Sau một thời gian dài vắng bóng, vở kịch “Bạch đàn liễu” của cố tác giả Xuân Trình đã xuất hiện tại sân khấu Thủ đô, lần này là sự thể hiện của Đoàn kịch LUCTEAM. Buổi công diễn vở kịch nằm trong hoạt động hội thảo khoa học Quốc gia “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”, do tạp chí Văn hiến Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam và gia đình nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình tổ chức.
“Bạch đàn liễu” là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Xuân Trình, là vở kịch lần đầu tiên Xuân Trình đưa lên sân khấu hình tượng một nhân vật sau này ta thường gọi là lũ cường hào mới ở nông thôn và cho rẳng lũ sâu dân mọt nước này chỉ bị khống chế và tiêu diệt khi người dân ý thức được quyền làm chủ của mình và kiên quyết thực hiện nó trên thực tế.
Vở kịch đã từng được Đoàn Kịch nói Trung ương (Nhà hát kịch VN hiện nay) dàn dựng năm 1973 nhưng sau 7 lần xét duyệt, những người có trách nhiệm đã yêu cầu không công diễn vở này vì không có lợi cho tình hình đất nước lúc ấy.
Đối với Xuân Trình, đây chỉ là một trong hàng chục lần các vở kịch của ông đã dàn dựng xong nhưng không được biểu diễn. Tuy vậy, hầu hết các vở từng bị cấm đoán ấy cuối cũng đã được coi là các vở có giá trị lớn, được biểu diễn rộng rãi, được nhận những giải thưởng xứng đáng của Đảng và Nhà nước. Chỉ riêng “Bạch đàn liễu” thì đã biệt tích suốt 46 năm qua trên sân khấu.
Trong một lần đi công tác, gặp mưa lũ, Xuân Trình nghỉ nhờ gia đình một cô giáo. Rất tình cờ, câu chuyện riêng của cô đã làm anh xúc động. Và thế là vở “Bạch đàn liễu” ra đời từ cảm hứng đầu tiên này.
Lấy bối cảnh một làng quê nông thôn Bắc Bộ vào năm 1968, “Bạch đàn liễu” tập trung nói về quyền dân chủ của con người, về cuộc vận động cải cách dân chủ chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn.
Vở kịch nói về một đôi trai gái yêu nhau là Độ và Liệu (NS Minh Quân và NS Phương My thể hiện) cùng trồng lên hai cây bạch đàn. Do Độ phải lên đường nhập ngũ, Liệu ở nhà liên tục bị thế lực chính quyền áp bức mà cụ thể là nhân vật ông Quyền (NS Hoàng Tùng) – một Phó chủ tịch xã tham lam, xấu tính luôn luôn o ép. Không chỉ có vậy, sự phiền nhiễu tinh quái, khôn vặt của ông Quyền còn nhằm đến hai cây bạch đàn quý của gia đình Độ để lấy về làm nhà của mình. Kịch tính cao trào của vở kịch là việc gia đình Độ phải chặt bỏ hai cây bạch đàn hàng ngày họ vẫn chăm sóc để hối lộ ông Quyền. Mặc dù căm phẫn nhưng vẫn phải nhẫn nhịn các thế lực công quyền. Sự sách nhiễu, thối nát của một cá nhân đã làm ảnh hưởng tới một tập thể, phá vỡ hạnh phúc của một đời người, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền bị đổ vỡ.
Một trong những thành công của vở kịch phải kể đến sự diễn xuất xuất sắc của NSND Trung Anh (vai ông Lượng – Bố của Độ). Những cảm xúc lẫn lộn của một người nông dân không có tiền và quyền khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc và tương lai của con trai đã khiến khán giả nhiều lần phấn khích. Khi phải quỳ lạy chính người con dâu tương lai, khi phải khúm núm nịnh bợ quan xã, khi thì đứt từng khúc ruột lúc tự tay đốn hạ cây bạch đàn. Từng nhát búa nện vào cây bạch đàn nghe chát chúa như sự uất hận đã bị kìm nén nay được lúc phát lộ.
Thời lượng ban đầu của vở kịch dài khoảng 3 tiếng. Qua tay đạo diễn Trần Lực, bản dàn dựng theo phong cách sân khấu ước lệ lần này, thời lượng rút xuống còn khoảng 75 phút.
Vở kịch “Bạch đàn liễu” được đoàn kịch LUCTEAM dàn dựng chỉ hơn 1 tháng trong điều kiện hết sức khó khăn của “một gánh hát rong thời 4.0”. Thế nhưng, thật bất ngờ khi Đoàn kịch LUCTEAM đã bước đầu cho ra mắt một “Bạch đàn liễu” theo phong cách ước lệ rất tinh tế, rất Xuân Trình, hiện đại và thanh xuân.
Sân khấu của “Bạch đàn liễu” 2019 là một sân khấu khá đơn giản, không màu mè bắt mắt nhưng chính nét giản dị đó lại giúp khán giả tập trung hơn vào câu chuyện, không bị phân tán vào những phục trang và sân khấu. Các phần chuyển cảnh cũng không còn sự rườm rà của truyền thống mà hoàn toàn dựa vào âm thanh thoại của nhân vật và ánh sáng. Điều này đã cho khán giả thêm một trải nghiệm mới trong sân khấu ước lệ.
Ở vở kịch này, người biên tập là Đỗ Trí Hùng cũng rất tài hoa khi đưa được nhiều câu thoại mang hơi hướng đương đại vào tác phẩm, để vở kịch dễ dàng đến với đối tượng trẻ nhiều hơn.
Buổi công diễn “Bạch đàn liễu” tại rạp Đại Nam tối 29/11 đã không còn một chỗ trống, nhiều khán giả đến sau phải đứng để theo dõi vở diễn, thế nhưng những tràng pháo tay vẫn không ngớt qua từng phân cảnh.
“Bạch đàn liễu” chỉ là một câu chuyện nhỏ mà tất cả chúng ta có thể bắt gặp bất kỳ nơi đâu, nhưng nội dung mà tác giả muốn truyền tải đến khán giả lại vô cùng lớn. Qua đấu tranh và vượt lên chính mình, giờ đây họ phải tự giữ lấy không thể nhẫn nhục, không thể cứ khom lưng cúi xuống mãi cho những lý trưởng mới cưỡi lên đầu lên cổ. Xuân Trình lấy vĩ thanh của vở diễn làm khai từ. Sự việc trong Bạch đàn liễu, coi như có hậu. Ông muốn khép lại một nỗi đau, nỗi vất vả của những người nông dân chân lấm tay bùn. Trước cái nạn cường hào mới Bạch đàn liễu còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
“Bạch đàn liễu” nằm trong hoạt động hội thảo khoa học Quốc gia “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”. Hội thảo chính thức sẽ diễn ra vào ngày 30/11/2019 tại Rạp Đại Nam – 89 Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Một số hình ảnh của vở “Bạch đàn liễu”:
Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn của các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc như: Chuyện những người du kích, quê hương Việt Nam, Lập xuân, Hận thù từ đâu tới, Bạch đàn liễu…, Xuân Trình đã tạo nên các tác phẩm có tính dự báo cao và gây chấn động dư luận. Ông viết những chuyện rất thật, rất nhỏ từ chính xã hội đương thời mà ông đang sống nhưng vấn đề đặt ra lại không hề nhỏ. Để làm được điều ấy, Xuân Trình đã dấn thân và dám nhận lấy những phiền toái. Ở vị trí tác giả, ông là người đi trước thời đại.
Đình Tuyến – Ảnh: Quốc Phương