Hội Quán Di Sản – Đưa di sản tới đương đại

10:57 | 27/06/2023

Được coi là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, khai thác để đưa di sản ứng dụng vào cuộc sống, Hội Quán Di Sản đều đặn cho ra đời những sản phẩm thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt.


Với thông điệp “Đưa di sản tới đương đại” mỗi sản phẩm của Hội Quán Di Sản đều hướng tới mục tiêu: Khi người dân mang một vật phẩm văn hóa về nhà, tức là họ đang mang theo cả một câu chuyện lịch sử…

1. Cuối tháng 12/2022, trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, phía Hàn Quốc đã dành cho Hội Quán Di Sản một không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá vật phẩm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam tại đài quan sát trên tầng 65 của tòa nhà Lotte (Hà Nội). Thống kê sau đó cho thấy, mỗi ngày có từ 700 đến 1.000 lượt, cuối tuần có tới gần 1.500 lượt khách lên đài quan sát tham quan, chiêm ngưỡng các vật phẩm văn hóa.

Cũng chính bởi sức hút mạnh mẽ, không gian trưng bày này ban đầu chỉ dự kiến mở cửa 2 tuần, nhưng sau đó đã kéo dài thêm nhiều tháng. Tiếp đó, tháng 5/2023, trong ngày khai mạc Tuần lễ văn hóa 50 năm Việt Nam – Nhật Bản, không gian Hội Quán Di Sản tại khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam cũng đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.

Một số vật phẩm văn hóa tiêu biểu của Hội Quán Di Sản.

Theo nhà thiết kế Trần Thanh Tùng – người sáng lập Hội Quán Di Sản, đến nay, nhóm của anh đã nghiên cứu và sáng tạo ra được hơn 600 vật phẩm phái sinh, phù hợp với nhiều đối tượng trong xã hội.

Trong số này có thể kể đến bộ tượng “Đám cưới Chuột” được làm thủ công với những nét sắc sảo được chuyển thể từ tranh dân gian Đông Hồ; sản phẩm Lá đề rồng phượng thời Lý sáng tác từ mẫu nguyên bản các hiện vật tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long, nhưng được cải biến ở phiên bản mới với hai diện khác biệt, một mặt hình rồng, một mặt hình chim phượng, thể hiện tính âm dương hòa hợp trong cùng một vật phẩm. Bộ tượng Nhị vị hộ pháp thay vì cưỡi thú như mẫu cổ thì các nhà thiết kế của Hội Quán Di Sản “biến tấu” thành cưỡi nghê với một tỷ lệ cân đối và mang sắc thái biểu cảm riêng, trang phục riêng rất thú vị.

Hay như tượng “Ông Sấm”, dòng sư tử thời Lý – Trần với hoa văn uốn lượn mềm mại, tinh tế hiếm thấy được Hội Quán Di Sản tái dựng với chất liệu gốm, đồng hoặc đá. Cùng với đó là các vật phẩm tín vật Kim tượng Thích ca sơ sinh phong cách hoàng gia thời Lý, linh vật Kim hổ, Liên tỏa đốt trầm cách điệu từ lá và hoa sen… với các chất liệu, kích thước đa dạng, phù hợp với nhiều công năng trong cuộc sống hằng ngày.

“Những vật phẩm có lớp lang, có chiều sâu của di sản truyền thống Việt đã làm bất ngờ cho công chúng trong nước cũng như quốc tế. Khi đến không gian của Hội Quán Di Sản, Tổng Giám đốc Lotte Việt Nam đã phải thốt lên rằng ông rất ấn tượng và các vật phẩm đều giàu thông tin giá trị”, anh Tùng nói.

Trong vài năm qua, Hội Quán Di Sản cũng là đơn vị đã tổ chức hàng chục sự kiện văn hóa: Tò he và các trò chơi dân gian; Tranh dân gian Đông Hồ; Rồng Việt Nam… và các hoạt động tôn vinh di sản thông qua các trải nghiệm về cổ phục, trải nghiệm thực tế ảo tăng cường về quá khứ vàng son Đại Việt…

Không gian trưng bày vật phẩm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam tại tầng 65 tòa nhà Lotte Hà Nội.

2. Mặc dù có một số hoạt động nổi bật và hình thành cũng đã hơn 10 năm, nhưng Hội Quán Di Sản vẫn là một đơn vị khá “kín tiếng”.

Theo anh Trần Thanh Tùng, Hội Quán Di Sản được thành lập với mục đích bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc và di sản của cha ông để lại. Nhưng hoạt động quan trọng hơn của đơn vị là “trực quan hóa” những giá trị truyền thống đó bằng việc sáng tạo, tiếp biến nó để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống đương đại.

