TRẦN BẢNG VÀ DUYÊN NGHIỆP CHÈO

15:24 | 19/07/2023

Trần Bảng sinh năm Bính Dần 1926 trong một gia đình Tây học và văn chương nổi tiếng, cha là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột là nhà văn Khái Hưng, hai trong những chủ soái của Tự Lực Văn Đoàn.


Hơn hai mươi tuổi ông đã đỗ tú tài Tây, thông thạo Hán Nôm và tiếng Pháp, sau này ông sử dụng được các ngoại ngữ Anh, Nga, Đức. Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp với hoạt động viết, diễn kịch nói ở đội Tuyên truyền Sao Mai xã Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng quê hương rồi Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương trên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, từ tổ kịch Trần Bảng được đưa sang phụ trách tổ chèo và hơn 70 năm qua ông đã gắn bó thuỷ chung như nhất với bộ môn sân khấu dân tộc thuần khiết này, trở thành một thương hiệu chèo lừng lẫy. Trò chuyện với tôi, GS.NSND Trần Bảng nói rằng chèo chính là duyên nghiệp của cuộc đời ông…

DÂY TƠ HỒNG AI KHÉO XE MÀ VẤN VÍT
Trước khi lên Việt Bắc, gần như Trần Bảng chưa biết gì về chèo dù thời thơ ấu có đôi lần được xem chèo tuồng sân đình khi từ Hà Nội về thăm quê. Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương thành lập cuối năm 1951 ở bến Canh Nông, Tuyên Quang hồi ấy hội tụ những tên tuổi cự phách của văn nghệ kháng chiến như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). Tuy chia làm ba tổ kịch, ca múa nhạc và chèo nhưng khi dựng tiết mục cả Đoàn đều chung tay vào làm, vì vậy đòi hỏi các nghệ sĩ của Đoàn là ngoài tinh thông một nghề còn phải học thêm để biết nhiều nghề. Đặc biệt với chủ trương phục hồi vốn cổ dân tộc rất mạnh mẽ của Đảng từ 1950, Đoàn đặt ra một kỷ luật là giờ đầu mỗi buổi sáng cả đoàn phải tập trung học hát chèo. Thế là Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Song Kim cùng với Trần Bảng đều trở thành học trò của các nghệ nhân Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam. Nhờ đó, chàng trai trẻ từng say mê bi kịch Hy Lạp, kịch cổ điển và nhạc lãng mạn Pháp bắt đầu nhập tâm và đắm đuối những sa lệch chênh, sa lệch bằng, luyện năm cung, đường trường phải chiều, lới lơ, đào liễu, con gà rứng, tò vò, trầm tình… những Lão say, Hề mồi, Hề gậy, Suý Vân, Thị Màu…Cuối năm 1952, để chuẩn bị phục vụ một hội nghị lớn của Trung ương, Đoàn được Ban Tuyên huấn Trung ương yêu cầu dàn dựng vớ kịch Dân cày vùng lên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cả đoàn dồn sức vào tập vở kịch do nhà thơ Thế Lữ đạo diễn. Nhận thấy tổ chèo còn rảnh rỗi, Trần Bảng nảy ra ý định làm thêm một vở chèo từ câu chuyện có thật ông chứng kiến trong chuyến đi thực tế tại Bắc Giang. Được sự ủng hộ của lãnh đạo đoàn và các nghệ sĩ chèo, ông đã kết hợp với các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương viết đề cương và dựng vở Chị Trầm, sau này được coi là vớ chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Bất ngờ là đầu năm 1953, khi về ATK duyệt tiết mục phục vụ hội nghị thì vở được chọn chính thức không phải là vở kịch do trên đưa xuống mà là vở chèo Chị Trầm. Đêm công diễn Chị Trầm ở ATK, Bác Hồ đã cùng các đ/c Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng đến xem, Vở chèo tả cuộc đời của nhân vật Trầm từ một người đi ở cho địa chủ bao nhiêu tủi khổ được cách mạng giải phóng, được tự do làm ăn hội họp vui vè, dù còn mộc mạc đơn sơ nhưng rất được hoan nghênh. Vở diễn kết thúc, Bác Hồ yêu cầu mở màn lại, trực tiếp bước lên sân khấu thưởng kẹo cho các nghệ sĩ và khen ngợi: Phường chèo này hát hay lắm!. Hôm sau, Tổng Bí thư Trường Chinh dành hơn 2 tiếng đồng hồ gặp Đoàn nói chuyện về ưu khuyết điểm của Chị Trầm và Trần Bảng với tư cách là người phụ trách Đoàn và tác giả vở diễn đã vinh dự được Bác Hồ mời cơm. Trong bữa cơm cùng Bác với anh hùng Nguyễn Thị Chiên và bác sĩ Trần Hữu Tước, Bác Hồ khen Trần Bảng còn trẻ mà đã biết yêu vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc và ân cần căn dặn: “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo”. Dây tơ hồng của Trần Bảng với nghệ thuật chèo đã được Bác, Đảng và kháng chiến khéo xe như thế nên đã trọn đời vấn vít cùng ông.

MỘT SỰ NGHIÊP CHÈO LỪNG LẪY
Trần Bảng kể rằng trong buổi đầu đến với chèo, ông đã được các bậc đàn anh văn nghệ đất nước hết mực khích lệ. Nhà văn Hoài Thanh từng nói với ông: “Chèo tuyệt lắm, cậu cứ làm đi, tôi tin chắc rồi cậu sẽ mê loại hình nghệ thuật này”. Còn cụ Thế Lữ thì quả quyết: “Gắn bó với chèo, chèo sẽ cho anh một sự nghiệp”. Đúng như tiên tri của họ, càng làm, càng gắn bó với chèo, Trần Bảng càng mê đắm và ông đã có một sự nghiệp chèo thật sự lừng lẫy.

Trần Bảng thưòng nhắc tới những ngày ông phụ trách Ban Nghiên cứu chèo của Bộ Văn hoá những năm 1957-1960. Đó là lúc các nghệ sĩ tài danh của tứ chiếng chèo Đông, Đoài, Nam, Bắc như Trùm Thịnh, Trùm Bông, Cả Tam, Dịu Hương, Năm Ngũ, Minh Lý, Bạch Tuyết…được tụ hội về trên một không gian sân khấu sân đình truyền thống cùng nhau diễn Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Chu Mãi Thần…Cả một thế giới chèo hiện ra trước mắt ông “Trong sáng lạc quan, hài hước mà trữ tình, ngây thơ mà minh triết với những hình tượng nghệ thuật đẹp vừa kỳ lạ lại vừa thân quen”. Đối với Trần Bảng, đó là những ngày hạnh phúc không thể nào quên, lúc ông hoàn toàn bị những vẻ đẹp chèo tinh khiết chinh phục và quyết tâm theo đuổi đến cùng bộ môn sân khấu tuyệt diệu này của dân tộc.

Cho đến nay, sau hơn 70 năm tự tin, cần mẫn lao động sáng tạo trên chiếu chèo, Trần Bảng đã có những thành tựu khó ai bì kịp ở cả ba tư cách: soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận. Ông là tác giả của các vớ chèo nổi tiếng: Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Câu chuyện tình 80, Máu chúng ta đã chảy…Ông là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 20 vở diễn được đánh giá cao, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới như Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Trinh Nguyên, Từ Thức, Nàng Thiệt Thê (chèo cổ), Lọ nước thần, Đôi ngọc truyền kỳ, Tống Trân Cúc Hoa (dân gian), Tô Hiến Thành (lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng (hiện đại)… Ông cũng là nhà nghiên cứu lý luận chèo hàng đầu. Bốn cuốn sách ông đã công bố: Khái luận về chèo, Kỹ thuật biểu diễn chèo, Chèo – Một hiện tượng sân khấu dân tộc, Trần Bảng đạo diễn chèo là bốn công trình tổng kết học thuật công phu, tâm huyết, sáng tạo. Đó là những công trình đã xây dựng nên hệ thống lý luận khá hoàn chính về nghệ thuật chèo, từ những nguyên tắc mỹ học, phương pháp sáng tạo tổng thể đến nghệ thuật diễn viên, nghệ thuật đạo diễn, vừa uyên bác, toàn diện vừa sinh động cụ thể, vừa rọi sáng quá khứ vừa khai mở tương lai, đã trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường không chỉ của nhiều thế hệ chèo mà còn của giới sân khấu truyền thống nói chung.

Sự nghiệp của Trần Bảng đã là một phần quan trọng của nghệ thuật chèo và sân khấu Việt Nam thời hiện đại. Ông rất xứng đáng với học hàm Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (1993) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 2017.

DAY DỨT KHÔN NGUÔI CỦA ÔNG TRÙM CHÈO THỜI NAY
Trong cuốn sách mới nhất được ông hoàn thành năm 2007, năm 82 tuổi, “Trần Bảng đạo diễn chèo”, Trần Bảng đã hơn một lần đặt câu hỏi: “Tại sao chèo hiện đại chưa sản sinh ra được những hình tượng nghệ thuật ngang tầm với những Lão say, Suý Vân, Thị Màu…của chèo cổ?”. Đó là nỗi day dứt khôn nguôi của người được coi là ông “Trùm chèo” thời nay.

