Chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hướng tới 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, sáng nay 15/8, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đã diễn ra sự kiện ra mắt sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo Trần Bá Lạn.
Nhà báo – nhà giáo Trần Bá Lạn sinh năm 1930, ở huyện Thường Tín, Hà Nội, là một trong những người tham gia đặt nền móng góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ giảng dạy nghề báo và cán bộ báo chí các cấp, tạo dựng thương hiệu và uy tín cho một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực báo chí hàng đầu cả nước là Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền).
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam phát biểu chào mừng.
Ông có 40 năm gắn bó với bục giảng, trong đó có 15 năm đảm nhận cương vị Trưởng khoa Báo chí thời kỳ đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Ông đồng thời là tác giả nhiều giáo trình giảng dạy, nhiều tác phẩm sách đã xuất bản có giá trị chuyên sâu về báo chí, dịch thuật, khảo cứu, lịch sử được nhiều đồng nghiệp, học trò coi trọng và ngưỡng mộ.
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo Trần Bá Lạn gồm một số tác phẩm báo chí và những tư liệu khảo cứu văn hoá lần đầu tiên được công bố.
Điều đặc biệt là tác giả cuốn sách – nhà báo, nhà giáo, nhà văn hoá Trần Bá Lạn là một trong số hiếm hoi các tác giả xuất bản sách ở dạng một công trình nghiên cứu khoa học khi thầy ở độ tuổi sắp bước qua một thế kỷ đời sống và cống hiến.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ tại buổi ra mắt sách.
“Thầy Trần Bá Lạn là hình mẫu của một nhà báo cách mạng, một người thầy báo chí mô phạm, còn sức lực là còn cống hiến cho sự nghiệp báo chí, cống hiến cho đất nước. Người thầy ngót 100 tuổi ấy là hình mẫu điển hình của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Vô cùng cảm phục tài năng tâm huyết của thầy“, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ.
Chia sẻ về cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu”, GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, nội dung đề cập trong ba tuyển trong cuốn “Nghĩa nặng tình sâu” thật cô đọng và cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, không theo thứ tự thời gian mà là sự đan xen, có mối quan hệ biện chứng, khăng khít, nhuần nhuyễn.
Ví như những chọn lọc rất cô đúc nội dung tuyển hai là để nói về những chuyến đi, quá trình tác nghiệp báo chí, rút bài học hình thành tác phẩm đã công bố trên các báo, là sự minh chứng rõ nét cho những điểm nhấn được ghi trong giáo trình nghiệp vụ, những chất liệu sống động của phóng sự, ký sự, bút ký.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn những nét cơ bản nội dung tuyển hai đã minh họa sống động sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn trong hơn 60 năm cầm bút, những năm tháng miệt mài dạy nghề trên giảng đường. Các thế hệ học trò được ông truyền thụ kiến thức, kỹ năng làm báo tỏa đi muôn nơi, ở hậu phương và tiền tuyến, nhiều người thành danh, trở thành những nhà báo, nhà quản lý báo chí tinh thông, tận tụy, dạn dày kinh nghiệm.
Nhà báo Trần Bá Lạn – tác giả cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu”.
Chia sẻ về đứa con tinh thần của mình, tác giả Trần Bá Lạn cho biết, cuốn sách được ấp ủ từ năm 2013 cách đây 10 năm, tuy nhiên lúc đó những công việc khảo cứu của ông còn đang dang dở, cho nên đến 2023 mới được ra mắt. Đó là những chắt lọc chi tiết cho quá trình cuộc đời của Trần Bá Lạn lúc bắt đầu vào làm báo từ năm 1953 đến nay.
