Theo chuyên gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới ở phía Bắc hoạt động mạnh, kết hợp với gió mùa tây nam khiến Nam bộ và Tây nguyên có lượng mưa vượt kỷ lục lịch sử trong tháng 7.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cụ thể, trong tháng 7, khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50 – 100%, có nơi trên 100%.
Đáng chú ý, một số nơi đã quan trắc được lượng mưa lớn trong ngày và tổng lượng mưa tháng vượt kỷ lục lịch sử, so với cùng thời kỳ tháng 7.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, ngày 29/7, Trạm khí tượng Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) đo được lượng mưa đạt 178,1 mm, vượt kỷ lục lịch sử 170,8 mm năm 1966. Trạm khí tượng TP.Cần Thơ đo được lượng mưa 113,8 mm, vượt kỷ lục lịch sử 109,7 mm năm 2003. Trạm khí tượng Vị Thanh (Hậu Giang) đo được lượng mưa 204,8 mm, vượt kỷ lục lịch sử 139,2 mm năm 2022. Trạm khí tượng Rạch Giá (Kiên Giang) đo được lượng mưa 229,8 mm, vượt kỷ lục lịch sử 220,3 mm năm 1991.
Ngoài ra, 10 trạm khí tượng ở Tây nguyên, Nam bộ và Nam Trung bộ cũng ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 cao nhất lịch sử, tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Trong đó, tổng lượng mưa trong tháng 7 được ghi nhận cao nhất ở Phước Long (Bình Phước) với 949,9 mm, vượt kỷ lục lịch sử cùng thời kỳ là 771,1 mm vào năm 1997. Ngoài ra, tổng lượng mưa ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là 718,2 mm, vượt kỷ lục lịch sử 662,1 mm năm 1966.
Thông tin với báo chí, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết nguyên nhân nhiều nơi ở Nam bộ và Tây nguyên có lượng mưa vượt kỷ lục lịch sử trong tháng 7 là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới ở phía Bắc hoạt động mạnh kết hợp với gió mùa tây nam có cường độ mạnh đã gây ra nhiều mưa ở các khu vực phía Nam nước ta.
Ngoài ra, với sự nóng lên toàn cầu làm cho việc bốc hơi nước vào khí quyển nhiều hơn, đối lưu mạnh hơn cũng là nguyên nhân xuất hiện lượng mưa lớn cực đoan.
Theo ông Tuấn, một nguyên nhân gián tiếp là do tác động của hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, hiện tượng này tác động đến nước ta thường trễ 2 – 3 tháng. El Nino không giống như thời tiết mà là hiện tượng quy mô lớn, tác động lâu dài, trong nhiều tháng.
Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết lấy ví dụ cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam như năm 2015 tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7; năm 2002 mưa lớn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực sông Hồng, sông Thái Bình; lũ lớn ở Trung bộ cuối tháng 9, trong đó có lũ lịch sử xuất hiện tại thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện lũ lớn kéo dài.
Hà Thành
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/vi-sao-mua-lon-o-tay-nguyen-va-nam-bo-vuot-ky-luc-lich-su-post259140.html