Loạt bài “Khó khăn khi sáp nhập thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa – nhìn từ thực tiễn” không chỉ phản ánh các vấn đề nóng liên quan đến sáp nhập thôn, đang được dư luận xã hội quan tâm mà còn góp phần làm thay đổi chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Loạt bài “Khó khăn khi sáp nhập thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa – nhìn từ thực tiễn” của nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn – Trần Văn Quốc – Nguyễn Thị Hường – Quách Hà Đương – Hà Ngọc Mai – Báo Nhà báo và Công luận đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII – năm 2022. Điều này thể hiện sự ghi nhận của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia với những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đầu tư, tâm huyết, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Lắng nghe những “tiếng nói từ cơ sở”
Phản ánh về vấn đề khó khăn khi sáp nhập thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhóm phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã dành nhiều tháng đi ghi nhận thực tiễn tại một số tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa của khu vực phía Bắc, để lắng nghe phần nào những “tiếng nói từ cơ sở” xung quanh vấn đề này.
Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng, các địa phương đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số thôn, tổ dân phố và xây dựng đề án về sáp nhập thôn, tổ dân phố. Việc sáp nhập này nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải C cho đại diện nhóm phóng viên báo Nhà báo và Công luận. Ảnh: Sơn Hải
Tuy nhiên, trên thực tế ngoài những kết quả đạt được thì việc áp dụng “rập khuôn” các tiêu chí tại Thông tư 04/2012/TT-BNV (sau đó, Bộ Nội vụ đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2012/TT-BNV; mới đây nhất là lần sửa đổi, bổ sung vào tháng 5/2022 – Thông tư 05/2022/TT-BNV) của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố khiến nhiều địa phương đang tự “làm khó” mình, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, từ đó nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc sáp nhập thôn tại các địa phương chủ yếu căn cứ vào 3 yếu tố chính đó là: Quy chuẩn về số hộ dân, diện tích và bản sắc văn hóa tương đồng. Việc thành lập thôn mới tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 150 hộ gia đình trở lên (trước đây quy định từ 200 hộ); thôn ở xã biên giới phải có từ 100 hộ trở lên.
Đối với các thôn có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định này thì phải sáp nhập. Trường hợp “đặc thù” thì quy mô thôn có từ 50 hộ gia đình trở lên… Nếu “áp” theo “khung” chung thì việc sáp nhập thôn, xóm ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện công tác này.
Loạt bài đã nêu thực tế những khó khăn, trở ngại rất lớn trong việc sáp nhập những thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa là do địa bàn quá rộng, địa hình bị chia cắt, giao thông khó khăn, dân cư sống rải rác…Để tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân là cả “bài toán khó”.
Nhóm phóng viên đã đi và ghi nhận thực tế tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn; xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng – đều là những địa bàn có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Tại những nơi này, còn nhiều khó khăn và việc thực hiện sáp nhập thôn, xóm ở nơi đây đã bộc lộ những bất cập từ việc đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của thôn như Bộ Nội vụ hướng dẫn, khó khả thi. Trong khi đó, việc khác biệt trong nét văn hóa của các dân tộc sinh sống tại các thôn được “ghép” lại cũng là bất cập hiện hữu cần được xem xét, giải quyết.
Một góc thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Nhóm phóng viên cũng nêu một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần điều chỉnh cho phù hợp để phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn. Tại các nơi nhóm phóng viên đến, qua lắng nghe ý kiến từ các Bí thư Chi bộ thôn, lãnh đạo Đảng ủy các xã đều thấy rằng, địa bàn những thôn, xóm nơi được sáp nhập quá rộng, rất khó khăn trong việc tuyên truyền trực tiếp cho người dân về các chủ trương, chính sách. Mặc dù đã sáp nhập xóm (tương đương tổ chức thôn) nhưng bà con nhân dân vẫn sinh hoạt “xóm nào vào xóm đấy” như trước đây.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là giữa các thôn, các dân tộc khác nhau, địa giới hành chính quá xa, khi sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Chi bộ, cũng như công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ khó được “trọn vẹn” như trước. Cũng do địa bàn quá rộng, không gần dân, “sát” dân nên khó phát huy được vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Chi bộ thôn. Bài viết cũng phản ánh một thực tế, sau sáp nhập thôn, xóm thì “nơi thừa, nơi thiếu nhà văn hóa thôn”, không đảm bảo cơ sở vật chất cho mọi hoạt động của Chi bộ, các đoàn thể và nhân dân.
Phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng chính sách
Bài viết đã nêu vấn đề: Sau sáp nhập thôn, công việc của các “cán bộ không chuyên trách” nặng nề hơn nhưng chế độ, phụ cấp thì vẫn giữ nguyên khiến nhiều người băn khoăn. Bởi vậy, một số nơi rất khó tìm ra “cán bộ” thôn tâm huyết để gần dân, sát dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân. Từ vấn đề nêu trên thì bài toán chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn thực sự nan giải tại các địa phương.
Ngoài nội dung về thực tiễn ở địa phương, nhóm cũng phỏng vấn xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ từ đó đưa giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế giúp cho việc thực hiện công tác sáp nhập thôn, xóm đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng cũng phù hợp với thực tế từng địa phương.
Đồng chí Hoàng Văn Vậy (áo xanh), Bí thư Chi bộ xóm Minh Khai, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về những băn khoăn đối với chế độ phụ cấp dành cho “cán bộ” thôn, xóm.
Sau khi Báo Nhà báo và Công luận đăng tải loạt bài đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã bày tỏ sự ghi nhận loạt bài phản ánh sát thực tiễn, nói lên những tiếng nói “phản biện” chân thực, sống động từ cơ sở.
Trả lời báo Nhà báo và Công luận, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nêu rõ loạt giải pháp để thực hiện sắp xếp thôn, tổ dân phố trong thời gian tới, khắc phục những bất cập, khó khăn như báo Nhà báo và Công luận nêu. Đặc biệt, Bộ Nội vụ đang xây dựng hồ sơ Nghị định, đề xuất sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trong đó, có liên quan đến chế độ chính sách “cán bộ” thôn sau khi sáp nhập mà Báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng thông tin, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, Bộ sẽ có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tổng kết lại toàn bộ quá trình thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về thôn, tổ dân phố. Trong đó, có cả chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách, việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trong thời gia qua; để xem có bất cập, vướng mắc, khó khăn gì và đề xuất sửa đổi trong Thông tư, quy định, đặc biệt là Thông tư 04/2012/TT-BNV như Báo Nhà báo và Công luận đã nêu.
Nhóm PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/bao-nha-bao-cong-luan-doat-giai-c–giai-bao-chi-quoc-gia-lan-thu-xvii–nam-2022-post252520.html