Bắc Giang: Nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh, huyện về làng chài Nguyệt Đức

10:22 | 25/08/2023

Ít người biết, “Dự án Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, huyện Việt Yên” ra đời, bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của toàn thể Đảng, Chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang thì nó còn gặp nhiều khó khăn mà ít người ngờ tới.


Lãnh đạo Tỉnh ủy “dân vận khéo”
Tòa soạn Kiểm sát Online đã đăng tải bài viết: Việt Yên (Bắc Giang): Khát vọng an cư của người dân làng chài Nguyệt Đức (https://kiemsat.vn/viet-yen-bac-giang-khat-vong-an-cu-cua-nguoi-dan-lang-chai-nguyet-duc-65992.html) viết về số phận làng chài duy nhất của tỉnh Bắc Giang lênh đênh ngàn năm trên con sông Cầu. Bài báo xuất bản đã được dư luận trong và ngoài tỉnh Bắc Giang hết sức quan tâm, theo dõi với nhiều ý kiến gửi về Tòa soạn. Trong đó, có nhiều ý kiến khen ngợi nỗ lực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang cũng như Đảng ủy, UBND huyện Việt Yên khi quyết tâm thực hiện “Dự án Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, huyện Việt Yên”. Nhưng trước khi Dự án hợp lòng dân này ra đời, ít ai ngờ tới, nếu không có sự nỗ lực âm thầm của nhiều cán bộ tỉnh Bắc Giang thì nó đã bị “xóa sổ” ngay từ đầu.

Làng chài Nguyệt Đức có đặc thù là 100% người dân theo đạo Công Giáo. Họ ăn, ở bên này sông thuộc xã Vạn Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng sinh hoạt tôn giáo lại ở Nhà thờ bên kia sông, (thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh – PV). Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai các cuộc họp về việc tìm lối thoát, “lên bờ” cho người dân vạn chài, có một số ý kiến cho rằng cần thiết xây một nơi sinh hoạt tôn giáo riêng cho người dân Nguyệt Đức ngay tại nơi tái định cư. Ở nhiều cuộc họp của Huyện, của xã, người dân đều nêu nguyện vọng trực tiếp này khiến lãnh đạo địa phương phải trăn trở tìm giải pháp.

Lúc này, một người đàn ông tầm thước, đeo kính trắng, hiền hòa ghé từng thuyền chài trò chuyện với người lớn, cho kẹo lũ trẻ và dành nhiều thời gian uống chén trà nhạt cùng với ông Trùm xứ và những ngư phủ già nua của làng. Sau lần đó, dân làng bắt đầu nói cho nhau nghe về một Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa Khu dân cư, nơi người dân có thể họp hành, chơi thể thao cùng nhau, tập dân vũ cũng như các hoạt động cộng đồng khác. Những ý kiến về việc một địa điểm tôn giáo độc lập không còn được nhắc đến trong các cuộc họp và Dự án tiến vào giai đoạn quyết định khác.

Và người đàn ông đó một trong những cái tên đầu tiên mà dân Nguyệt Đức luôn nhắc đến như là “chiếc phao cứu sinh” với họ, ông Phạm Văn Thịnh. Với những anh em báo chí luôn sát cánh bên Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong suốt mùa dịch Covid vừa qua thì tên tuổi ông Thịnh không còn xa lạ. Ông Phạm Văn Thịnh hiện nay là Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang. Suốt mùa dịch Covid 19, “Đội xe thiện nguyện 0 đồng” là một trong nhiều hoạt động được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đã khiến cả nước quan tâm, cảm phục. Còn với vai trò ĐBQH, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông đã khiến dư luận cả nước cũng như các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, xây dựng luật bất ngờ khi đưa ra “đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2023 nên nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn”.

Ngồi trò chuyện với ông Thịnh, khi nghe phóng viên nói ông có kỹ năng “dân vận khéo”, ông gạt đi và khẳng định, ông chỉ nói chuyện với người dân vạn chài Nguyệt Đức cũng như các chức sắc tôn giáo trong làng về những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, chia sẻ và lắng nghe niềm “mơ ước bao ngàn năm” của họ. Và ông cũng nói chuyện về quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. “Mình có cần gì dân vận đâu, bà con đều hiểu vấn đề và đồng thuận mà”, vị Đại biểu Quốc hội cười bình dị.

Ông Chủ tịch quyết đoán

Gặp lại phóng viên sau khi đọc bài viết về làng chài Nguyệt Đức, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch huyện Việt Yên trách ngay: “Này, các anh viết đúng những vẫn thiếu đấy nhé. Bên cạnh việc đảm bảo công tác an sinh xã hội thì còn hai yếu tố nữa ảnh hưởng đến sinh mạng của người dân làng chài Nguyệt Đức, đó là tình trạng sạt lở và xâm thực của sông Cầu trong những năm qua và nguy cơ tai nạn giao thông khi mật độ giao thông đường thủy đang tăng cao”.

Là một người sinh ra lớn lên tại Việt Yên, ông hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người dân làng chài Nguyệt Đức. Khi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND huyện Việt Yên, ông đã giành nhiều thời gian và tâm huyết trao đổi với người dân, chính quyền các cấp để tìm lối thoát cho làng chài Nguyệt Đức. Giờ đây, được Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân tin cậy giao phó chức vụ người đứng dầu UBND huyện Việt Yên, ông càng quyết tâm và nỗ lực để biến Dự án thành sự thật.

“Tôi nói thật, nếu tỉnh không kịp cấp kinh phí 50% như dự kiến ban đầu thì UBND huyện Việt Yên sẽ tìm cách cân đối, lo 100% kinh phí (dự kiến khoảng 72 tỷ đồng – PV) để dự án ngay lập tức triển khai”, ông Chủ tịch UBND huyện Việt Yên quyết liệt bày tỏ quan điểm. Ông chia sẻ, đầu tháng 8/ 2023, ngay khi nghe tin có một cháu bé ở làng chài Nguyệt Đức tử vong trong khi chơi đùa tại thuyền gia đình: “Tôi buồn vô cùng và tự hỏi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như Đảng ủy, Chính quyền Việt Yên còn phải làm gì nữa để dự án có thể nhanh chóng triển khai, để cho sinh mạng những người dân làng chài Nguyệt Đức không còn bị đe dọa từng ngày”. Nhớ lại đôi mắt trong như nước mưa của cháu Ph. trên di ảnh, tất cả chúng tôi đều trầm mặc lại trong giây lát.

Quỹ đất đã có, kinh phí đã có, người dân đồng thuận, chủ trương toàn thể Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đều nhất trí ủng hộ và câu trả lời cuối cùng là chờ được Trung ương thông qua. Hơn lúc nào, dư luận mong mỏi có một quyết định sớm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho phép Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang “gỡ bỏ nút thắt”, sớm triển khai Dự án Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Văn Hà, huyện Việt Yên. Quyết định nhân văn này sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân vùng thiên tai, thực hiện chủ trương an sinh xã hội trên địa bàn, cho người dân Nguyệt Đức một tương lai mà họ đã mơ ước cả ngàn năm qua.

Nhóm Phóng viên

Nguồn: TCVHVN


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả