Từng là nghề chính của hàng trăm hộ dân, nhưng nay người theo nghề dệt chiếu cói ở Hưng Hòa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh sự tỉ mỉ, đòi hỏi phải chịu khó thì việc phải cạnh tranh với các loại chiếu công nghiệp càng khiến thị trường của chiếu cói bị thu hẹp.
Tuy vậy, suốt 40 năm qua, vợ chồng ông Toản, bà Lương vẫn đau đáu giữ nghề truyền thống.
Nghề dệt chiếu cói ở xã Hưng Hoà, TP.Vinh (Nghệ An) từng nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Những đường nét, hoa văn có chất riêng đã thu hút một lượng khách hàng đáng kể. Trước đây, toàn xã có gần 900 hộ gắn bó với nghề dệt chiếu cói. Riêng 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận được công nhận là làng có nghề vào năm 2005.
Để làm ra chiếu cói thì phải cần 2 người cùng làm.
Thời gian thịnh hành, nghề dệt chiếu là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nơi đây. Nhưng từ khi có sự cạnh tranh của chiếu công nghiệp với mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn như chiếu nhựa, chiếu tre, chiếu trúc thì chiếu cói Hưng Hòa dần mất đi sự ưu thế. Nhiều hộ gia đình quyết định bỏ nghề, xếp khung dệt vào kho chuyển sang công việc khác để mưu sinh khiến nghề chiếu cói nơi đây có nguy cơ mai một.
Tuy nhiên, suốt 40 năm qua, vẫn còn một cặp vợ chồng vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống của cha ông. Đó là vợ chồng ông Trần Toản (SN 1972) và bà Trần Thị Lương (SN 1968), trú tại xóm Phong Thuận.
Kể về nghề truyền thống, bà Lương cho hay từ nhỏ đã theo bố mẹ ra đồng làm cói và quen với những công đoạn như chọn cói, chẻ cói, phơi cói… cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt cói. Chính những ngày tháng theo bố mẹ làm chiếu cói đã dấy lên trong cô bé ấy niềm đam mê với nghề này. Khi trưởng thành, lập gia đình, ngoài công việc đồng ruộng, bà vẫn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Bà chia sẻ, nghề dệt chiếu cói được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay, sau đó mới phơi khô, loại bỏ phụ phẩm. Khâu chọn cói cũng cần phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, ngắn dài khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền, đẹp. Riêng với sợi đay (màu xanh) do hiếm nên gia đình bà phải nhờ người mua ở nơi khác về.
Theo bà Lương, muốn ra sản phẩm chiếu thì phải cần 2 người cùng làm. Một người một go dệt, răng go được làm bằng gốc tre đực, già có căng sẵn những sợi đay. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt.
Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự tỉ mẫn, công phu.
Mỗi chiếc chiếu cói m2 sau khi hoàn thiện, nhập cho thương lái với giá 36.000 đồng. Theo bà, đây là nghề lấy công làm lãi bởi thu nhập không cao bằng những nghề khác. Tuy vậy, vì đây là nghề truyền thống nên gia đình vẫn cố giữ lại.
Khi không có khách đặt chiếu, ông Toản đi thu hoạch cói nhập cho các thương lái. Giá mỗi bó cói dao động từ 50.000 đồng – 70.000 đồng tùy theo cân nặng. Cói sau khi được chẻ, sẽ đem phơi ít nhất 2 nắng ngoài ruộng để cho nhẹ và mềm sợi. Sau đó, cói được cột thành từng bó để đưa về nhà tiếp tục phân loại, phơi khô một lần nữa trước khi nhập cho thương lái.
Dẫu biết rằng nghề truyền thống này hiện khó cạnh tranh trên thị trường với nhiều loại chiếu công nghiệp mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ nhưng vợ chồng bà Lương vẫn miệt mài làm việc. Bởi đây là công việc không những giúp gia đình bà có thêm thu nhập mà hơn cả là gìn giữ nghề truyền thống bao đời của cha ông. Thi thoảng, vẫn có những vị khách xa tìm đến đặt chiếu cói về sử dụng đó là động lực để đôi vợ chồng ấy bám trụ với nghề.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/cap-vo-chong-40-nam-dau-dau-giu-nghe-det-chieu-coi-truyen-thong-post261699.html