+ Tháng 6 này, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam kỷ niệm 98 năm ra đời, và chỉ còn hai năm nữa, sẽ chạm mốc “bách niên”. Gần một thế kỷ qua, Báo chí Cách mạng đã để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dấu ấn ấy phải chăng là việc báo chí đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân, thưa đồng chí Chủ tịch?
– Báo chí Cách mạng Việt Nam khác với báo chí tư nhân của các nước ở chỗ, bên cạnh việc thông tin trung thực về mọi mặt đời sống và đóng vai trò giảm sát, phản biện xã hội, thì còn mang sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Sứ mệnh này không bao giờ thay đổi, và thực tế sau gần 100 năm phát triển, báo chí Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế to lớn của mình. Từ số lượng các tờ báo khiêm tốn với cơ sở vật chất và cách làm báo đơn sơ gần 1 thế kỷ trước, nay số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo đã trở nên vô cùng hùng hậu, với đủ mọi loại hình báo chí từ truyền thống đến hiện đại, theo kịp với sự phát triển của báo chí thế giới. Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, và đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới, sự đóng góp của báo chí trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng thông tin cho người dân, luôn được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận.
100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam chắc chắn là một dấu mốc vô cùng đặc biệt. Ban Tuyên giáo Trung ương đã có chỉ đạo về công tác chuẩn bị hướng tới dấu mốc này, sau đây Hội Nhà báo Việt Nam cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành hữu quan sẽ có những hướng dẫn cụ thể để từng Hội Nhà báo địa phương, từng Liên Chi hội và Chi hội nhà báo cũng như từng cơ quan báo chí có thể xây dựng kế hoạch riêng ngay trong quý III năm nay.
+ Báo chí đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, vì thế, khi đất nước đang trở mình, phát triển với những mục tiêu cao hơn, xa hơn thì thiết nghĩ, Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng phải đặt ra cho mình những sứ mệnh mới để phụng sự tốt hơn. Những sứ mệnh cốt yếu nhất của Báo chí Cách mạng Việt Nam trên hành trình phát triển mới sẽ phải là gì, thưa đồng chí Chủ tịch?
– Sứ mệnh cốt yếu của Báo chí Cách mạng vẫn vẹn nguyên như vậy và rất nhất quán trong mọi hoàn cảnh, nhưng nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn và cách thức để hiện thực hóa sứ mệnh đó sẽ phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới khi có rất nhiều thay đổi cả về môi trường làm báo với những công nghệ truyền thông mới mẻ và sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng tỷ nguồn thông tin của các tổ chức và cá nhân, cho đến sự đổi thay trong hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng độc giả, khán thính giả.
Trong giai đoạn hiện nay, khi độc giả, khán thính giả đang “di cư” dần lên nền tảng số, báo chí bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số để không bị mất độc giả, để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như việc cung cấp những thông tin hữu ích cho người dân. Báo chí đa nền tảng, đa phương tiện trong kỷ nguyên số là điều hiển nhiên, không cần phải tranh luận nữa. Và trong thời kỳ mà một người bình thường sở hữu trong tay những thiết bị và công nghệ hiện đại cũng có thể tạo nên nội dung hấp dẫn thì báo chí càng phải chuyên nghiệp, phải đạt chất lượng cao mới mong duy trì sự khác biệt của mình. Người dùng ngày càng thông minh, ngày càng khắt khe về vấn đề chất lượng và có nhiều cơ hội lựa chọn nguồn tin, nên báo chí không được dễ dãi, không thể và không nên chạy đua với mạng xã hội, cần kiên định với con đường chuyên nghiệp của mình.
Thêm nữa, trong bối cảnh thông tin tràn ngập và thật giả lẫn lộn, không gian mạng ngày càng trở nên độc hại, thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Báo chí cần chủ động tham gia công tác này bằng những cách thức linh hoạt, đa dạng, dễ hiểu dễ tiếp thu đối với công chúng, tranh thủ các công nghệ truyền thông hiện đại để thông tin lan tỏa rộng khắp và “nhắm trúng” đối tượng. Báo chí cũng phải tích cực phát hiện và bóc trần tin giả, tin sai sự thật, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan báo chí với nhau để bảo vệ bản quyền báo chí – yếu tố sống còn để báo chí phát triển bền vững và hiệu quả.
+ Để hoàn thành tốt được những sứ mệnh mới, Báo chí Cách mạng Việt Nam chắc chắn cũng phải buộc mình đổi mới. Theo nhìn nhận của ông, sự đổi mới ấy sẽ phải bắt đầu từ đâu và đâu là những việc “nên làm ngay” để nền báo chí nước nhà thực sự là “nền báo chí, truyền thông cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” thưa ông?
