Từ bao đời nay, người dân Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo ra hàng ngàn sản phẩm bằng gốm có độ bền cao, nhiều họa tiết nổi bật mang đậm nét tinh hoa văn hóa làng nghề Việt như chum vại, nồi niêu, ấm chén…
Dù không nổi tiếng khắp cả nước như gốm Bát Tràng (Hà Nội), nhưng làng gốm Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc lại có nét đẹp và sức hút riêng biệt. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề gốm đã có mặt ở đây hơn 300 năm nhưng mãi cho đến những năm 1950-1970, khi xuất hiện hợp tác xã gốm thì làng nghề mới thực sự phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm gốm cung cấp cho nhiều tỉnh/thành trong nước. Đây cũng có thể nói là thời điểm hưng thịnh nhất của làng gốm Hương Canh khi đó.
Ở hiện tại, khi làng nghề đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, mai một dần nhưng vẫn tồn tại và trở thành một trong những làng nghề độc đáo của miền Bắc nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Với tuổi đời hơn 300 năm, làng gốm Hương Canh ở hiện tại vẫn giữ được giá trị văn hóa tinh hoa của làng nghề Việt Nam. Với những sản phẩm tạo ra như chum vại, nồi niêu, ấm chén… có độ bền cao, gốm Hương Canh nhằm phục vụ như cầu dân dã, thiết yếu của người dân trên cả nước.
Điểm tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh. Do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm sành Hương Canh khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi ta chạm vào kim loại. Trong ảnh là những chiếc phôi tạo mà người dân nơi đây tạo ra những sản phẩm bằng gốm chất lượng.
Bên cạnh đó gốm Hương Canh còn giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, vừa khỏe khoắn, tạo nên nét rất riêng biệt hấp dẫn so với các làng quê làm gốm khác. Đặc biệt, các sản phẩm gốm, sành Hương Canh thời xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Điểm nhấn vẫn là màu đỏ và nâu, còn sành thì có màu xanh đen.
Không chỉ vậy, làng gốm Hương Canh còn mang những đặc trưng, đó chính là tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống của dân tộc. Từ chất liệu đất xanh mà đã tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của mảnh đất Hương Canh. Tuy nhiên chính những ưu điểm này lại mang đến khó khăn đối với người làm gốm, sành. Gốm, sành đất Hương Canh được cho là “không ăn lửa” như các loại đất khác vì nó chứa nhiều chất béo, tạo nên độ trơ. Thế nên các nghệ nhân tại đây phải thực sự cẩn thận trong quá trình nung nấu, đảm bảo cả lò chín đều, mà không ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc của sản phẩm.
Nung gốm là công đoạn cuối để tạo nên những sản phẩm gốm sành sau này, bởi lò đốt chỉ có một cửa nên người thợ phải luôn chú ý, quan sát nhiệt độ, thời gian để có thể cho ra những mẻ gốm tốt nhất. Khâu nung đòi hỏi người thợ phải nắm vững kỹ thuật xếp lò, “điều” lửa. Có rất nhiều thợ cao tay nhưng nếu không khéo thì cũng làm hỏng cả mẻ gốm. Trong ảnh là một lò nung gốm của một hộ gia đình tại làng gốm Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo người dân nơi đây, vào khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1970, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, có lúc bà con làng gốm sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là dấu mốc một thời ‘vàng son’ của làng gốm Hương Canh.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên, nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vừa duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống, vừa đổi mới đa dạng mẫu mã. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt.
Ở hiện tại, nghề gốm Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) đang dần bị mai một, nhưng vẫn còn những người dân làm nghề, trụ với nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống và ổn định đời sống, trở thành điểm tham quan mang đậm bản sắc văn hóa của du lịch tỉnh.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/doc-dao-voi-nghe-san-xuat-gom-huong-canh-vinh-phuc-post259371.html