Trần Bảng không ngần ngại thừa nhận rằng hai vở chèo nổi tiếng, được hâm mộ một thời của ông, từng được Giải thưởng Nhà nước như “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả”, thực chất chỉ là các “vở kịch nói pha các làn điệu chèo một cách vụng về”. Ông tâm sự: ngay một vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính” do chính ông trực tiếp chỉ đạo và đạo diễn phục hồi 3 lần vào các năm 1957, 1968. 1985 thì mãi đến lần thứ 3, năm 1985, Trần Bảng mới tìm ra được chìa khoá để giải mã hình tượng trung tâm của vớ: nhân vật Thị Kính. Ấy là nhờ một lần tình cờ vãn cảnh chùa Mía, Trần Bảng đã giật mình sững sờ trước pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại đây. Trước mắt ông hiển hiện một Thị Kính với “Nét mặt thanh thản rạng lên ánh hào quang của tấm lòng từ bi hỷ xả, một đứa bé nằm trong lòng, tay chân quơ lên, ngây thơ sống động”. Trần Bảng thầm cám ơn người nghệ nhân tạo hình vô danh xưa đã nắm bắt và thể hiện thật tài tình cái thần hình tượng biểu trưng cho chữ nhân, chữ nhẫn thâm hậu của triết lý nhà Phật. Trần Bảng ngộ ra: Thị Kính không phải là người phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn của cuộc đời, không chỉ là một hình tượng dầm dề nước mắt như ông và đồng nghiệp đã từng phục dựng trên sân khấu. Thị Kính thực ra là hình tượng cho thấy oan khiên, bất hạnh dù trớ trêu, chất chồng, nghiệt ngã thế nào cũng không thể giết chết lòng trắc ẩn, sự vị tha của một con người. Vở chèo “Quan Âm Thị Kính” vì vậy, không chỉ nhằm diễn tả nỗi oan và nước mắt Thị Kính mà còn để thể hiện cái cách nhân vật này hoá giải tai hoạ của cuộc đời bằng tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng, cao cả. Trần Bảng đã cùng Nhà hát Chèo Việt Nam hào hứng dựng lại lần thứ 3 “Quan Âm Thị Kính” trong ánh sáng nhận thức mới đó. Sau gần 20 năm, sau 3 lần phục dựng, Trần Bảng và các đồng nghiệp mới trả lại được cho vở chèo cổ toàn bích này trọn vẹn giá trị đích thực của nó.

Trần Bảng cho rằng nguyên nhân chủ yếu làm chèo thời nay chưa ngang tầm với chèo cổ là bởi những người làm chèo hiện tại chưa thực sự hiểu chèo, nắm vững chèo, từ tư tưởng nhân văn dân gian chân chất hiền minh đến luật chơi riêng, tư duy riêng, phương pháp sáng tạo riêng của nó. Cơn cuồng phong của xu hướng thương mại hoá nghệ thuật đã làm tan tác môi trường chèo truyền thống. Sự bất cập tri thức nghề nghiệp, sự nguội lạnh lòng yêu nghề của những người hoạt động chèo khiến “bản năng sáng tạo bị tù hãm, trí tuệ sáng tạo bị khô cằn” lại làm chèo trở nên hời hợt, nhạt nhẽo, đầu Ngô mình Sở, đánh mất nhựa sống, đánh mất bản sắc, đánh mất khán giả. Không chỉ chưa thể ngang tầm với chèo cổ, chèo hôm nay đang đứng trước nguy cơ thui chột, mai một ngày càng nặng nề …

CẦN CUỘC CHẤN HƯNG SÂN KHẤU LẦN THỨ HAI
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà “Trùm chèo” Trần Bảng đã đăng đàn thật ấn tượng tại Hội thảo Nghệ thuật Tuồng Toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc phối hợp tổ chức đầu tháng 1/2009. Cầm tinh con hổ, “chúa tể của muôn loài”, nhưng Trần Bảng lại là con người rất dị ứng với những biểu hiện của quyền uy, với sự khoa trương, cao giọng, đại ngôn, ngay cả khi ở những cương vị quản lý vĩ mô nền sân khấu đất nước thời “cực thịnh” như Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu, Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN. Hơn 30 năm nay, kể từ khi về hưu, ông dường như ẩn mình, lặng lẽ, chuyên cần làm những công việc yêu thích: dựng vở, dạy học, nghiên cứu…

Nhưng lần này thì con người lịch duyệt, khiêm nhường ấy xuất hiện, thật quyết liệt dữ dội với một bản tham luận đầy chất hiệu triệu: “Hãy trở về với tuồng gốc”. Khi cần thiết, vì sự sống còn của đồng loại, “lão hổ” họ Trần không đành lòng “ta nằm dài trông ngày tháng dần qua” mà đã cất tiếng gầm vang.

