Từ rất lâu, trà đá vỉa hè đã trở thành thói quen và một nét riêng đặc biệt ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Bởi vì, đi đâu quanh thủ đô, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc này.
Trà đá vỉa hè xuất hiện từ khi nào?
Theo một số nhà nghiên cứu, khái niệm trà đá vỉa hè manh nha từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Nguồn cơn bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX, thời điểm thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội. Vì thời tiết miền Bắc khác biệt rõ rệt với miền Nam, khí hậu nóng bức vào mùa Hè nên để bảo quản thực phẩm và duy trì thói quen dùng đá như ở Pháp, chính quyền thực dân đã cho xây nhà máy sản xuất nước đá ở phố Trần Nhật Duật. Nhà máy này cung cấp đá cho quân đội, các khách sạn, quán rượu… khi đó người dân Hà thành không mấy quan tâm vì cũng không biết dùng đá vào việc gì.
Trà đá vỉa hè là thói quen thường ngày của người Việt, trở thành nét văn hóa của người dân Thủ đô Hà Nội.
Phải cho đến những năm đầu 1920, ở khu vực phía tây hồ Gươm (hiện tại là phố Lê Thái Tổ) xuất hiện các quán bán kem cốc ven hồ. Khi khách ăn xong, người bán hàng hay rót cốc nước, cho vào vài viên đá rồi thêm 1 giọt bạc hà để khách tráng miệng. Kể từ đó, người dân Hà Thành bắt đầu làm quen dần với nước đá lạnh.
Đến những năm sau 1930, người dân Thủ đô đã dần quen thuộc hơn với ẩm thực Pháp, vì thế họ bắt đầu dùng nước uống có đá như: nước chanh, nước cam, sữa hay cà phê đá. Từ đó người dân Hà Nội dùng trà đá thường xuyên hơn, để giải tỏa cơn khát trong những ngày Hè oi bức. Vì lẽ đó, giai đoạn này có thể coi là khởi điểm của những quán trà đá vỉa hè ngày nay.
Hà Nội có 36 phố phường với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, khi đi qua mỗi phố, mỗi phường, người ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh “túm năm tụm ba” ở những quán trà đá vỉa hè với những chiếc ghế màu xanh, màu đỏ… Dù trời mùa đông hay mùa hè, mát mẻ hay oi bức, bất kể nam hay nữ đều có thể tụ tập ở những quán trà đá vỉa hè như một thói quen hay như một loại sở thích.
Trà đá vỉa hè rất đơn giản, chỉ cần một chiếc bàn nhỏ, dăm ba chiếc ghế cùng ít đồ bán phụ thêm như dăm ba chiếc lọ đựng bánh kẹo, vài chai nước, thuốc lá, thuốc lào… là đã thành một quán trà đá.
Ngồi trà đá vỉa hè không đắt đỏ hay tốn kém, chỉ từ mức giá 3.000-5.000 đồng thì bất kể người già, người trung tuổi hay thanh thiếu niên đều có thể ngồi “chém gió”, nhìn ngắm phố phường nhộn nhịp kẻ qua người lại. Bên những cốc trà đá lạnh, cùng đĩa hướng dương, người ta có thể tám chuyện đủ mọi chủ đề, từ cổ chí kim, từ đông sang tây và thậm chí không ít những cuộc đàm phán, thương lượng… diễn ra ngay tại quán trà đá.
Nói về văn hóa trà đá vỉa hè, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Hà Nội ngày càng phát triển thì lượng người càng trở nên đông đúc hơn, mật độ dân số tăng lên, thành phần xã hội cũng thay đổi. Có những người ở quê ra thành phố, có những người ở bộ đội về giải ngũ… cho nên phong cách của họ dân dã. Theo thời gian, thói quen ngồi trà đá vỉa hè của người Việt Nam đã thành một cái nết, đến lúc nào đó người ta cảm thấy nó cũng có cái hay, giúp giải quyết những vấn đề quan hệ xã hội trong một đô thị mà chúng ta cũng phải nói là còn rất nhiều khó khăn. Từ đó, nó dần dần trở nên tràn lan rồi trở thành nét văn hóa thực sự trong cuộc sống”.
Ngồi trà đá vỉa hè là thói quen và sở thích của nhiều người.
Nơi khơi nguồn những câu chuyện đời đầy thú vị
Với nhiều người dân ở Hà Nội, ngồi trà đá vỉa hè không đơn thuần là dùng trà và ăn “tóp tép” những hạt hướng dương béo ngậy, mà ngồi trà đá vỉa hè họ có thể chia sẻ với nhau những câu chuyện vui, những mảnh chuyện buồn. Trà đá vỉa hè như sợi dây gắn kết tình bạn, nơi giao thoa những của con người bình dân, giản dị. Nhiều người còn coi những quán trà đá là điểm hẹn. Bên ly trà đá mát lạnh cùng đôi ba câu chuyện tán gẫu, vậy mà người ta cũng có thể làm xôn xao cả một góc phố nhỏ.
