Nghề hái lá tre trong rừng của người dân thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã có cách đây hơn 30 năm, giúp nhiều hộ gia đình thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, nghề “hái lộc” trời của người dân nơi đây ở hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
‘Từng có thời điểm cả làng đi hái lá tre’
Theo người dân nơi đây, nghề hái lá tre tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã có từ năm 1992. Thời điểm đó, người dân trong thôn chủ yếu mưu sinh bằng nghề đốn củi trên rừng rồi đem về rao bán ở các chợ trong vùng. Năm 1990, một số người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam làm nghề hái lá tre rồi sau đó mới “mách nước” cho người dân nơi đây cách hái lá tre và từ đó họ kiếm sống bằng nghề này.
Là người dân thôn Đồng Chiêm đã gắn bó với nghề hái lá tre đến nay gần 30 năm, bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi, chủ cơ sở thu mua lá tre) nhận thấy nghề hái lá tre kiếm “bội tiền”, hơn hẳn nghề đốn củi và đem lại thu nhập tốt nên bà quyết định chuyển sang nghề hái lá tre để kiếm sống.
Bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi) đang phơi những cân lá tre vừa thu mua.
Bà Dinh cho biết: “Những ngày đầu theo nghề, tôi mua sẵn lá tre khô rồi bán lại cho cho tiểu thương người Đài Loan. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm để bảo quản nên lá tre thường bị hư hỏng nhiều, thậm chí còn mất trắng số vốn mình bỏ ra”.
“Thời điểm đó không phải nhà nào cũng biết sấy lá tre khô. Có không ít lần tôi mua về lá tre bị hỏng, thua lỗ nhiều. Thấy làm cách này không cho hiệu quả nên tôi chủ động đặt mua lá tre tươi về tự sấy và đạt hiệu quả kinh tế từ lúc đó” – bà Dinh kể lại.
Nghề hái lá tre tại thôn Đồng Chiêm diễn ra chủ yếu vào tháng 5 đến tháng 11 trong năm. Tính ra một năm họ làm khoảng 6 tháng, những tháng còn lại họ làm nhiều việc khác để kiếm sống. Bà Dinh cho biết, vào những mùa mưa những ngọn non của cây tre “đâm chồi nảy lộc”, thậm chí những cành lá to gần bằng 2 bàn tay người lộ rõ, nên những người làm nghề hái lá tre khi thấy sẽ hái vì những chiếc lá như này đều có chất lượng cao.
Bà Dinh khi thu mua lá tre từ người dân trong làng đổ về thì bà rất cẩn thận trong khâu chọn lựa. “Những lá tre khi thu mua phải đảm bảo tiêu chuẩn không rách, lá to và dầy, không úa vàng. Đặc biệt, mỗi lá tre khi thu mua phải đảm bảo tiêu chuẩn bị kích thước 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên”, bà Dinh cho biết.
Hàng ngày, người dân thôn Đồng Chiêm, xã An Phú dậy từ rất sớm để lên rừng hái lá tre, đến đầu chiều xuống núi nhưng phải đến gần hoàng hôn mới đến cơ sở nhà bà Dinh để đổ bán lá. Bà Dinh khuyến khích người dân đi hái vì bà thu mua không giới hạn về số cân nặng. Ai có nhiều thu nhiều, có ít thu ít nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng trên từng lá.
Bà Dinh cho biết, mỗi lá tre khi thu mua phải đảm bảo tiêu chuẩn bị kích thước 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên.
Mỗi mùa vụ, trung bình hộ gia đình nhà bà Dinh xuất bán khoảng từ 50 đến 100 tấn lá tre, doanh thu ước tính mỗi vụ khoảng vài tỷ đồng. Ngoài hộ gia đình bà Dinh thu mua lá tre của người dân, tại thôn Đồng Chiêm còn một vài hộ gia đình khác cũng mở đại lý thu mua lá tre để xuất khẩu.
“Lá tre khi xuất xưởng hầu hết đều được chuyển sang Đài Loan (Trung Quốc), bởi người dân bên này họ rất ưa chuộng lá tre, họ dùng để gói truyền thống. Bởi theo quan niệm người dân Đài Loan thì khi gói bánh bằng lá tre thì vẫn giữ nguyên được mùi hương đặc trưng, sạch sẽ và dễ sử dụng. Có bao nhiêu lá tre thì người bên Đài Loan họ cũng mua, có thời điểm họ đặt hàng hẳn 1 xe container mà cơ sở không có đủ để bán…”, bà Dinh kể lại.
‘Nghề hái lá tre đứng trước nguy cơ mai một’
Dù là nghề hái ra tiền và tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, Mỹ Đức (Hà Nội), nhưng nghề hái lá tre ở hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi hầu hết thế hệ trẻ trong thôn đều đi nơi khác hoặc lên thành phố kiếm sống, tập trung đông đúc về các khu công nghiệp để làm ăn.
Đều đặn hàng ngày, người dân thôn Đồng Chiêm đi từ 6h00 sáng và đến 14h00 chiều mới cõng trên lưng bao tải lá tre đi khoảng 3km đường núi xuống tới nhà bà Dinh là khoảng 16h00 để đổ lá. Thu nhập bình quân mỗi người hái lá tre tại đây khoảng 240.000 đồng (mức giá 12.000 đến 16.000 đồng/kg lá tre).
Thôn Đồng Chiêm hiện chỉ còn lác đác vài hộ gia đình thu mua lá tre từ những người dân (đa số là người trung tuổi, người già). Gia đình nhà bà Dinh hiện là một trong những cơ sở thu mua lá tre lớn nhất trong thôn, khi vào vụ cơ sở gia đình bà Dinh có khoảng 10 nhân công làm việc (thu nhập bình quân từ 50.000 đến 100.000 đồng/ngày).
Mặc dù buôn bán có lãi nhưng ở hiện tại bà Dinh và các thành viên trong gia đình đều lo lắng khi trong làng có rất ít người đi hái sẽ dẫn đến sản lượng thu vào bị giảm sút, nguồn hàng xuất xưởng giảm kéo theo doanh thu cũng giảm nhiều.
“Như trước kia có khoảng 10 người đi hái lá tre mỗi ngày, thì bây giờ cơ sở tôi chỉ còn khoảng 5 đến 7 người. Tôi tiếc lắm nhưng mỗi giai đoạn một khác, không thể lường trước được điều gì…”, bà Dinh tâm sự.
Bà Dinh cho biết, có nhiều tiểu thương người nước ngoài có nhu cầu mua lá tre cao, nhưng do không có người hái nữa. Nếu có sẵn lá để thu hoạch thì thợ hái lá không giàu nhưng kiếm tiền cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, diện tích cây tre trên rừng ngày một bị thu hẹp, phía chính quyền nhà nước cũng cấm việc hái lá tre để bảo tồn… kèm theo việc đi lại vất vả, trèo đèo lội suối nên trong làng rất nhiều người không còn gắn bó với nghề hái lá tre nữa.
Ở hiện tại, cơ sở của gia đình bà Dinh mỗi ngày chỉ thu mua được vài chục kg lá tre khô từ dân làng đi hái. Thậm chí, để đáp ứng đủ đơn đặt hàng, bà Dinh và các thành viên gia đình phải đi hàng trăm km tới các nơi để thu mua.
Là người dân làm việc lâu năm tại cơ sơ nhà bà Dinh, bà Vũ Thị Thanh (69 tuổi) đều đặn hàng ngày sáng đi 6h00 và đến 14h00 chiều cõng trên lưng bao tải lá tre đi khoảng 3km đường núi xuống tới nhà bà Dinh là khoảng 16h00. “Khi đổ lá cho nhà bà Dinh thì tôi bán được từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg, phụ thuộc vào chất lượng lá ngày hôm đó”, bà Thanh tâm sự.
Vào cuối chiều hàng ngày, hàng chục cân lá tre được vận chuyển về cơ sở thu mua nhà bà Dinh.
Lá tre được cân lên để chủ cơ sở thanh toán tiền cho nhân công sau một ngày lao động mệt nhọc.
Hàng cân lá tre được rửa sạch sẽ trước khi cho vào những chiếc kẹp tre mang đi phơi cho ráo nước.
Kẹp tre được chuẩn bị sẵn và sau đó chỉ cần kẹp lá tre vào mang đi phơi là xong.
Từng lá tre tươi được nhân công kẹp vào gậy tre và sau đó mang đi phơi cho ráo nước, ráo nước rồi mới đem đi sấy cho khô rồi mới đóng hàng xuất khẩu.
“Ngày hôm nay tôi hái được khoảng 20kg lá, nhiều hơn so với hôm khác vài kg nên ước tính tổng thu nhập hôm nay khoảng 240.000 đồng. Hiện trong làng hiện chỉ còn người trung tuổi với người già làm nghề hái lá tre. Một tuần tôi chỉ cố gắng đi được 4 ngày, mấy ngày còn lại nghỉ lấy sức. Vào mùa Đông còn đỡ chứ mùa hè này vác nặng mất sức lắm”, bà Thanh cho biết.
Để hái được những cân lá tre đạt chất lượng tốt bán lại cho các cơ sở thu mua, những người nông dân thôn Đồng Chiêm đã phải dậy từ rất sớm và về lúc hoàng hôn. Công việc nặng nhọc vất vả nhưng vì miếng cơm, manh áo mà người nông dân nơi đây vẫn cố bám trụ với nghề. Cái nghề mà ở hiện tại người dân nơi đây đang lo lắng sẽ bị mai một.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nhung-nguoi-ho-bien-la-tre-trong-rung-thanh-tien-post258665.html#p-4