Lý giải thái độ thơ ơ lạnh nhạt của khán giả hôm nay với nghệ thuật tuồng, không chỉ của lớp khán giả trẻ mà cả những người từng hiểu biết và say mê tuồng, Trần Bảng thẳng thắn chỉ rõ đó là do tuồng không còn khí lực, đánh mất những nét đẹp độc đáo của tuồng truyền thống. Bằng những bài học lịch sử về thất bại rõ ràng của các cuộc “cải cách” tuồng những năm 1930 và “hiện đại hoá” tuồng những năm 1980 và cả hiện nay, Trần Bảng khẳng định: “Các hình thức gọi là cải cách ấy chẳng mang lại hiệu quả gì mà chỉ làm cho di sản sân khấu quý báu này sa vào nguy cơ mai một trầm trọng hơn”. Theo Trần Bảng, lịch sử đã chứng minh tuồng chỉ thực sự phục sinh, thăng hoa khi thực hiện chủ trương khai thác di sản nghệ thuật dân tộc của Đảng và nhà nước bằng cuộc chấn hưng tuồng giữa thế kỷ XX (1955- 1965), trở về với tuồng gốc, tuồng truyền thống. Bởi vậy, ông khẩn thiết đòi hỏi: Cần thực hiện một cuộc chấn hưng tuồng lần thứ hai với phương hướng thành công của cuộc chấn hưng lần thứ nhất: trở về với tuồng gốc, để đưa tuồng ra khỏi cơn “bĩ cực” kéo dài hiện nay.

Bằng chứng xác thực, lý lẽ khúc triết, đề xuất thuyết phục, kết luận dứt khoát, bản tham luận của vị lão trượng rất được yêu mến của sân khấu truyền thống đã nhận được sự đồng cảm chia sẻ sâu sắc và hoan nghênh nhiệt liệt của toàn bộ Hội thảo. Không ít người nói: chỉ với một bản tham luận của “Trùm chèo” Trần Bảng, cái hội thảo tưởng chừng sẽ vô bổ, bế tắc như các hội thảo từng được tổ chức về cùng đề tài đã rất thành công. Mọi phức tạp, rối ren hoá ra lại thật đơn giản, sáng tỏ: chúng ta đã từng chọn được con đường đúng nhưng rồi lại lầm đường lạc lối, vần đề là quay trở lại con đường đúng đã chọn. Lịch sử lắm khi rất vòng vo, nhiêu khê là thế. Và hơn nữa, những điều Trần Bảng nói về tuồng trong hội thảo tuồng này thực ra không chỉ là những vấn đề của riêng tuồng mà cũng chính là những vấn đề nóng bỏng của chèo, của chung cả nền sân khấu truyền thống, được ông nung nấu chiêm nghiệm từ hơn nửa thế kỷ hết mình lăn lộn, sinh tử với duyên nghiệp chèo, với sân khấu dân tộc.

Tất nhiên, để có cuộc chấn hưng mới của tuồng, chèo, của sân khấu dân tộc, cần có sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư nhiều mặt của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành liên quan, sự ủng hộ, khích lệ của toàn xã hội, nhưng “Chúng ta, những người làm nghề, có trách nhiệm lớn trong sự hưng thịnh của nghề. Trước khi chờ những động thái tích cực từ các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, nghệ sĩ không thể tiêu cực ngồi chờ. Hãy lấy lại niềm tin, lòng yêu say nghề, cùng nhau đúng lên quyết tâm chấn hưng nghề tổ”, Trần Bảng thiết tha đề nghị.

Trở về với với tuồng gốc, với chèo gốc, thực sự trở về với truyền thống, không phải là một bước lùi mà là một bước tiến, một cuộc đi tới, con đường duy nhất đúng để tuồng, chèo và sân khấu truyền thống tìm thấy tương lai.
Tràn Bảng muốn nói với chúng ta như thế và chúng ta tin ông!

Nguyễn Thế Khoa

(Vô cùng thương tiếc GSNSNS Trần Bảng, tôi xin đưa bài viết về bác nhiều năm trước)

Nguồn: TCVHVN


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam