Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

13:38 | 08/07/2024

Ngày 15.6.2024, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề: “Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam”.

Hội nghị do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Theo Ban tổ chức, Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức nhằm tổng kết thành tựu các nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo phương pháp tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam, góp phần phục vụ các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới.

Việc tổ chức Hội nghị Sử học Toàn quốc lần đầu tiên sẽ mở ra thông lệ để định kỳ luân phiên tổ chức với các chủ đề khác nhau, tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học lớn trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của khoa học và thực tiễn xã hội Việt Nam.

“Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng”

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là hết sức thiêng liêng, mang ý nghĩa sinh tồn với mỗi quốc gia – mỗi dân tộc. Trải qua nhiều nghìn năm thăng trầm của quá trình xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước; các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay thấu hiểu và trân trọng giá trị của độc lập, hòa bình, thống nhất non sông và toàn vẹn lãnh thổ.


GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội 

Trong những năm gần đây, tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ xung đột và mất ổn định. Vì vậy, việc tích cực nghiên cứu để đưa ra các luận cứ khoa học vững chắc và đề xuất các giải pháp thiết thực càng có ý nghĩa như là một biện pháp quan trọng, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ.

Cách đây tròn 10 năm, vào tháng 4. 2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – đã phát động giới Sử học cả nước đẩy mạnh nghiên cứu về Chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Trong 10 năm qua, chủ đề này đã được giới sử học cả nước tập trung nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.


Ban chủ trì hội thảo


Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường 

Báo cáo đề dẫn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam PGS. TS Trần Đức Cường nhận định, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ là những giá trị thiêng liêng của mọi đất nước, mọi cộng đồng dân tộc trong các thời đại kể từ khi nhà nước xuất hiện. Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã là niềm khao khát và là mục tiêu có sức động viên mạnh mẽ, sự cố kết toàn dân tộc để đạt được những mục tiêu cao cả ấy.

Trong vài thập kỷ gần đây, trước sự phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Chúng ta khẳng định chủ trương đúng đắn của Việt Nam là hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các bất đồng giữa các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời khẳng định chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị – pháp lý không thể tách rời, là điều từng được khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, được thông qua vào năm 1946, được phát triển trong bản Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Trong hơn 10 năm gần đây, khi tình hình khu vực có những vấn đề nổi lên về chủ quyền đất nước, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trực tiếp là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Phan Huy Lê đã ra “Lời kêu gọi” các nhà khoa học nói chung, trước hết là các hội viên thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đẩy mạnh việc nghiên cứu góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn của quốc gia lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới lãnh thổ

Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất tập trung thảo luận về 3 chủ đề: Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền; Biển Đông- Không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam; Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hội nghị, các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử đã lắng nghe các tham luận, đưa ra những kiến nghị và các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ Việt Nam cũng như các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nâng cao ý thức tự hào dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân.


Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục phát biểu tham luận

Trình bày tham luận “Lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia: Một số vấn đề về lý thuyết và thực tiễn”, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục cho biết: “Lãnh thổ Việt Nam trong Biển Đông, bao gồm các vùng biển và thềm lục địa và các thực thể địa lý (Quần đảo, Đảo, Đá, Bãi cạn…) đã được xác lập và bảo vệ không chỉ bằng những nguyên tắc pháp lý hiện hành mà còn bằng cả máu, xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong biển Đông mà còn có nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay”.

PV


Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới