Cứ độ tháng 7, tháng 8 hằng năm, người dân miền Tây Nghệ An lại vào mùa thu hoạch quả bo bo. Dù công việc vất vả, phải vào rừng để hái nhưng loại hạt này đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, nuôi con ăn học.
Xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Với loại hình khí hậu đặc biệt, người dân nơi đây được hưởng lợi từ thiên nhiên với nhiều đặc sản, trong đó có quả bo bo.
Sau khi luộc xong, những quả bo bo được người dân bóc vỏ rồi sấy hoặc phơi khô.
Cây bo bo mọc khá nhiều ngoài tự nhiên, dọc các triền đồi, sông, suối, một số được bà con trồng tập trung. Với giá trị kinh tế khá cao, cây bo bo được người dân nơi đây coi là cây xóa đói, giảm nghèo. Hơn nữa, vào các tháng 4,5,6 khi một số cây trồng như lúa, ngô, khoai sọ, gừng và bí xanh mới được trồng và đang vào giao đoạn phát triển, chưa thể cho thu hoạch thì cây bo bo là nguồn thu nhập chính cho đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Kỳ Sơn trong mùa giáp hạt.
Cứ độ vào tháng 7, 8 là người dân nơi đây lại đi thu hoạch quả bo bo. Do đó, những ngày này, nhịp sống của gia đình ông Mùa Bá Chư, trú xã Tây Sơn lại tất bật hơn với việc các thành viên đều lên rừng hái quả bo bo.
Quả bo bo còn gọi là bon bo, mạc cà, cọ cà… thường mọc trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.
Theo ông Chư, cây bo bo khá cao, sai quả nên khi hái phải dùng gậy, dao để níu cành xuống, chặt lấy đoạn có quả. Sau khi chặt cành, quả được tách ra và mang về nhà. Với gần 5 ha bo bo, dự kiến năm nay, năng suất của gia đình ông đạt khoảng 30 tạ quả tươi/ha, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng. Đó là khoản tiền không hề nhỏ đối với người dân ở vùng cao, nơi đất đai cằn cỗi.
Theo người dân địa phương, hiện nay, quả bo bo tươi được thương lái thu mua từ 5 – 7 nghìn đồng/kg tùy vào chất lượng quả non hay già. Còn giá hạt bo bo đã sấy, phơi khô dao động khoảng 40 – 42 nghìn đồng/kg. Thậm chí những ngày này, hạt bo bo sấy được thương lái thu mua với giá 50 nghìn đồng/kg.
Cứ 10 kg quả bo bo tươi sau khi bóc tách, phơi khô được khoảng 3 – 4 kg hạt bo bo khô. Vì vậy người dân thường tranh thủ chế biến hạt khô để bán. Đó cũng là cách để họ kiếm thêm thu nhập.
Hạt bo bo được sây khô.
Vào mùa hè, nhiều gia đình thường huy động tất cả thành viên bóc vỏ quả bo bo. Những đứa trẻ chưa đến trường cũng được bổ sung vào “lực lượng” này. Sau đó, bà con tranh thủ trời nắng để phơi hạt, nếu hôm nào mưa thì dùng tấm nứa, các dụng cụ gác bếp để sấy khô hạt. Những hạt bo bo sau khi thương lái thu mua sẽ bán đi nơi khác làm dược liệu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có khoảng 1.121 ha cây bo bo. Trong đó, diện tích khoanh nuôi bảo vệ khoảng 672 ha, diện tích do người dân nhân rộng khoảng 257ha. Dự kiến thời gian tới, người dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây bo bo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Năm 2022, tổng sản lượng thu hoạch hạt bo bo ở huyện miền núi Kỳ Sơn đạt khoảng 722 tấn, đã mang lại cho người dân nơi đây khoản thu nhập khá. Năm 2023 dự kiến sản lượng thu hoạch bo bo sẽ cao hơn năm ngoái, giá bán cũng sẽ cao hơn. Đồng nghĩa với việc bà con vùng cao sẽ có thêm thu nhập từ loại quả mọc trên rừng này. Với bà con đồng bào miền núi đó là khoản tiền lớn để họ trang trải cuộc sống, lo cho gia đình và nuôi con ăn học.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nhon-nhip-mua-hai-bo-bo-o-vung-cao-xu-nghe-post258856.html