Tranh thủ thời tiết nắng nóng, làng nghề bánh tráng ở Châu Nhân đang vận hành hết công suất để kịp làm thêm nhiều sản phẩm. Đối với những công việc khác, nhiều người ngại nắng nóng, nhưng với người làm bánh đa thì trời càng nắng to càng thích.
Những ngày này, tranh thủ trời nắng nóng, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) luôn tất bật tráng bánh để phơi. Theo người dân nơi đây, nghề làm bánh đa truyền thống của xã đã có từ lâu. Tuy nhiên, phải chục năm gần đây nghề này mới thực sự phát triển mạnh và trở thành nghề thu nhập chính của nhiều hộ dân.
Những tháng hè là thời điểm người dân tích cực sản xuất bánh. Ở trên đường đê, mọi người tất bật đưa bánh tráng ra phơi tạo nên khung cảnh lao động nhộn nhịp tại làng quê.
Người dân tất bật với công việc tráng bánh. Ảnh: Thảo Nguyên
Theo bà con địa phương, trước đây khi đang còn tráng bánh bằng nồi, phải ngồi làm việc bên bếp lửa thì những ngày nắng nóng, công việc tráng bánh quá vất vả. Nay hầu hết các hộ theo nghề trên địa bàn đều sắm dây chuyền tráng bánh bằng máy nên đỡ vất vả hơn, năng suất lao động cũng cao gấp nhiều lần.
Để kịp đón nắng, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thục (60 tuổi) cho hay phải thức dậy từ 3, 4h sáng để bắt đầu công việc tráng bánh. Cả nhà bắt tay vào làm bánh đến khoảng 10h thì xong. Những chiếc bánh mới tráng xong được đưa ra phơi giữa trời nắng to.
Người dân nơi đây tâm sự, giữa thời tiết nắng nóng đỉnh điểm người ta thường tìm nơi mát mẻ trú ẩn nhưng bà con chúng tôi thì liền tay không ngừng nghỉ. Nắng nóng khiến công việc càng vất vả hơn, thế nhưng để đủ bánh phục vụ cho khách sỉ, lẻ khắp nơi chúng tôi phải tranh thủ. Bởi đây là nghề phụ nhưng lại mang thu nhập ổn định.
Bánh đa xã Châu Nhân được làm từ gạo ngon, vừng đen, tráng bằng máy, có hình vuông và được phơi trên những tấm phên tre truyền thống. Trung bình mỗi cân gạo, người dân tráng được 20 – 25 chiếc bánh, tùy vào độ dày, mỏng, lớn, bé của bánh.
Sản phẩm bánh đa được làm từ gạo ngon, vừng đen, có hình vuông và được phơi trên những tấm phên tre truyền thống. Ảnh: Thảo Nguyên
Ông Thục cho hay, để bớt nhân công và sức lao động, gia đình đã đầu tư chiếc máy tráng bánh trị giá 130 triệu đồng. Chiếc máy này mỗi ngày có thể sản xuất được hàng tấn gạo, tuy nhiên do nhân công ít nên mỗi ngày gia đình ông sản xuất khoảng 2 tạ gạo.
Chia sẻ những nhọc nhằn giữa cái nắng hơn 40 độ C, ông Thục cho biết, công đoạn quan trọng nhất là phơi bánh, nếu được nắng thì bánh sẽ thơm và ngon hơn. Nhưng nếu trời nắng to phải canh bánh thường xuyên, bởi quá nắng chiếc bánh sẽ cứng và cong, nhìn không đẹp mắt và khó nướng. Và đặc biệt nếu quá nắng thì bánh sẽ không còn mùi thơm đặc trưng. Do đó, cứ dăm ba phút họ lại ra trở bánh một lượt.
Xác định làm tất bật vào mùa hè để tăng sản phẩm và dự trữ cho mùa đông nên vào những ngày trời nắng như thiêu đốt, các hộ dân nơi đây càng làm việc hăng say. Những năm qua, bánh đa của làng được tiêu thụ rộng khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chiếc bánh truyền thống vừa trở thành nét văn hóa, vừa tạo ra thu nhập chính cho nhiều hộ dân vùng quê này.
Thảo Nguyên
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/lang-nghe-an-nang-post252407.html