“Với chúng tôi, di sản không phải nằm trong bảo tàng, không phải nằm trong những bộ sưu tập khô cứng mà phải được con người đồng hành, đánh thức để đưa chúng trở lại với đời sống”, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng chia sẻ.

Tiếp nối tinh thần của tiền nhân với các giá trị “tinh, kỹ, mỹ”, Hội Quán Di Sản đã chọn hướng đi riêng để những di sản văn hóa chạm được vào trái tim công chúng. Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, ở Việt Nam chưa hề có một mô hình nào tương tự để những người “làm mới di sản” như anh Tùng có thể khai thác, học hỏi. Mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, quá nhiều khó khăn khiến Hội Quán Di Sản chỉ dám đặt mục tiêu cho 5 năm đầu tiên là “tồn tại”. Để trả giá cho 5 năm tồn tại đó, các thành viên Hội Quán Di Sản đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ thời gian, công sức và một “con số khổng lồ” về tiền bạc.

Anh Trần Thanh Tùng chia sẻ thêm rằng, không chỉ có những vật phẩm đơn lẻ, nhiều dự án dài hơi của Hội Quán Di Sản được coi là thành công. Đó là dự án đúc tượng danh tướng Việt Nam hướng tới các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dự án phục dựng pho tượng A di đà thời Lý đã đem lại số lượng phát hành kỷ lục gần 100.000 bản, đến nay đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia. Pho tượng A di đà cũng là vật phẩm chính thức tại Đại hội Phật giáo toàn quốc, tại Đại lễ Vesak 2019, trở thành vật phẩm quà tặng tại Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhận Bản mới đây. Hay như dự án tranh thờ có tính đương đại rất cao, khác hẳn với cách làm tranh truyền thống trước đây.

Sản phẩm Lá đề thời Lý và Kim tượng Thích Ca sơ sinh.

“Người nghệ nhân làm tranh dân gian mỗi tháng chỉ vẽ được một số lượng hạn chế và những bức tranh đó liệu còn có thể thích ứng được trong đời sống đương đại hay chỉ dừng lại ở trong những bộ sưu tập? Chúng tôi đã phát triển tranh thờ trở thành một sản phẩm có tính công nghệ rất cao, trong một cái bấm nút, chúng tôi đã có thể chia sẻ rộng rãi ra cộng đồng”, anh Tùng cho hay.

Điều đáng nói, rất nhiều sản phẩm của Hội Quán Di Sản đã được bán ra thị trường với giá không hề rẻ. Những thành viên của Hội Quán Di Sản tâm niệm, sản phẩm văn hóa không phải là thứ chỉ cho tặng như cách nghĩ lâu nay mà phải bán được. Bởi đây chính là “công cụ” để xã hội đánh giá sản phẩm văn hóa một cách công bằng, chính xác nhất.

Các bạn trẻ trải nghiệm cổ phục tại không gian Hội Quán Di Sản trong Tuần lễ văn hoá 50 năm Việt Nam – Nhật Bản.

3. Mặc dù vậy, cho đến bây giờ, những người làm về văn hóa như Hội Quán Di Sản vẫn gặp không ít khó khăn, rào cản. Như anh Tùng chia sẻ, nhận thức của xã hội về văn hóa truyền thống còn hạn chế; người dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam dẫn đến hiểu biết còn mơ hồ, ứng xử với di sản lệch lạc. Ngay cả tư duy của những người làm nghề, những người quản lý văn hóa cũng chưa đầy đủ khiến các anh nhiều khi cảm thấy đơn độc bởi môi trường hoạt động cho những người làm văn hóa còn chưa tốt, thiếu sự kết nối, thiếu sự định hướng, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng giả, hàng nhái, nạn ăn cắp bản quyền cũng khiến Hội Quán Di Sản đau đầu. Và việc thiếu một thị trường đủ lớn, thiếu những nguồn lực về hạ tầng sản xuất, công nghiệp phụ trợ yếu kém, khiến giá thành sản phẩm đội cao, rủi ro trong đầu tư cũng là rào cản không nhỏ.

“Chúng tôi thuận lợi hơn so với nhiều đơn vị khác vì chúng tôi có một thứ rất quan trọng, đó là chuyên môn. Còn những đơn vị khác đối mặt những khó khăn đó liệu họ có đi được lâu dài hay không? Nhưng chúng tôi cho rằng, bất cứ lĩnh vực nào cũng có khó khăn. Cuộc chơi không dành cho những người thiếu tính kiên trì và chúng tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng”, anh Tùng chốt lại.

T.Toàn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/hoi-quan-di-san–dua-di-san-toi-duong-dai-post252576.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám