Ðời Nam Phương Hoàng hậu, tưởng tột đỉnh phú quý vinh hoa, tưởng hạnh phúc mà không hạnh phúc.
Đã từ lâu, tôi vẫn bị ám ảnh về Nam Phương Hoàng hậu. Người đàn bà nước Nam có học vấn, xinh đẹp, đoan trang phúc hậu. Người từng học Tây, lại hoàng hậu của vua nước Nam, bà có cơ hội để làm những việc lớn, nhưng những năm cuối đời, bà đâu có được sung sướng.
Năm 2015, khi về viết ở xứ Thanh, tôi có đi cùng anh Lê Văn Kỳ là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công Thương, thăm lại Gia Miêu Ngoại Trang, đất tổ của nhà Nguyễn ở Hà Trung Thanh Hóa. Trong các quí bà là vợ các triều vua nhà Nguyễn ở Huế, thì Nam Phương Hoàng hậu có nhiều nét đặc biệt, là nàng dâu duy nhất của nhà Nguyễn được phong Hoàng hậu. Ðất quí hương xưa của nhà Nguyễn đã tạo hồn thiêng để cháu con nhà Nguyễn có hùng tâm vác gươm đi mở cõi phương Nam. Nhưng khi Bảo Ðại về lại Gia Miêu Ngoại Trang có mang theo Hoàng hậu không, tôi không biết, rồi bà có thắp hương cho tổ tiên không mà cuối đời Nam Phương Hoàng hậu tha phương dâu bể và rốt cuộc gửi nắm xương tàn nơi đất khách như thế.
Có thể không phải ai cũng biết, Nam Phương Hoàng hậu là người rất yêu nước. Thuở cách mạng mới thành công, bà đã từng chủ tọa tuần lễ vàng ở Huế. Noi gương bà, các phú hào ở Huế đã đem vàng đi hiến rất đông. Như thế, vị hoàng hậu cuối cùng của phong kiến Việt Nam đâu chỉ nghĩ riêng gia tộc mình. Nếu cựu hoàng Bảo Ðại đi theo Bác Hồ đến cùng chắc là bà còn làm được nhiều việc tốt. Tôi đã nghe kể chuyện này ở Huế năm 1993, khi lần đầu tiên tôi đến Huế và điều đó cứ ám ảnh tôi mãi. Nếu Bảo Ðại… Nếu bà đi theo cách mạng đến cùng… Và nếu… Những từ “nếu” đã không bao giờ xảy ra khi lùi lại trang lịch sử đất nước.
Sau ngày Pháp trở lại gây chiến ở Nam bộ, theo tác giả Pháp Jean Renaud, bà đã từng gửi thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và thế giới yêu cầu họ tố cáo sự tráo trở của Pháp làm đổ máu ở Nam bộ.
Trong hồi ký, tướng Quân đội Sài Gòn Ðỗ Mậu viết rằng bà đã thực hiện việc Ngô Ðình Diệm nhờ là nói với Bảo Ðại ký duyệt cho ông ta lên làm Thủ tướng với điều kiện là sẽ bảo vệ Bảo Ðại. Nhưng, làm vậy, bà cũng tự đào hố chính trị để chôn vùi Bảo Ðại. Bà đã cùng Bảo Ðại viết bản cáo chung cho triều đại nhà Nguyễn.
Ám ảnh về Nam Phương Hoàng hậu, tôi lại nhớ, Bảo Ðại có đến 7 vợ, nhiều người đẹp như bà phi Mộng Ðiệp, bà phi Ánh, bà phi Lý Lệ Hà… nhưng vì sao người ta chỉ nhắc đến Nam Phương Hoàng hậu? Có lẽ vì phẩm chất con người và nhân cách của bà.
Bà đã từng giúp Bảo Ðại tiếp khách rất khéo léo và gây được thiện cảm. Năm 1942, Quốc vương Sihanouk đến thăm Huế đã được bà tiếp. Sự khéo léo của bà về ngoại giao đã gây thiện cảm với Quốc vương xứ chùa Tháp. Quốc vương đã mời vợ chồng bà đến thăm Nam Vang. Chính bà đã tự lái xe đưa Bảo Ðại đi thăm Ðế thiên Ðế thích (Angkor Vat và Angkor Thom).
