Với nhiều lợi ích khi dùng ví điện tử, quẹt thẻ, giới trẻ ngày càng có xu hướng sống “không tiền mặt”. Nhiều bạn trẻ ra ngoài với chiếc túi rỗng tuếch, vài nghìn đồng cũng không có.
Những lợi ích thực tế
“Tôi không bao giờ đem tiền mặt trong người, vì sợ bị cướp hoặc làm rơi ví”, Ngọc Như (22 tuổi, ngụ TP HCM) chia sẻ đã quen với lối sống “không tiền mặt” hơn 3 năm qua.
Cô gái cho hay, hơn 80% giao dịch của bản thân đều qua ứng dụng thanh toán trực tuyến. Hình thức thanh toán này mang lại cho Như không ít ưu đãi, giảm giá. Không những vậy, những khoản lẻ vài trăm đồng cũng không có cơ hội “làm tròn” như khi thanh toán tiền mặt.
Giới trẻ ưa chuộng lối sống “không tiền mặt”
Khi thanh toán bằng hình thức trực tuyến, quẹt thẻ, Như có thể tổng kết lại thu chi trong ngày nhờ lịch sử giao dịch. Thời gian đầu khi sử dụng hình thức thanh toán này, Như gặp không ít khó khăn nhưng sau đó cũng thành quen.
“Từ khi sống ‘không tiền mặt’ đến nay, tôi không còn lo việc làm rơi ví tiền nữa. Cảm giác không có tiền mặt trong người khiến tôi ít chi tiêu hơn”, Như chia sẻ.
Nguyễn Dung (24 tuổi, quê tỉnh An Giang) bộc bạch, bản thân bắt đầu thói quen sống “không tiền mặt” từ khi lên TP HCM học đại học. Kể cả đến nhà hàng sang trọng hay quán cà phê hè phố, Dung đều cố gắng trả bằng ví điện tử, hạn chế dùng tiền mặt.
Mỗi đợt rút tiền ngoài máy ATM, Dung cũng chỉ rút vài trăm nghìn đồng “dằn” túi, vì sợ rút nhiều sẽ dùng hết. Trong nhóm bạn, Dung cho hay người có nhiều tiền mặt nhất sẽ luôn là người đại diện cả nhóm thanh toán khi đi ăn uống cùng nhau.
“Câu nói quen thuộc nhất mỗi khi đi chơi cùng bạn bè là ‘trả giúp tôi, lát nữa về chuyển khoản sau’. Dần dần, người có nhiều tiền mặt đó sẽ chủ động thoanh toán rồi gửi hóa đơn vào nhóm sau mỗi cuộc vui chơi”, cô gái nói.
Không ít khoảnh khắc “dở khóc, dở cười”
Theo Quang Minh (21 tuổi), hầu hết những người Minh quen biết đều thanh toán hóa đơn bằng ví điện tử. Minh cho rằng đây là xu hướng tất yếu khi công nghệ ngày càng phát triển.
Dọc quanh các con đường, nhiều hàng quán treo mã QR hoặc số tài khoản ngân hàng phía trước để thực khách dễ dàng thanh toán. Đối với tâm lý người trẻ như Minh, những quán không nhận chuyển khoản, chàng trai sẽ không lui tới nữa.
Ngoài những lợi ích, Gen Z cũng có không ít khoảnh khắc “dở khóc, dở cười” khi có lối sống “không tiền mặt”. Phương Nhi (20 tuổi) cho hay, bản thân đôi lần muối mặt khi không có nổi 1.000 đồng trong túi.
“Những lúc đi gửi xe, hay uống cốc nước vài nghìn đồng, tôi ngại ngùng xin chuyển khoản vì thật sự không có tiền mặt trong túi. Lúc đó cũng có người lạ sẵn sàng cho tôi tiền để trả. Nhưng cũng có vài lần bản thân phải ‘mặt dày’ xin bạn bè, thậm chí là người lạ”, cô gái kể lại khoảnh khắc khó quên.
Ngoài ra, giới trẻ cũng nhiều lần bối rối khi ứng dụng chuyển khoản gặp trục trặc. “Ngân hàng bảo trì, rớt mạng… là điều khiến tôi ‘đứng hình’ mỗi khi thanh toán. Nhớ nhất lần tôi đang thanh toán hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi, phía sau lưng là hàng dài người đang chờ nhưng ứng dụng đột nhiên bị lỗi, khiến tôi ngượng ngùng xin đi rút tiền rồi quay lại trả sau”, Trúc Phương (21 tuổi) chia sẻ.
Theo Phương, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến đòi hỏi người tiêu dùng phải luôn cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo. Đã có không ít trường hợp thông tin người dùng bị phát tán, giúp cho những đối tượng xấu lợi dụng nhằm trục lợi.
Cùng là Gen Z, nhưng Mỹ Tiên (26 tuổi) lại không có thói quen sống “không tiền mặt”. Cô gái cho hay bản thân luôn để sẵn trong túi 1-2 triệu đồng, phòng cho những trường hợp cấp bách có thể thanh toán ngay.
“Sử dụng ví điện tử tiện lợi cho giới trẻ, nhưng vô tình gây khó khăn cho những tiểu thương lớn tuổi. Ngoài ra, nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng điều này để lừa đảo người bán hàng. Chỉ riêng những trường hợp phải thanh toán hóa đơn giá trị lớn hay mua hàng trực tuyến thì tôi mới sử dụng ví điện tử”, Tiên chia sẻ.
Kỳ Hoa
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/gioi-tre-nhieu-lan-xau-ho-vi-loi-song-khong-tien-mat-post259158.html