Về “Nghĩa nặng tình sâu”, tác giả Tần Bá Lạn thông tin sách dung lượng 225 trang, được trình tự sắp xếp: Tuyển một, xây dựng giáo trình nghiệp vụ báo chí; Tuyển hai, tác phẩm báo chí được sử dụng rải rác 60 năm qua; Tuyển ba, các bản dịch chữ Hán, khám phá cội nguồn dòng Trần Bính, chi từ cụ Thủy Tổ – thế kỷ XVII. “Đây là sự tổng kết cô đọng cuộc đời và sự nghiệp của tôi, hơn nữa là tình cảm, tâm huyết của tôi với nghề báo, nghề giáo, với đồng nghiệp, với đất nước, với quê hương, gia đình, dòng họ, với thế hệ tương lai”, nhà báo Trần Bá Lạn chia sẻ.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển bồi hồi nhớ lại những câu chuyện với người thầy Trần Bá Lạn.
Xúc động trong buổi gặp mặt người thầy cũ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển bồi hồi nhớ lại: “Tôi là sinh viên đại học báo chí khóa I (1969 – 1973), khóa mà thầy Trần Bá Lạn có vai trò quan trọng quản lý toàn bộ khối sinh viên Báo chí – Xuất bản. Ở tuổi xế chiều, cầm trên tay tập sách thứ 3 của Thầy Trần Bá Lạn với cái tên thân thương “Nghĩa nặng tình sâu”… tôi bồi hồi xúc động, vậy là ở tuổi 93 thầy vẫn cho ra sách. Đồng nghiệp chúng tôi từng học ở mái trường này ai cũng vui, phấn chấn truyền tin cho nhau”.
Nhà báo Trần Bá Lạn trao tặng sách, tư liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Uyển bày tỏ niềm ngưỡng mộ khi nghỉ hưu, thầy Lạn vẫn viết báo, vẫn giảng dạy báo chí theo lời mời. Và quan trọng hơn nữa là thầy đã góp sức bằng cái tâm, cái tài, cái đức và tình cảm thấu thiết của mình cùng gia đình, kì công tìm tòi, dịch thuật tìm ra sự thật bị thất truyền, bị lặng chìm về Cụ tổ Tiến sĩ Trần Trọng Liêu ở thôn Vân Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, một trong những khoa bảng được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đem về niềm vui, tự hào cho dòng họ, quê hương, đất nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Sơn Hải)
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, các thế hệ học trò cũng như những đồng nghiệp của nhà báo Trần Bá Lạn đã bày tỏ niềm kính trọng và yêu mến một người thầy mẫu mực và thông tuệ. Những nhà báo vào nghề khi thầy đã nghỉ hưu, dù không được trực tiếp học thầy qua những giờ lên lớp nhưng lại được đọc và tiếp thu những tinh hoa nghề nghiệp, qua những cuốn sách giáo trình nghiệp vụ báo chí trong kho tàng những cuốn sách nghiệp vụ của thầy từ khi chập chững vào nghề. Đọc và học theo sách mà quý mến và kính trọng thầy qua nhũng tri thức mà thầy đã truyền dạy từ những cuốn sách quý giá.
Các đại biểu tham quan Bảo tàng báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
“Thầy Trần Bá Lạn, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được nhiều thế hệ nhà báo ở Việt Nam biết đến nhờ bộ sách giáo trình: Nghiệp vụ báo chí. Bộ sách được thầy xây dựng khá công phu. Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phú, nguyên Trưởng ban Công tác hội, Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận xét: “Xây dựng giáo trình “Nghiệp vụ báo chí” thực sự là một công trình khoa học do thầy Trần Bá Lạn kỳ công làm nên với 2 tập sách dày tới 870 trang, in tới 6.500 cuốn; xuất bản vào năm 1977 và 1978 đã được toàn ngành hoan nghênh đón nhận. Sách nghiệp vụ là cẩm nang, bởi làm báo chuyên nghiệp không thể không có lý luận báo chí, không thể không hiểu rõ các thể loại thông dụng của nghề… Tôi yêu nhiều bài viết của thầy qua các dặm dài cách mạng”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Phan Hoà Giang
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/ra-mat-sach-nghia-nang-tinh-sau-ve-cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nha-bao-tran-ba-lan-post260483.html