Giàu có, xinh đẹp, quyền thế, lại đủ công dung ngôn hạnh, từng học ở Pháp về, văn minh Tây đầy người, xa chồng đằng đẵng hàng năm trời vẫn chung thủy đoan trang… mấy ai được thế. Biết thừa Bảo Ðại lấy tiền vợ để đi phố Khâm Thiên chơi gái, bà ngậm miệng không nói, mong giữ thể diện cho chồng. Khi Bảo Ðại đã đi theo Cụ Hồ làm cố vấn, những tưởng nhà Nguyễn còn có một vị vua biết thoái vị để rồi làm lại một cuộc đời mới, làm dân một nước độc lập, nhưng Bảo Ðại không có tầm, không có nhân cách để làm được thế, có đến bảy vợ vẫn đi chơi gái, vẫn ngấm ngầm theo Pháp để ăn lương. Bảo Ðại như cái hình ảnh tương phản để làm tôn cao thêm hình ảnh đức độ, nhân hậu của Nam Phương Hoàng hậu.
Cho dù bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Ðại) đã có thêm người con dâu khác là Mông Ðiệp đoan trang, xinh đẹp, biết đối nhân xử thế, khéo léo nhất để đẹp lòng gia thế nhà Nguyễn buổi xế chiều, đặc biệt là biết chiều bà Từ Cung, nhưng rồi bà Từ Cung vẫn không quên nhân cách của Nam Phương Hoàng hậu. Cho nên những việc liên quan đến hoàng tộc nhà Nguyễn, bà Từ Cung đều cho gọi Nam Phương.
Làm từ thiện là một nét đẹp của bà Nam Phương mà người ta hay nhắc đến. Bà hay xuất cung đến thăm các trường nữ sinh Ðồng Khánh, Nữ công học hội của Ðạm Phương nữ sĩ… để làm từ thiện. Những học sinh được trao phần thưởng của bà lấy làm vinh dự cho cuộc đời học trò của họ. Tiếng vang phúc hậu của bà được Giáo Hoàng Vatican đến thăm và khen ngợi.
Bà rất giàu có. Báo chí Pháp viết rằng khác với Bảo Ðại, cuối đời, bà thủ đắc một tài sản kếch sù: Chung cư lớn ở Neuilly, nhiều nhà đất ở nước Marốc, một căn hộ ở đại lộ Opera (Paris), 600 hec ta đất ở châu Phi, vv… Nhưng dần dần bà không quan tâm đến những tài sản ấy nữa. Buồn việc nước lẫn việc nhà nên bà tự giam mình trong căn nhà đá cẩm thạch.
Những tưởng bà Nam Phương là người đàn bà sướng nhất nước Nam, thế mà bà không sướng. Bà khổ về tinh thần cho đến cuối đời. Khi bà chết không ai là người thân đưa tiễn. Con cái đều ở xa. Bảo Ðại rất nhiều vợ và chẳng bao giờ đoái hoài đến bà. Bảo Ðại còn những cô gái trẻ trẻ hơn bà. Khi Nam Phương nhắm mắt xuôi tay, bên cạnh chỉ có người phục vụ ở nhà tang lễ. Mấy tháng sau con cái mới về chịu tang. Người khôn chóng già. Bà mất khi mới 49 tuổi.
Ám ảnh về Nam Phương Hoàng hậu, khi về thăm lại Cung Nam Phương Hoàng hậu ở Ðà Lạt năm 2017, biệt thự mà bố đẻ bà, ông Nguyễn Hữu Hào, là Phước Mỹ Quận công, người giàu nhất Nam bộ thời đầu thế kỷ XX đã tặng cho con gái làm của hồi môn khi đi lấy chồng, tôi lại hình dung bà, trong xiêm y Hoàng hậu áo dài màu vàng, cổ cao kín đáo, đôi mắt đẹp và buồn, xa xăm và tĩnh lặng. Tôi lại như thấy bà đang cởi hết những đồ nữ trang trên người để đặt lên bàn phủ khăn đỏ tặng cho kháng chiến, và bà đang chủ tọa tuần lễ vàng ở Huế từ ngày 17 tháng 9 năm 1945 đến ngày 24 tháng 9 năm 1945…
Nam Phương Hoàng hậu (4/12/1914 – 24/9/1963) tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, người Gò Công. Cha bà, Nguyễn Hữu Hào, là Phước Mỹ Quận công, một điền chủ giàu có nhất Nam bộ đầu thế kỷ XX. Năm 1927, bà sang Pháp học tại Couvent des Oiseaux. Năm 1934, vua Bảo Ðại cưới bà và sau đó bà được phong Hoàng hậu Nam Phương. Sau khi vua Bảo Ðại thoái vị, bà đưa các con sang Pháp sống lặng lẽ cho đến ngày qua đời.
Lê Tuấn Lộc