Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu chính quyền tìm kiếm sự hỗ trợ nước ngoài để hãm lại sự đổi màu đáng lo ngại của đền Taj Mahal hôm 1/5, theo BBC.
Tòa án cho biết ngôi đền cổ nổi tiếng Taj Mahal, được xây dựng vào thế kỷ 17 bằng đá cẩm thạch trắng cùng nhiều vật liệu khác đã chuyển dần sang màu vàng và hiện còn ngả sang màu nâu và xanh lá cây.
Ô nhiễm, xây dựng và chất thải từ côn trùng được cho là những nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nước thải trên sông Yamuna bên cạnh ngôi đền, thu hút nhiều côn trùng và chúng bài tiết chất thải màu xanh nhuộm màu các bức tường ngôi đền.
Mới đây hồi tháng Giêng, trong nỗ lực làm sạch lớp đá cẩm thạch trắng của ngôi đền, chính quyền đã sử dụng một biện pháp trát một “lớp mặt nạ” bằng đất sét tẩy trắng (Fuller’s earth) lên tường ngôi đền, lớp đất sét này có khả năng hấp thụ bụi bẩn, dầu mỡ và phân động vật rồi sau đó được gỡ ra để loại bỏ vết bẩn, nhưng có những lo ngại khi vấn đề ngày càng trở nên xấu đi.
Hai vị thẩm phán Madan Lokur và Deepak Gupta đã kiểm tra những bức ảnh của ngôi đền được các nhà môi trường học gửi tới và ra lệnh cho chính phủ tìm kiếm các chuyên gia trong nước và nước ngoài. “Ngay cả khi các vị có chuyên gia, các vị cũng không sử dụng họ. Hay có lẽ là các vị không quan tâm”, Tòa án Tối cao chỉ trích.
Trước đó, chính phủ đã đóng cửa hàng ngàn nhà máy gần Taj Mahal, nhưng các nhà hoạt động môi trường nói rằng đá cẩm thạch của ngôi đền vẫn mất đi độ bóng.
Đền Taj Mahal được Hoàng đế Mughal Shah Jahan xây dựng tại thành phố Agra và là một điểm du lịch hàng đầu thế giới, thu hút tới 70.000 người mỗi ngày.
Tổng hợp