Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, là kênh tín dụng đặc biệt nhằm truyền tải nguồn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận tay đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ. Nguồn vốn cho vay đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy, tổ chức đảng; cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác tín dụng chính sách xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngân hàng CSXH huyện Cư Kuin thực hiện phiên giao dịch tại xã Ea Hu
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 10 lần so với thời điểm được thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được NHCSXH huyện triển khai cho vay đến 100% thôn, buôn trên địa bàn 8 xã, giải quyết cho gần 56.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 21.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động; xây dựng hàng ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; giúp cho trên hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào.
Người dân tìm hiểu các Chương trình thủ tục vay vốn được công khai tại điểm giao dịch xã
Chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và chất lượng giao dịch tại xã ngày càng được nâng cao và có hiệu quả. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua các năm, hiện nay, nợ quá hạn còn 84 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02% so với tổng dư nợ; trong đó 6/8 xã không có nợ quá hạn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các mô hình làm ăn có hiệu quả như: chăn nuôi bò, heo sinh sản, chăn nuôi dê; cải tạo, chăm sóc cà phê, cây ăn trái,… Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.
Mô hình nuôi trùn quế của gia đình anh Phạm Văn Tuấn ở thôn 8, xã Ea Ning
Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng của Đảng bộ huyện; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Từ những kết quả đạt được có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện CưKuin.
PV
Nguồn: TCVHVN