Bắc Ninh: Không vay những vẫn bị buộc trả 62 tỷ đồng?

8:35 | 06/05/2021

Ký giúp giấy biên nhận tiền nhưng sau đó lại bị vu khống là vay tiền và trở thành con nợ. Số tiền 62 tỷ đồng cùng nhiều điểm bất thường trong vụ việc chưa được làm rõ nhưng Tòa vẫn ra bản án. Dư luận cho rằng, vụ việc cần được “xới lại” để sự thật được phơi bày.

Ký giúp giấy biên nhận tiền nhưng sau đó lại bị vu khống là vay tiền và trở thành con nợ.

Bỗng dưng trở thành con nợ “khủng”

Theo như bản án sơ thẩm ngày 24/04/2021 của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, vào năm 2018, bà Nguyễn Thị Thường (thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), thông qua con gái là chị Nguyễn Thị Duyên có quen biết anh Nguyễn Kim Sỹ (thôn Từ Phong, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Biết anh Sỹ có nhiều nguồn để mua đất nên bà Thường đã thỏa thuận nhờ anh Sỹ mua đất hộ.

Ngày 08/02/2018, tại nhà bà Nguyễn Thị Thường (Mẫn Xá, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh), anh Nguyễn Kim Sỹ đã nhận của bà Thường số tiền 25 tỷ đồng với mục đích để mua giúp bà 12 lô đất tại khu vực phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh và cam kết trong vòng 45 ngày sẽ hoàn thiện việc mua đất, nếu không sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngày 13/03/2018, anh Sỹ tiếp tục nhận của bà Thường số tiền 5 tỷ đồng để mua giúp 5 miếng đất ở xã Long Châu, huyện Yên Phong và hứa trong 45 ngày kể từ ngày nhận tiền sẽ hoàn thành việc mua đất. Cả hai lần nhận tiền, anh Sỹ đều ký vào giấy biên nhận tiền đầy đủ.

Hết thời hạn trên, anh Sỹ không mua được đất cho bà Thường nên anh Sỹ có thỏa thuận với bà Thường và chị Duyên chuyển toàn bộ số tiền trong hai lần nhận trên thành tiền vay và tính lãi suất là 1,5%/1 tháng và được bà Thường đồng ý. Việc này chỉ được thỏa thuận miệng và không lập thành văn bản vay tiền mới.

Quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa, phía anh Sỹ cũng xác nhận ngày 08/02/2018 anh có vay của chị Duyên số tiền 25 tỷ đồng, nhưng thực tế đây là tổng số tiền nợ gốc, lãi trước đó mà anh Sỹ đã vay của chị Duyên được cộng lại và ngày 13/02/2018, anh vay tiếp của chị Duyên số tiền 5 tỷ đồng. Trong đơn đề nghị ngày 08/09/2020 và bản tự khai ngày 09/09/2020, anh Sỹ có thừa nhận đã vay tiền của chị Duyên với lãi suất cao, ngoài ra không hề vay tiền của bà Thường. Đối với các giấy vay tiền đều do chị Duyên làm sẵn giấy biên nhận tên bà Nguyễn Thị Thường và đưa cho anh ký để xác nhận các khoản vay gốc và lãi.

Bà Thường khai, ngày 28/03/2019 anh Sỹ tiếp tục vay và nhận của bà 55 tỷ đồng. Số tiền này anh Sỹ đã nhận từ bà Thường và anh đã ký vào giấy biên nhận. Tiền lãi được hai bên thỏa thuận là 1,5%/1 tháng.

Tuy nhiên, phía anh Sỹ trình bày đối với số tiền này là không có thật. Hợp đồng hợp tác kinh doanh đảm bảo cho khoản vay 55 tỷ đồng giữa bà Thường và Công ty CP đầu tư và xây dựng Z1288 cũng là giả tạo. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của anh Sỹ cũng trình bày, mục đích mà anh Sỹ ký vào giấy biên nhận số tiền 55 tỷ đồng là để giúp chị Duyên, vì thời điểm đó, chị Duyên đang nợ rất nhiều người. Do đó chị Duyên nhờ anh Sỹ ký giúp vào giấy biên nhận 55 tỷ đồng để giải thích với những chủ nợ của mình, còn hoàn toàn không có việc anh Sỹ vay số tiền trên của chị Duyên hay bà Thường.

Tại buổi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng: Lời khai của anh Sỹ về việc không quen biết bà Thường và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với bà Thường là giả tạo cũng như việc anh Sỹ ký giấy biên nhận nhưng không nhận tiền để giúp chị Duyên giải thích với chủ nợ là không có sơ sở. Xét lời khai và tài liệu, chứng cứ nguyên đơn đưa ra là có căn cứ nên xác định việc anh Nguyên Kim Sỹ vay số tiền 55 tỷ đồng từ bà Thường là có cơ sở.

