Cứ mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (hay Tết Đoan Dương), nhiều hộ dân ở làng Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội lại tất bật chuẩn bị xôi, cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu của thực khách.
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch – là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền trong quá trình làm sản phẩm rượu nếp.
Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Như thường lệ thì vào dịp Tết Đoan Ngọ, cơm rượu nếp lại trở thành món ăn được nhiều người săn đón bởi có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại. Chính vì vậy, vào những ngày này thì nhiều hộ gia đình ở làng Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội lại tất bật dậy sớm để nấu và ủ men cơm rượu nếp phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Là người có 30 năm kinh nghiệm làm cơm rượu nếp, bà Nguyễn Thị Thương Huyền (58 tuổi, người dân làng Phú Thượng) cho biết: “Năm nay do thời tiết nóng, cơm rượu nếp dễ lên men nên bà nấu muộn hơn mọi năm. Món cơm rượu nếp thường được làm từ gạo nếp ủ men và đường nên có tính ấm. Thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay, khâu ủ men là quan trọng nhất vì không cẩn thận là rượu hỏng sạch. Thường từ lúc ủ đến khi được rượu mất 1 – 2 ngày. Nếu quá, rượu sẽ cay và không ngon”.
Nói về quy trình tạo ra sản phẩm, bà Thương Huyền cho biết, nguyên liệu chính để làm cơm rượu nếp chủ yếu là gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp cẩm. Gạo sau khi được lựa chọn kỹ sẽ được ngâm vào trong nước từ 4-6 tiếng. Với gạo cơm nếp trắng thì đồ xôi hai lần còn gạo nếp cẩm nấu thành cơm vì hạt gạo cứng hơn.
Sau khi nấu chín, cơm sẽ được rải mỏng tất cả ra mâm, để nguội rồi giã men, rây men và ủ trong lá sen từ 2-3 ngày là được. Thành phẩm mỗi cân gạo sẽ làm được khoảng 1,5-1,7 kg cơm rượu nếp.
Cách đó không xa, tại hộ gia đình của bà Đặng Thị Bảy – một cơ sở chuyên sản xuất cơm rượu nếp tại làng Phú Thượng những ngày này phải thuê từ 4-5 người phục vụ làm công việc như vo gạo, thổi xôi… để kịp thành phẩm cung ứng ra thị trường.
Bà Đặng Thị Bảy chia sẻ: “Quy trình làm rượu nếp thì ai cũng biết cách làm, tuy nhiên, để làm ra rượu nếp ngon thì đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều, nếu không có kinh nghiệm thì rượu nếp nấu ra sẽ không ngon, thậm chí sẽ sượng và nát cay. Do đó, dù gia đình tôi có thuê thêm người làm nhưng phần ủ men thì vẫn do người trong nhà thực hiện”.
Dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình bà Bảy nhận đặt khoảng vài tạ cơm rượu nếp, giá dao động từ 50 nghìn đến 70 nghìn/kg. Riêng đối với nếp cẩm đắt hơn thì có giá từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg.
“Mức giá sẽ nhỉnh hơn các nơi khác là bởi cơm rượu nếp nhà tôi làm là hàng thật, thay vì trộn đường như các hàng bán đại trà. Để rượu ngọt, có người sẽ trộn đường vào. Cân lên là 1 kg rượu, nhưng thực chất phần cái chỉ được 6-7 lạng, còn lại là nước đường. Người mua cứ mua, tưởng rẻ mà hóa đắt”, bà Bảy cho biết thêm.
Hình ảnh người dân Phú Thượng làm cơm rượu nếp phục vụ Tết Đoan Ngọ
Gạo nếp cái hoa vàng, hay gạo nếp cẩm sau khi được lựa chọn kỹ sẽ được ngâm vào trong nước từ 4-6 tiếng. Đối với gạo cơm nếp trắng thì đồ xôi hai lần còn gạo nếp cẩm nấu thành cơm vì hạt gạo cứng hơn.
Công đoạn vo gạo được làm rất tỉ mỉ.
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền chia nhỏ gạo nếp ra thành từng phần.
Thành phẩm mỗi cân gạo sẽ làm được khoảng 1,5-1,7 kg cơm rượu nếp.
Gạo sau khi nấu chí sẽ được rải mỏng tất cả ra mâm, để nguội rồi giã men, rây men và ủ trong lá sen từ 2-3 ngày là được.
Thính sẽ được dã nhỏ rồi sau đó trực tiếp rắc vào rượu nếp để gây men.
Thính ủ men sẽ được người nấu rắc trực tiếp lên bề mặt của gạo nếp sau khi nấu chín và được ủ trong lá sen từ 2 – 3 ngày.
Sau các công đoạn, gạo nếp được bọc lá sen
Cơm rượu nếp đã trở thành món ăn quen thuộc của người Việt vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nguoi-dan-phu-thuong-ha-noi-tat-bat-lam-com-ruou-nep-phuc-vu-tet-doan-ngo-post252538.html