cao”, “Luyện tay nghề thi thợ giỏi” của công nhân, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của lực lượng vũ trang, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tiếng hát át tiếng bom” của toàn dân. Cùng với đó, xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng” trên khắp ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công trường,… ở miền Bắc.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên Hải”. Nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Công – nông – binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Bắc – Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà.
Hà Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/bai-4-moi-nguoi-lam-viec-bang-hai–mien-bac-thi-dua-vi-mien-nam-ruot-thit-post249924.html