Một chủ quán bán trà đá tên Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bán trà đá ở đây đã hơn 10 năm, phục vụ hàng trăm, hàng ngàn người lao động dừng chân tại quán để nhâm nhi vài ly trà nóng hoặc trà đá. Có những vị khách tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa ghé vào quán để thư giãn. Cũng có những khách thập phương trên đường đi thì tiện ghé vào quán của tôi để dùng trá đá giải khát. Lại có những khách ngồi cả buổi chỉ để tán gẫu hay đánh cờ…
Thời điểm mới mở quán, lượng khách còn rất ít, tuy nhiên đến nay cửa hàng của tôi rất đều khách. Dù quy mô quán nhỏ nhưng khách hàng tìm đến nhiều và như trở thành một điểm đến quen thuộc của họ sau mỗi giờ làm việc”.
“Ở Hà Nội, ngồi trà đá có lẽ đã trở thành một nét riêng biệt, bởi như các bạn cũng biết ở Hà Nội đâu đâu có vỉa hè là ở nơi đó thấy quán trà đá. Mỗi cốc trà đá tuy chỉ có giá từ 3.000 – 5.000 đồng nhưng nó vẫn có thể giải tỏa cơn khát và sự nóng bức của mùa Hè tại Hà Nội đất chật người đông này”, chủ quán trà đá cho hay.
Trà đá vỉa hè là nơi mọi đối tượng khách có thể tới lui.
Nói là trà đá vỉa hè, nhưng ở đây cũng có đủ loại thức uống. Ngoài đồ uống “chủ lực” là trá đá, còn có nước vối, nhân trần, trà bát bảo, các đồ uống có ga và nước đóng chai khác… để các thực khách có thể thoải mái lựa chọn.
Nói trà đá vỉa hè mang một nét rất riêng của Hà Nội rất đúng. Bởi vì, không chỉ du khách thập phương đến thủ đô, mà ngay cả những du khách quốc tế họ cũng tỏ ra rất tò mò, thú vị với loại hình dịch vụ công cộng như thế. Không ít khách du lịch “bụi”, rồi “tây balo” cũng sà vào các quán trà đá vỉa hè ở Hà Nội để thưởng thức và trải nghiệm.
Nhiều người hay nói vui đùa rằng, các quá trà đá vỉa hè là những “trung tâm tin tức”. Khi ghé vào những quán trà đá vỉa hè, người ta có thể bắt gặp đủ mọi thành phần trong xã hội, từ người lao động, học sinh, sinh viên đến nhân viên văn phòng…. từ thanh thiếu niên, trung niên đến người cao tuổi. Tại quán trà đá vỉa hè, các thực khách xích lại gần nhau, họ là cầu nối của những câu chuyện, có thể chia sẻ luận bàn về mọi chủ đề từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị… đến ẩm thực. Không ít những truyền thuyết, những anh hùng, nhân vật lịch sử, những bài thơ, bài văn… được kể lại và truyền miệng ở những nơi như thế này, mang lại cả niềm vui và suy tư của các vị khách. Mỗi quán lại có sự thú vị khác nhau, tạo nên một nét riêng của trà đá vỉa hè Hà Nội.
Tạm khoan bình luận trà đá vỉa hè đẹp hay xấu, trà đá vỉa hè vừa là nơi mưu sinh vừa có thể coi là điểm dừng chân của không ít người lao động sau những giờ làm việc đầy mệt nhọc.
Cũng không phải ai khi ghé vào quán đều để buôn chuyện, có những người khi ghé vào quán trà đá vỉa hè chỉ với mục đích tìm sự bình yên, thư thả, nhâm nhi cốc trà đá nhằm giải tỏa áp lực trong cuộc sống đầy xô bồ. Có những quán trà đá vỉa hè, những thực khách không rôm rả bàn tán chuyện đời, chuyện người mà ở đây mỗi người mỗi việc, người thì phì phèo điếu thuốc lá, người thì lặng lẽ nhâm nhi chén nước chè đặc hay cốc trà đá. Sự yên ắng và trầm tư của những vị khách trong thời khắc những ngày cuối thu, đầu đông ở Hà Nội cùng thời tiết se lạnh với hè đường phủ đầy lá vàng tạo nên những khung cảnh đẹp đến lạ…
Dù xã hội có phát triển thì một số người dân ở Hà Nội sẽ không bỏ quên được thói quen ngồi trà đá vỉa hè.
Anh Nguyễn Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm công việc tự do nên hay có thói quen ngồi trà đá vỉa hè, nhất là vào khung giờ nghỉ buổi trưa. Ngồi trà đá không sang trọng nhưng cho tôi cảm giác thư thả, thoải mái sau những giờ lao động vất vả. Ngồi trà đá đôi khi đem lại niềm vui cho tôi bởi có những chủ quán khá vui tính, họ còn hát tặng khách hàng và tiếp chuyện rất nhiệt tình nên tôi cảm thấy rất vui và như một thói quen phải ghé vào quán trà đá ít nhất là một lần trong ngày”.
Xã hội ngày càng phát triển, con người ta được tiếp cận với những tiện nghi hiện đại trong cuộc sống. Nhiều người có điều kiện và lựa chọn ăn uống ở những không gian sang trọng, hiện đại như các hàng hàng, khách sạn hay các quán cafe wifi, phòng lạnh… Tuy nhiên, vẫn còn không ít người thích thú với những thứ bình dị, mộc mạc như việc ngồi quán trà đá vỉa hè để được sống chậm, để ngắm nhìn dòng người xuôi ngược trên phố, để tận hưởng và lưu giữ nét rất riêng biệt của người Hà Nội.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/tra-da-via-he–noi-khoi-nguon-nhung-cau-chuyen-doi-day-thu-vi-post255848.html