Những ngày này, xưởng sản xuất cờ Tổ quốc của gia đình anh Nguyễn Văn Phục, thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, lại tất bật với những đơn hàng để phục vụ cho dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9.
Cách trung tâm Hà Nội chừng 25km, thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội vốn nổi tiếng là làng nghề may cờ Tổ quốc lớn nhất cả nước. Hàng năm, vào những ngày Lễ, Tết quan trọng nhiều người dân trong làng lại tất bật cắt vải, thêu sao vàng, may cờ Tổ quốc. Trong đó, thời điểm sản xuất nhiều nhất là dịp Lễ Quốc khánh mùng 2/9.
Những ngày này (cách lễ 2/9 khoảng hai tuần) là lúc cao điểm của những công xưởng sản xuất tại thôn Từ Vân. Những xưởng may với quy mô lớn phải thuê thêm nhiều nhân công, thức đêm để kịp sản xuất trả đơn hàng cho khách, với những kiện hàng đi khắp cả nước.
Anh Nguyễn Văn Phục tất bật làm cờ Tổ quốc, băng rôn và khẩu hiệu trong dịp cận nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Ghé thăm xưởng may cờ Tổ Quốc của gia đình anh Nguyễn Văn Phục, chúng tôi thấy đâu đâu cũng chật kín vải với cờ, băng rôn, khẩu hiệu… Mọi người, từ già tới thanh thiếu niên ai nấy cũng tất bật với công việc của mình.
Anh Nguyễn Văn Phục (chủ xưởng may cờ Tổ Quốc) cho biết: “Xưởng may cờ Tổ quốc của gia đình tôi quanh năm đều có việc, tuy nhiên, vào những dịp Lễ,Tết hay ngày hội… công việc nhiều nên thường phải thức đêm để sản xuất cờ Tổ quốc. Các thành viên trong gia đình tôi đều làm thành thạo việc này, ngay cả con gái nhà tôi năm nay mới hết cấp 3 nhưng đã có khách hàng riêng”.
“Dù còn khoảng 2 tuần nữa mới đến Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng hiện tại xưởng may nhà tôi đang rất bận rộn, đẩy nhanh tiến độ làm việc để kịp trả đơn hàng cho khách, và phân phối cờ Tổ Quốc đi các tỉnh/thành trên cả nước, thậm chí có nhiều đơn hàng chuyển sang nước ngoài”, anh Phục nói thêm.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: “Hiện thôn Từ Vân có hai xưởng làm cờ Tổ quốc lớn, gồm xưởng nhà anh Nguyễn Văn Phục và xưởng nhà chị Vương Thị Nhung. Đây là 2 xưởng làm cờ lớn nhất của thôn, mỗi năm sản xuất khoảng 45.000 đến 50.000 chiếc (đủ các loại gồm thêu tay, in). Hai hộ gia đình này đều đưa công nghệ vào để cắt những hình lá cờ, đồng thời định vị làm sao để cắt được ngôi sao vàng ở giữa lá cờ cho thật cân đối”.
Cũng theo ông Phát, thôn Từ Vân hiện có 2 loại cờ gồm in sao vàng, may sao vàng và thêu tay. Trong đó, công nghệ thêu tay rất phát triển, đảm bảo cuộc sống của các hộ gia đình sản xuất và mang lại đời sống cho nhân dân. Tuy so với mặt bằng xã hội thì nghề làm cờ này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng công việc cũng giúp duy trì được cuộc sống và đảm bảo được nét đẹp truyền thống của người dân thôn Từ Vân.
Hình ảnh xưởng sản xuất cờ gia đình anh Nguyễn Văn Phục tại thôn Từ Vân
Chia sẻ với báo chí, anh Nguyễn Văn Phục – chủ xưởng may cờ Tổ quốc cho biết, gia đình anh làm nghề may cờ Tổ quốc từ rất lâu, mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục nghìn lá cờ với đủ kích thước khác nhau. Trong ảnh là khu xưởng may cờ Tổ Quốc của gia đình anh Phục tại thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Trong thời gian này, cơ sở sản xuất của anh Phục huy động lực lượng nhân công từ người già đến người trẻ ai, thậm chí làm tận đêm khuya để kịp trả đơn hàng cho khách.
Ngoài sản xuất cờ Tổ quốc, xưởng nhà anh Nguyễn Văn Phục còn sản xuất băng rôn, khẩu hiệu phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Phục cho biết, anh đã làm nghề may cờ Tổ quốc đến nay được hơn 20 năm. Làm nghề này một phần vì đam mê và một phần để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Vào những ngày sát dịp Lễ 2/9, mọi người trong gia đình phải làm việc ngày đêm mới đủ hàng cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi dịp lễ, chỉ riêng cờ Tổ quốc thì gia đình anh bán được khoảng 50.000 chiếc, ngoài ra còn băng rôn, khẩu hiệu với đủ loại kích thước khác nhau…
Mọi công đoạn làm cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu… đều được các nhân công tại xưởng làm việc rất chỉn chu, cẩn thận.
Từng đường nét trên mỗi lá cờ Tổ quốc đều được các thợ thủ công đo đạc kỹ lưỡng, cẩn thận.
Anh Phục chia sẻ, mọi công đoạn làm thủ công trên từng sản phẩm được chăm chút rất cẩn thận, đảm bảo chất lượng lên hàng đầu.
Công đoạn in chữ cho băng rôn, khẩu hiệu được các nhân công làm rất chi tiết, tỉ mỉ.
Cũng theo anh Phục, nghề may cờ Tổ quốc, băng rôn và khẩu hiệu… không chỉ giúp gia đình anh phát triển kinh tế mà còn tạo công an việc làm cho hơn chục nhân công với mức lương ổn định từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.
Một nhân viên vận hành máy CNC tại xưởng may nhà anh Phục cho biết, anh theo nghề may cờ Tổ quốc cũng gần 5 năm. Anh cảm thấy tự hào khi những lá cờ Tổ quốc có in dấu tay của mình, đó là niềm vui và động lực thúc đẩy anh yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.
Con gái anh Nguyễn Văn Phục tất bật trong thời điểm cận dịp Lễ Quốc khánh 2/9.
Với nhiều cống hiến cho xã hội, vào năm 2014, anh Nguyễn Văn Phục đã được Chủ tịch UBND huyện Thường Tín trao tặng danh hiệu “Người tốt – Việc tốt” tiêu biểu.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/xuong-san-xuat-co-to-quoc-o-ha-noi-tat-bat-truoc-dip-quoc-khanh-2-9-post260449.html