Dưới chế độ quân chủ ngày xưa, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam, có một biệt lệ : Người viết sử (sử quan) làm việc độc lập, không tuân theo các chỉ thị của vua chúa. Nguyên tắc này được áp dụng nhằm bảo đảm tính khách quan của sử sách, không phụ thuộc vào ý muốn của người đương quyền.
Các bậc minh quân đều tôn trọng nguyên tắc đó. Nhưng các hôn quân thì không, bởi vậy mà đã có không ít sử quan thà chết chứ không chịu bẻ cong ngòi bút. Các vua chúa (tất nhiên là minh quân) cũng không được phép xem các sử quan đang viết những gì về mình. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ thú vị.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tông sai nội quan đến Hàn lâm viện gặp riêng sử quan Lê Nghĩa để mượn Thực lục (tài liệu ghi chép chuyện hàng ngày của vua) về cho vua xem.
Nội quan hỏi: “Trước kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?”. Lê Nghĩa đáp: “Sự kiện cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không thẳng thắn ghi lại. Đường Thái Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa phải là hiền thần”.
Nội quan nói : “Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm thứ 8 (là 8 năm Lê Thánh Tông làm vua)”. Lê Nghĩa trả lời: “Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!”
Nội quan nói: “Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước đó có lỗi gì còn có thể sửa được”. Lê Nghĩa vẫn kiên quyết: “Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử!”
Nội quan dụ bảo nhiều lần, Lê Nghĩa mới nói: “Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc”. Nói rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử viện.
Vua không xem quốc sử (phần viết về mình) là điều quá hay của người xưa. Nhưng ngoại lệ như Lê Thánh Tôn, muốn xem quốc sử, không phải để “định hướng”, để can thiệp bẻ cong ngòi bút của sử gia, mà để biết mình có lỗi lầm gì nhằm kịp thời sửa chữa, cũng là chuyện hay không kém. Ông Lê Nghĩa không câu nệ nguyên tắc, cũng là một hiền thần, là một sử quan tốt.
Về trường hợp của Đường Thái Tông. Là một vua giỏi của Trung Quốc, ông xem quốc sử cũng không phải để bẻ cong ngòi bút của sử quan mà để “uốn” lại cho thẳng. Sự kiện cửa Huyền Vũ (Huyền Vũ Môn) là sự kiện ông chủ mưu giết những người anh em ruột của mình (Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát) trong cuộc đấu đá quyền lực. Dưới cái nhìn thông thường thì đây là một vết nhơ trong sự nghiệp của ông, nhưng nhìn toàn cục chính trị của nhà Đường lúc bấy giờ thì ông không còn cách nào khác. Phòng Huyền Linh đương nhiên là một hiền thần, vị sử quan này không phải sợ Đường Thái Tông mà ông ngại đời sau nghĩ xấu về vị minh quân nên chỉ ghi mập mờ, tránh không ghi chi tiết tương tàn huynh đệ. Đường Thái Tông xem quốc sử và bảo phải ghi đúng sự thật, khi ấy ông mới ghi.
Tóm lại, hơi khác với trường hợp của Lê Thánh Tông xem quốc sử “để biết mình có lỗi lầm gì sửa cho kịp”, Đường Thái Tông xem quốc sử để yêu cầu viết cho đúng, dù cái đúng đó có thể làm tổn hại đến uy tín của mình.
Tuy cả hai trường hợp nói trên đều vô hại, nhưng vua Minh Mệnh của triều Nguyễn không tán thành. Ông bảo “Đường Thái Tông xem quốc sử, lại tự tay tước bỏ, trẫm không cho là ông phải”. Theo ông, người viết sử “chép đủ việc hay việc dở, vua không nên xem”. Ông chỉ lưu ý: “Người có chức trách cầm bút ghi việc, phải nghĩ làm thế nào cho muôn đời về sau tin được”.
Ngày nay ở nước ta không có các sử quan viết Thực lục “chép đủ việc hay việc dở” như ngày xưa, thay vào đó là toàn bộ các hồ sơ lưu trữ vô cùng đồ sộ tại các cơ quan lãnh đạo và quản lý Nhà nước sẽ giúp các sử gia dựng lại các bộ “Thực lục” của từng thời kỳ, sau khi các hồ sơ này được giải mật. Tuy nhiên, tinh thần của nguyên tắc vua không xem quốc sử, không can thiệp để bẻ cong ngòi bút của sử gia vẫn mang tính thời sự.
Tất nhiên nguyên tắc người viết sử độc lập với nhà cầm quyền chỉ là một trong những biện pháp ngăn chặn sự sai lệch chứ chưa đủ để bảo đảm cho những ghi chép lịch sử hoàn toàn chân thực. Người viết sử còn bị chi phối bởi xu hướng tư tưởng, quan điểm chính trị, trình độ và thậm chí cả cá tính của chính mình. Ngay đến ông Tư Mã Thiên khi viết về Tần Thủy Hoàng trong bộ Sử Ký, ông là sử thần nhà Hán, vốn ghét Tần, nên đã đưa vào một lời đồn vô căn cứ, rằng Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi, khiến cho các nhà nghiên cứu lịch sử đời sau tốn rất nhiều giấy mực tranh cãi. Nói là “lời đồn”, vì chi tiết này được đưa ra từ những “tài liệu tuyên truyền”, đó là những bài hịch “phạt Tần”.
Chi tiết “tuyên truyền” đó thật phi lý, bởi vì Tần Thủy Hoàng được mang thai trong thời gian Triệu Cơ (mẹ Tần Thủy Thoàng) đã về làm vợ Tần Trang Tương Vương (bố Tần Thủy Hoàng), nếu nói Triệu Cơ mang thai với Lã Bất Vi trước khi về với Tần Trang Tương Vương thì cái thai đó phải mang hơn 1 năm, còn nói Triệu Cơ lén lút đi lại với Lã Bất Vi thì sử gia nào theo dõi chuyện phòng the của người khác mà biết được ? Nếu không bị định kiến yêu ghét khi đọc sử, người đọc dễ dàng nhận ra sự phi lý đó.
Hoàng Hải Vân/VHVN