Trong rất nhiều dấu ấn mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã để lại trên đất Pháp trong những năm tháng sống và đấu tranh, tìm kiếm độc lập, tự do cho đất nước hình chữ S, có dấu ấn đậm nét trên “mặt trận báo chí”.
Từ một người không giỏi tiếng Pháp, chưa biết nhiều về báo chí, người thanh niên Việt đã nhanh chóng trở thành một nhà báo với “phong cách báo chí Nguyễn Ái Quốc” được đông đảo độc giả chú ý, trở thành một cộng tác viên tín nhiệm của nhiều tờ báo cách mạng và tiến bộ tại Pháp.
Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt.
Thuở ban đầu “viết rất khó khăn” và những bài báo đầu tiên
Những năm 1917-1918 vừa đặt chân lên đất Pháp cũng là những tháng ngày nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên thực sự có cơ hội tiếp cận với hoạt động báo chí. Rất nhanh chóng, nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng báo chí sẽ là một trong những vũ khí hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tìm kiếm con đường cứu nước của mình.
Hiểu rõ mục tiêu nên Nguyễn Ái Quốc ngay thời điểm đó, dù vừa phải làm việc để mưu sinh, điều kiện thiếu thốn, khó khăn mọi bề, người thanh niên yêu nước vẫn dành nhiều thời gian cho việc học tiếng Pháp, song song với việc học viết báo. Trần Dân Tiên trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã kể lại buổi đầu học viết báo của Nguyễn Ái Quốc như sau: “Ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người Chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm, sáu dòng cũng được”. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy (…). Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó”.
Ngoài ra, như lời kể của Bác tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959): “Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn”.
Trong chuyện học viết báo trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn có cho mình những người hướng dẫn làm báo, sau hết sức tận tình như Jean Laurent Frederick Longuet – cháu ngoại của Karl Marx hồi đó đang là Chủ nhiệm báo Populaire (Dân chúng), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp, ông Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, chủ bút báo La Vie d’Ouvriers (Đời sống thợ thuyền)…
Từ những sự chỉ dẫn quý báu ấy cùng nỗ lực không ngừng, rất nhanh, Nguyễn Ái Quốc đã vừa có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp vừa có thể viết tin, bài môt cách trơn tru. “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ”, “Yêu sách của nhân dân An Nam”… được xem là những bài báo “tầm vóc” đầu tiên của nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Và ngay từ những bài báo đầu tiên ấy, cây bút Nguyễn Ái Quốc với văn phong và lý lẽ sắc bén đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của độc giả trên đất Pháp.
Đáng chú ý, bài “Yêu sách của nhân dân An Nam” lần đầu tiên bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng, gửi các đại biểu các nước dự Hội nghị Versailles năm 1919 đã đồng thời được đăng lên 2 tờ báo xuất bản ở Paris là l’Humanité và le Populaire de Paris cùng ngày 18/6/1919. Bài “Vấn đề dân bản xứ ở Đông Dương” đăng trên báo L’Humanité – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 2/8/1919…
Dấu ấn Le Paria
Để tập hợp lực lượng và để tiếng nói của mình được lắng nghe ngay tại nước Pháp, để người dân Pháp hiểu được những gì mà chính quyền thực dân Pháp đang làm ở các nước thuộc địa thì cần phải có một tờ báo. Thấy rõ điều đó, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc quyết tâm ra một ấn phẩm báo chí thật sự của các thuộc địa bằng tiếng Pháp, để có được “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Năm 1921, khi Nguyễn Ái Quốc cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa thì mong muốn có được một tờ báo lại càng trở nên thôi thúc.
Nhưng xuất bản một tờ báo trên đất Pháp với những người sống nơi đất khách như Nguyễn Ái Quốc không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là vạn sự gian nan. Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có đoạn hé mở về sự gian nan này: “Để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn cùng các đồng chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ – Le Paria do ông là chủ bút kiêm chủ nhiệm. Ông Nguyễn được mọi người cử ra làm cho tờ báo chạy. Vì vậy, ông kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc”.
Nhiều tài liệu cho biết, trong một cuộc họp của Ban Thường vụ Hội liên hiệp thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đề nghị mỗi người tham gia sẽ đóng cổ phần là 100 phơ răng để hùn vốn ra báo. Thậm chí, Chủ nhiệm, chủ bút Nguyễn Ái Quốc đã từng thảo lá thư kêu gọi gửi nhân dân các nước thuộc địa: “Tại sao lại là Người cùng khổ?” – “Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhau, đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân chính quốc đấu tranh chống kẻ thù chung… Hãy gia nhập Hội hợp tác Người cùng khổ và hãy đặt mua dài hạn báo Người cùng khổ”.
Và ngày 1/4/1922 sau rất nhiều nỗ lực và gian truân, Le Paria (Người cùng khổ) số báo đầu tiên được xuất bản, bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. 4 năm (4/192- 4/1926, với 38 kỳ báo, Le Paria đã tạo nên dấu ấn báo chí đặc biệt trên đất Pháp thời bấy giờ, như trong bản báo cáo của mật thám Pháp cũng thừa nhận: “Báo Le Paria (Người cùng khổ) có trách nhiệm tố cáo những hành động lạm dụng chính trị, độc đoán về hành chính, những sự bóc lột về kinh tế mà những nạn nhân là dân chúng trong những vùng rộng rãi ở hải ngoại (tức là thuộc địa). Báo cũng kêu gọi họ tập họp lại để phấn đấu cho những tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính bản thân họ và mời họ vào tổ chức với mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những thế lực thống trị để thực hiện tình thương yêu và hữu ái. Và mục đích cuối cùng của tờ báo là “Giải phóng loài người!”.
Dấu ấn “phong cách báo chí Nguyễn Ái Quốc” trên đất Pháp
Ngoài việc là Chủ bút tờ báo, phụ trách biên tập, xuất bản báo, Nguyễn Ái Quốc còn cây bút chủ lực của Người cùng khổ. Việc vừa phải viết nhiều, viết theo nhiều dạng thể loại (xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật), ngoài ra còn phải viết các tiểu phẩm, truyện, ký, thậm chí còn vẽ tranh với những bức tranh châm biếm hài hước, song chứa đựng nội dung vô cùng sâu sắc, là một áp lực nhưng đồng thời giúp Nguyễn Ái Quốc có cơ hội trui rèn nghề viết và nhanh chóng xác lập được phong cách báo chí mang tên mình. Đó là cách viết tinh tế, sắc sảo, độc đáo, mang tính thuyết phục cao qua việc sử dụng các thông tin, sự kiện, số liệu hợp lý đồng thời cũng rất hóm hỉnh, thu hút.
Nói như luật sư Max Clainville Blonconrt: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt: đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem, đọc bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”…
Không chỉ viết trên “báo nhà” Le Paria, thời kỳ sống tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn cộng tác viết bài cho rất nhiều tờ báo. Những bài báo như: Phong tục thực dân, Thư ngỏ gửi ông Sarraut, Bộ trưởng Bộ thuộc địa, Đời sống đắt đỏ ở thuộc địa đăng trên báo Journal du Peuple (Báo Dân chúng); Những con người văn minh đăng trong mục báo Nhân đạo, Chế độ nô lệ kiểu mới đăng trên tờ La vie Ouvrière (Đời sống thợ thuyền)… đã xác lập ngày càng rõ phong cách báo chí Nguyễn Ái Quốc với giọng viết đanh thép, đả phá mạnh mẽ vào chính quyền thực dân, lật tẩy bộ mặt của chúng ở bản xứ, đánh tiếng chuông thức tỉnh dư luận Pháp. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã để lại ấn tượng mạnh không kém rất nhiều bài viết trên tờ L’Humanité (Nhân Đạo).
“Đa số các bài viết này đề cập đến Đông Dương, nhưng với tinh thần quốc tế cao đẹp. Nguyễn Ái Quốc cũng miêu tả cảnh cùng khổ của những người da đen châu Phi, tình hình của phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ… Với Nguyễn Ái Quốc, báo chí cộng sản phải đồng thời vừa là nhà tổ chức, vừa là nhà giáo dục. Là nhà tổ chức, báo chí cộng sản phải nhấn mạnh đến sự bổ sung lẫn nhau trong cuộc đấu tranh của công nhân Pháp và công nhân các thuộc địa. Người kết thúc mỗi bài viết bằng một lời kêu gọi hành động” – Alain Ruscio, sử gia Pháp chuyên về chiến tranh Đông Dương nhìn nhận.
Hà Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/co-mot-phong-cach-bao-chi-nguyen-ai-quoc-tren-dat-phap-post252389.html