Từ thời cổ đại, các thương gia đã biết thu hút khách hàng bằng cách khắc tên hàng hóa lên các tấm đá. Hàng thế kỷ sau, những tấm áp phích quảng cáo đầu tiên được công bố đã đánh đấu sự ra đời của một phương pháp truyền tải thông tin mới và hiệu quả hơn.
Ánh nhìn mãnh liệt của chú Sam (Uncle Sam – tên nhân vật lấy cảm hứng từ United States) trong tấm áp phích dường như kéo người nhìn vào trong, ngón trỏ của ông chỉ thẳng về phía trước. Tấm áp phích truyền tải thông điệp rõ ràng: “Tôi muốn anh gia nhập Quân đội Hoa Kỳ”.
Tấm áp phích năm 1917 nhắc nhở những người đàn ông trẻ tuổi về nghĩa vụ chiến đấu cho tổ quốc trong Thế chiến thứ nhất. Tấm áp phích ấn tượng này được thiết kế bởi người họa sĩ người New York – James Montgomery Flagg. Ông được cho là đã tạo hình chú Sam phỏng theo khuôn mặt của chính mình. Quân đội Hoa Kỳ sử dụng tấm áp phích này để tuyên truyền trong Thế chiến thứ hai và vẫn sử dụng nó cho đến ngày nay. Tấm áp phích kinh điển đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Folkwang ở Essen, miền Tây nước Đức lại chọn “We Want You!” (“Chúng tôi muốn bạn!”) làm tiêu đề cho triển lãm mới đây về lịch sử của áp phích. Triển lãm trưng bày các thiết kế bắt nguồn từ phim hoạt hình, hình minh họa và ảnh lịch sử từ thế kỷ 18 cho đến ngày nay, cùng với các quan điểm cho tương lai.
Theo người phụ trách Rene Grohnert, áp phích sẽ luôn tồn tại, ngay cả khi chúng ở dạng kỹ thuật số. Ông rất tin tưởng vào câu nói “Một bức ảnh giá trị hơn ngàn lời nói”.
Nguồn gốc phiến đá cổ đại
“Tổ tiên” của áp phích là những tấm bia đá khắc các biểu tượng của người Ai Cập cổ đại. Người La Mã treo những tấm bảng gỗ với các thông báo công cộng tại các quảng trường đông đúc. Vào thời Trung Cổ, các thông báo giống như áp phích sẽ được treo trên các quảng trường chợ hoặc trước nhà thờ.
Tuy nhiên, áp phích hiện đại lần đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ 15, sau khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in.
Năm 1796, nhạc sĩ kiêm nhà viết kịch người Bavaria (miền nam nước Đức) Alois Senefelder đã phát minh ra kỹ thuật in thạch bản, một công nghệ quan trọng cho thiết kế áp phích hiện đại và là tiền thân của kỹ thuật in offset ngày nay (các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy).
Lấy cảm hứng từ một ngày mưa khi quan sát hình ảnh chiếc lá được phác thảo trên một mảnh đá vôi, quy trình mà ông tạo ra cho phép chuyển bản sao của một họa tiết đã vẽ trên phiến đá lên giấy. Từ đó trở đi, phát minh của Senefelder cho phép in nhiều lần hàng loạt áp phích cho mọi nội dung, từ quảng bá sự kiện đến tuyên truyền chính trị.
Nghệ sĩ vẽ áp phích – cầu vượt cung
Ban đầu, thiết kế áp phích được quản lý bởi các nhà in và các nhà in thạch bản. Tuy nhiên, họ không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng của khách hàng, dẫn đến việc ngày càng có nhiều nghệ sĩ được thuê để thiết kế áp phích.
Nghệ sĩ người Pháp Jules Cheret được biết đến như người cha đẻ của áp phích hiện đại. Ông thành lập xưởng in thạch bản của riêng mình vào năm 1866 và đã tạo ra khoảng 1200 áp phích trong 40 năm.
Nổi tiếng không kém là đồng hương của Cheret, Henri de Toulouse-Lautrec, người đã viết nên lịch sử áp phích với các tác phẩm nghệ thuật của mình cho các chương trình tạp kỹ Moulin Rouge nổi tiếng của Paris. Ông đã dành hầu hết mọi buổi tối để ghi lại sức sống của cuộc sống về đêm xa hoa ở nhà hát Montmartre trong các bức vẽ của mình.
Tại nước Đức, họa tiết Art Nouveau đã trở nên rất phổ biến vào khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Một trong những tấm áp phích nổi tiếng nhất thời đại là tấm áp phích do Alfons Mucha thiết kế cho vở kịch “Gismonda”, với sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ là Sarah Bernhardt. Tất cả các bản sao được trưng bày công khai của tấm áp phích đã nhanh chóng bị những người yêu nghệ thuật đánh cắp.
Áp phích quảng cáo
Người phụ trách triển lãm lịch sử áp phích ở Bảo tàng Folkwang (Essen, Đức), Rene Grohnert lưu ý: Ngày nay, các nghệ sĩ vẫn tạo ra những tấm áp phích với thiết kế tinh xảo cho các bảo tàng và nhà hát. Tuy nhiên, từ những năm 1920 đến nay, trọng tâm của áp phích là quảng cáo, với hình ảnh thương hiệu và sản phẩm thay vì các chi tiết trang trí cầu kỳ.
Trong suốt thế kỷ 20, áp phích liên tục phát triển vì quảng cáo bị ảnh hưởng bởi các phong trào nghệ thuật cùng thời, từ phong cách Bauhaus đến Art Deco.
Một số nhà thiết kế áp phích sáng tạo với các họa tiết ảo giác của Văn hóa phản kháng thập niên 1960. Những người khác thậm chí còn cố tình khiêu khích hơn khi quảng cáo với bệnh nhân AIDS vào những năm 1980.
Tuy nhiên, áp phích không chỉ được thiết kế để quảng cáo hàng hóa mà còn là phương tiện truyền tải thông điệp chính trị. Đức Quốc xã đã sử dụng áp phích cho mục đích tuyên truyền. Các nước xã hội chủ nghĩa của khối Đông Âu cũng sử dụng những tấm áp phích để truyền tải những thông điệp chính trị.
Thanh niên của những năm 1960 (và các thế hệ sau này) treo áp phích của nhà cách mạng Che Guevara trên tường. Các áp phích nổi tiếng khác vào thời điểm đó đã lên tiếng phản đối vũ khí hạt nhân, phản đối chiến tranh ở Việt Nam, ô nhiễm và quá tải dân số.
Các phương tiện truyền thông đại chúng sau đó đã thay đổi hoàn toàn cách công chúng tiếp cận quảng cáo khi đưa quảng cáo sản phẩm trực tiếp lên truyền hình. Tuy nhiên, áp phích vẫn tồn tại. Ông Grohnert chia sẻ: “Khi đó, áp phích chủ yếu dùng để gợi nhắc người xem về những thứ họ đã thấy trước đây thay vì cung cấp thông tin”.
Những tấm áp phích vẫn được dán trên các cột quảng cáo (được phát minh từ năm 1854), mặc dù ngày nay những di tích này đã được hiện đại hóa hoặc bị thay thế bởi các biển áp phích chiếu sáng nền.
Trong thời đại số hóa, poster vẫn sẽ không trở nên lỗi thời
Ông Grohnert cho rằng tương lai của áp phích sẽ có nhiều chuyển biến. “Áp phích đã được tích hợp vào một khái niệm tổng thể. Hãy lưu ý rằng tại điểm dừng xe buýt hoặc xe lửa, kiến trúc sư có thể kết hợp “phủ xanh mái nhà” cùng với lắp đặt các biển áp phích chiếu sáng nền để truyền đạt thông tin và đồng thời tạo ra “một nội thất đường phố độc đáo”, ông nói.
Song, các áp phích sẽ vẫn không lỗi thời, Grohnert nhận định. Trong địa hạt điện ảnh, âm nhạc và thời trang, các poster giới thiệu sẽ vẫn là sản phẩm không thể thiếu dù có sự xuất hiện hỗ trợ đắc lực từ hình ảnh động như các trailer trên Youtube hay trên website của nhà sản xuất.
Theo Công luận
https://congluan.vn/ap-phich-trong-dong-chay-lich-su-nghe-thuat-quang-cao-tuyen-truyen-day-sang-tao-post191398.html