Tính đến ngày 28/03/2019, anh Sỹ đã vay của bà Thường tổng số tiền là 85 tỷ đồng. Trong quá trình vay, anh Sỹ đã trả tiền nhiều lần bà Thường qua tài khoản ngân hàng của chị Duyên, do bà Thường không có tài khoản ngân hàng. Cụ thể, tổng số tiền gốc và lãi anh Sỹ đã chuyển trả nguyên đơn trong thời gian vay là 36.597.888.290 đồng.

Sau khi đối trừ số tiền gốc và lãi mà anh Sỹ đã trả, tính đến thời điểm ngày 24/03/2021, anh Sỹ còn nợ bà Thường số tiền gốc là 54.202.406.787 đồng và số tiền lãi 8.052.851.575 đồng. Tổng số tiền còn nợ là hơn 62 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Kim Sỹ cho rằng, anh chỉ là người ký nhận giúp vào biên nhận và không hề nhận một đồng nào trong số tiền 55 tỷ đồng nói trên. Có rất nhiều điểm uẩn khúc, bất thường nhưng Tòa án không làm rõ, không chờ kết luận điều tra mà vội vàng tuyên án.

“Mổ xẻ” những điểm bất thường

Trao đổi với PV, luật sư Trần Văn Trường – Công ty luật TNHH Công Minh thuộc đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa bà Nguyễn Thị Thường và anh Nguyễn Kim Sỹ có rất nhiều điểm bất thường.

Thứ nhất, theo lời khai của anh Nguyễn Kim Sỹ, anh không quen biết bà Thường mà chỉ quen biết với chị Nguyễn Thị Duyên là con gái của bà Thường. Trong quá trình làm ăn, do cần vốn kinh doanh nên anh Sỹ có vay của chị Nguyễn Thị Duyên, tính đến ngày 08/02/2018 là 25 tỷ đồng. Ngày 23/02/2018, anh Sỹ tiếp tục ký nhận nợ là 5 tỷ đồng. Do chị Duyên công tác trong ngành kiểm sát nên chị Duyên làm sẵn giấy biên nhận tên bà Nguyễn Thị Thường (mẹ chị Duyên). Đối với giấy biên nhận ngày 28/03/2019, ghi anh Sỹ nhận số tiền 55 tỷ đồng là không có và anh Sỹ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này. Về vấn đề này, anh Sỹ cho rằng việc anh không quen biết bà Thường có thể xác minh qua các cuộc điện thoại. Bởi lẽ, trong suốt quá trình vay từ năm 2018 anh chưa hề có gọi điện hay nhắn tin với bà Thường. Điều mà một chủ nợ và con nợ giao dịch đến 85 tỷ đồng (theo lời khai bà Thường) mà không hề có một cuộc điện thoại hay nhắn tin nào là một điểm rất bất thường.

Thứ 2, việc bà Thường khai có ký giấy biên nhận tiền và làm hợp đồng hợp tác với anh Sỹ, sau đó anh Sỹ có nhận 55 tỷ đồng tiền mặt tại nhà riêng của bà Thường là một điểm rất đáng quan tâm. Tại thời điểm bà Thường khai giao tiền cho anh Sỹ vào năm 2019, khi đó bà Thường đã 69 tuổi. Việc một người già tuổi cao, giao dịch một số tiền lớn mà không hề có người làm chứng là một điểm rất bất thường? Tiếp đó, cần làm rõ nguồn tiền 55 tỷ đồng của bà Thường từ đâu mà có? Thực sự có việc tồn tại 55 tỷ đồng hay không? Việc kiểm đếm cũng như giao dịch một số tiền mặt lớn như vậy giao cho một người già 69 tuổi liệu có bình thường?

Thứ 3, sau hai lần giao dịch mua đất đã bất thành, vì sao bà Thường vẫn có thể tin tưởng giao tiếp 55 tỷ đồng cho anh Sỹ? Đồng thời trong hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà Thường và Công ty CP đầu tư và xây dựng Z1288 cũng không hề nói rõ những vị trí, số ô số thửa đất mà anh Sỹ hứa sẽ mua cho bà Thường? Vì vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh này liệu có thực sự tồn tại?

Thứ 4, trong quá trình giải quyết vụ án, anh Sỹ đã có đơn đề nghị Toàn án nhân dân huyện Quế Võ chuyển thẩm quyền và tạm đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên tòa để chờ kết quả của cơ quan điều tra. Trước đó, anh Sỹ đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thường có hành vi vu khống và chị Nguyễn Thị Duyên có hành vi cho vay nặng lãi được CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh thụ lý, giải quyết. Đồng thời cũng trong buổi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Võ cũng đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngưng phiên tòa để thu thập bổ sung những tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện Quế Võ vẫn bác yêu cầu của anh Nguyễn Kim Sỹ và đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Võ, buộc anh Nguyễn Kim Sỹ và chị Nguyễn Thị Huyền phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả bà Thường số tiền cả gốc và lãi là hơn 62 tỷ đồng.

Có thể thấy, với rất nhiều điểm chưa được làm rõ, việc Tòa án nhân dân huyện Quế Võ vẫn ra quyết định xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, liệu đã công tâm, khách quan?

PV

 

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth