“Hiện nay, Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa cơ bản có đủ hệ sinh thái truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số của Đài trong thời gian tới”…
Đó là khẳng định của nhà báo Phạm Văn Báu – Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi về công cuộc chuyển đổi số tại Đài. Hơn 20 năm làm nghề, nhà báo Phạm Văn Báu đã đảm nhiệm nhiều vai trò từ phóng viên tới quản lý và điều người lãnh đạo trẻ trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để bắt nhịp thực sự hiệu quả với chuyển đổi số báo chí.
+ Chuyển đổi số có thể nói là từ khóa đang đứng đầu trong danh sách chiến lược của các cơ quan báo chí hiện nay. Theo ông, những yếu tố nào làm nên thành công trong công cuộc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí?
– Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất bởi chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông là sự kết hợp của cả nội dung và công nghệ, mà cả hai điều này đều liên quan mật thiết tới con người. Các cơ quan báo chí cần xác định rõ ràng rằng, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc. Bởi vì, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Và để làm được điều đó, cần có sự tham gia của tất cả các bộ phận trong một cơ quan báo chí.
Nhà báo Phạm Văn Báu – Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.
Đối với các cơ quan báo chí hiện nay, để chuyển đổi số thành công cần phải có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để người làm báo, phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng định hướng phát triển mà cơ quan mong muốn.
+ Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa (TTV) đã hiện thực hóa câu chuyện chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?
– Là cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, nhiều năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đang từng bước xây dựng hình ảnh một TTV năng động, hội nhập với báo chí truyền thông trong khu vực và cả nước. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa là đài địa phương duy nhất trong cả nước có 4 loại hình truyền thông, gồm: phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm và tổ chức sự kiện, những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa luôn nỗ lực đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của khán thính giả.
Chúng tôi đang từng bước thích ứng với xu thế chuyển đổi số bằng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái TTV với sóng phát thanh FM 92,3 MHz và kênh truyền hình TTV làm trung tâm, song hành cùng Ứng dụng Truyền hình Thanh Hóa, Trang thông tin điện tử, các hạng tầng truyền dẫn mới và mạng xã hội với tiêu chí: Chính thống – Nhanh nhạy để đưa thương hiệu TTV ngày càng được công chúng yêu mến, lựa chọn với phương châm “Ở đâu có khán giả, ở đó có TTV”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, năm 2022, chúng tôi đã hợp tác với các công ty về Internet nhằm phát triển nội dung số để nâng cấp trang thông tin điện tử https://truyenhinhthanhhoa.vn với giao diện hiện đại, thân thiện với người dùng, quy trình xuất bản tối ưu, dung lượng lớn, giúp khán thính giả xem truyền hình, nghe phát thanh và đọc tin tức trên nhiều thiết bị.
Trang thông tin điện tử của Đài đăng lại các tác phẩm phát thanh, truyền hình bằng hình thức đa phương tiện. Đặc biệt, có các dạng bài Infographics, E-Magazine, Longform, Podcast mang lại những trải nghiệm mới hấp dẫn cho độc giả của TTV.
Cùng với đó, chúng tôi cũng đã phát triển Ứng dụng “Truyền hình Thanh Hóa” tương thích với mọi loại điện thoại thông minh, máy tính bảng và tivi thông minh với nội dung đa dạng, được cập nhật mới mỗi ngày. Khán thính giả có thể xem truyền hình, nghe phát thanh trực tiếp và xem lại, nghe lại các chương trình yêu thích ngay trên điện thoại, đồng thời nhận thông báo khi có tin mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư, phát triển các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtuber, TikTok… phù hợp với xu thế hiện nay.
Hiện nay, Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa cơ bản có đủ hệ sinh thái truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số của Đài trong thời gian tới.
+ Thưa ông, trên hành trình chuyển đổi số, chắc hẳn một cơ quan báo chí địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá gặp phải không ít khó khăn?
– Xu hướng chuyển đổi số đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan báo chí địa phương như Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Khi thực hiện chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí, phải tự chủ tài chính trong điều kiện cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao.
Ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội từ đó nguồn thu quảng cáo giảm mạnh do khó khăn của nền kinh tế và sự dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.
Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tốt, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác…) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Trong đó, điều kiện tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ còn nhiều hạn chế. Bối cảnh đó, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương phải có chiến lược cụ thể, chủ động triển khai các biện pháp để thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận, quy trình làm việc, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo về chuyển đổi số báo chí.
Trong quá trình chuyển đổi số, khó khăn chủ yếu của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa là kinh phí, con người và thiết bị, đó là hiện nay Đài Thanh Hóa đã phải tự chủ về kinh phí chi thường xuyên trong khi nguồn thu quảng cáo giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới không có kinh phí để đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ, hiện đại.
Nguồn nhân lực tuy đông về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế, thiếu các vị trí nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ phóng viên có kỹ năng làm các sản phẩm digital. Chính vì vậy, phải cần có thời gian để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
+ Hiện nay, nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội để truyền thông cho bài báo của mình, thể hiện vai trò, chính kiến của mình trong xã hội. Tuy nhiên, hiện có không ít nhà báo không hiểu đúng vai trò của mạng xã hội. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?
– Cùng với sự phát triển của chuyển đổi số, mạng xã hội được xem là kênh thông tin có sức ảnh hưởng lớn khi có khả năng đưa các thông tin đi xa nhất, rộng nhất và nhanh nhất có thể. Là trang thông tin mở, thế nên bên cạnh những cái được, tính ưu việt không thể phủ nhận thì mạng xã hội cũng còn tồn tại nhiều mặt trái nguy hiểm. Đó là những thông tin bịa đặt, hoàn toàn chưa được kiểm chứng được đưa lên một cách dễ dàng trên các trang mạng xã hội.
Nhà báo với công việc đặc thù cũng được xem là những người có sức ảnh hưởng rộng đối với xã hội. Hiện nay, phần lớn các nhà báo hiện đại đều sử dụng mạng xã hội. Ngoài mục đích giải trí cá nhân, đa số nhà báo đều coi đây như là một kênh tiếp nhận thông tin, thậm chí là một nguồn cung cấp thông tin dồi dào, phong phú, với muôn mặt của đời sống xã hội. Ngay cả những comment của người dùng mạng xã hội cũng có thể trở thành gợi ý hữu ích cho một góc nhìn đa chiều hơn.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn giúp thông tin, tác phẩm báo chí được lan tỏa, quảng bá rộng rãi nhờ tính năng đăng tải, chia sẻ, tương tác. Thế nhưng, có một thực tế là thời gian qua, cũng có một số nhà báo đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội khiến cho dư luận hoang mang. Đặc biệt, có những thông tin hướng dư luận xã hội theo chiều tiêu cực, nhìn cuộc sống xã hội đầy rẫy những bất công, từ đó trở nên thiếu niềm tin vào cuộc sống. Có những nhà báo đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ bởi những phát ngôn mà họ đăng tải, chia sẻ trên Facebook. Đó thực sự là điều đáng tiếc.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, làm báo cũng chính là làm văn hóa nên càng đòi hỏi cao sự nêu gương, tự nguyện, tự giác, tuân thủ chuẩn mực văn hóa – đạo đức của những người làm nghề. Từ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng những từ lóng, ngôn ngữ có tính xúc phạm, bậy bạ trên không gian mạng; đến việc có ý thức khi đưa thông tin trên trang cá nhân; tránh việc lan truyền những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng.
Với những vấn đề được dư luận quan tâm, người làm báo càng cẩn trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội tránh việc hành xử phản cảm khi xảy ra tranh luận vì có ý kiến trái chiều; không sử dụng mạng xã hội để kêu gọi dư luận công kích cá nhân, tập thể nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần có ý thức trong lan tỏa những thông điệp tốt, những câu chuyện hay vẫn diễn ra ở cuộc sống hằng ngày, từ đó nhân rộng những việc làm ý nghĩa ra xã hội.
Người làm báo Việt Nam đang sống, làm việc trong một thế giới thông tin đa chiều, không biên giới và không có giới hạn. Trong thế giới ấy, mạng xã hội ngày càng lan rộng và khẳng định “quyền lực” của mình. Người làm báo vì vậy càng cần trau dồi đạo đức, bản lĩnh, không ngừng bổ sung, nâng cao tri thức, văn hóa ứng xử khi sử dụng mạng xã hội.
Ngày 16/12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trong đó chỉ rõ những việc cần làm, không nên làm. Những quy định về đạo đức nghề báo chính là sự thể hiện tập trung của hành vi ứng xử văn hóa trong cơ quan báo chí, từ đó dẫn đường cho thực hành văn hóa báo chí. Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng môi trường văn hóa tại chính nơi làm việc. Từ đó góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp, tăng cường sức đề kháng của mỗi người làm báo trước những tiêu cực bên ngoài xã hội.
Rõ ràng, nhà báo, ngoài tuân thủ Luật Báo chí, họ còn là công dân, phải tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội. Nếu người dân thường dùng mạng xã hội đưa tin sai, hậu quả có thể rất nhỏ, nhưng nhà báo đưa tin sai có thể hậu quả rất lớn. Chính vì thế, mỗi nhà báo cần không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh với người có hành vi sai trái, thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình trên mạng xã hội.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc TTV tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên tiến trình chuyển đổi số.
Hà Anh (Thực hiện)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/chung-toi-dang-tung-buoc-thich-ung-voi-xu-the-chuyen-doi-so-post252257.html