– Steve Jobs – CEO của công ty Apple từng có câu nói nổi tiếng rằng “Đổi mới sáng tạo là cách duy nhất để giành chiến thắng”. Câu nói này càng đúng hơn trong kỷ nguyên số, khi mà công nghệ phát triển như vũ bão khiến những chiến lược kéo dài nhiều năm không còn phù hợp mà những sáng tạo mang tính phá hủy (distruptive innovations) mới có thể mang lại sự tăng trưởng. Trong báo chí cũng vậy thôi. Giờ đây báo chí chính thống phải cạnh tranh với hàng tỷ kênh thông tin thuộc mọi loại hình trên Internet, các nhà báo chuyên nghiệp phải cạnh tranh với biết bao cá nhân trên mạng xã hội sở hữu những thiết bị di động với các ứng dụng mobile có thể hỗ trợ sản xuất nội dung rất nhanh chóng. Nếu các cơ quan báo chí chỉ sản xuất thông tin văn bản, chụp ảnh, xây dựng các chương trình phát thanh – truyền hình như đã làm trong hàng chục hay cả trăm năm qua thì liệu có thể thu hút được người dùng, có thể tạo nguồn thu, có thể tồn tại hay không? Câu trả lời là KHÔNG!
Nhưng đổi mới không phải là chạy đua với mạng xã hội, là bị cuốn theo những thuật toán của các nền tảng công nghệ. Sự khác biệt của báo chí chính là ở tính chuyên nghiệp, là việc thẩm định thông tin, sự đa chiều, sự xác tín của nội dung. Một cá nhân có thể đăng bất kỳ thông tin gì mà họ chứng kiến lên mạng xã hội, nhưng một nhà báo phải có sự lựa chọn của mình, phải trả lời được câu hỏi “thông tin này đăng tải trên báo sẽ mang lại lợi ích gì cho xã hội?” Thông tin đó phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp theo đúng tiêu chuẩn báo chí để đảm bảo sự công bằng và cân bằng, và sẽ tốt hơn nữa nếu áp dụng được những công nghệ báo chí hiện đại và chỉ ra được giải pháp giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi thì không thích loay hoay với những câu hỏi “bắt đầu từ đâu” hoặc “bao giờ là thời điểm đúng đắn để đổi mới”. Đổi mới nhiều khi bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, và chẳng hề tốn kém gì. Và thực tế chứng minh rằng tư duy “nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ” mới là tư duy đúng đắn. Không có một cách làm duy nhất, một chiến lược đúng với mọi tòa soạn, vì thế lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phải thử nghiệm và chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại để tìm ra con đường đi của riêng mình. Chiến lược phát triển được “cắt may” riêng cho tòa soạn, phù hợp với nguồn lực của cơ quan báo chí cũng như đối tượng phục vụ, mới là chiến lược hiệu quả.
+ Nhắc tới mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại không thể không nhắc tới Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới được phê duyệt. Chiến lược có khá nhiều mục tiêu lớn cần được đạt được trong tương lai gần (năm 2025) như: 50% cơ quan báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%… Để hiện thực hóa những mục tiêu này, theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cần có vai trò như thế nào trong việc định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ các cơ quan báo chí?
– Định hướng của cơ quan quản lý thì rất rõ ràng rồi, mục tiêu cũng rất cụ thể và nhiều mục tiêu trong đó hoàn toàn khả thi, ví dụ như chuyện xây dựng tòa soạn hội tụ, xu hướng sản xuất nội dung số, và kể cả việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình sản xuất cũng không phải điều gì quá khó khăn. Xin lưu ý là chúng ta cần có cách hiểu đúng hơn về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI): Lâu nay các cơ quan báo chí trên thế giới đã và đang áp dụng AI rất nhiều trong công đoạn phát hiện thông tin nóng, thu thập và phân tích dữ liệu, khuyến nghị nội dung mang tính cá nhân hóa cho độc giả, theo dõi hành vi người dùng, v.v…, chứ không chỉ là việc máy móc viết bài thay cho con người. Riêng mục tiêu tăng doanh thu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố sức khỏe của nền kinh tế lẫn đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đa dạng hóa nguồn thu và sáng tạo trong các mô hình kinh doanh.
Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi đã và sẽ triển khai nhiều hoạt động như hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo, tập huấn về cách thức tổ chức tòa soạn hiện đại, công nghệ làm báo hiện đại, những kinh nghiệm và bài học thành công của các tòa soạn, và cả những chương trình hợp tác với các hiệp hội báo chí nước ngoài. Hội Nhà báo cũng đang thúc đẩy việc bảo vệ bản quyền báo chí – yếu tố then chốt giúp các cơ quan báo chí giữ được những nội dung chất lượng cao cho riêng mình để thu hút độc giả, khán thính giả, không bị các cá nhân và tổ chức khác sao chép trái phép, từ đó có cơ hội tạo nguồn thu.
Nhưng theo tôi, nếu mỗi cơ quan báo chí không thấy được nhu cầu tự thân của việc phải chuyển đổi để chủ động có những bước đi phù hợp thì các mục tiêu đặt ra cũng vô nghĩa mà thôi. Cần thừa nhận rằng trong khi một số cơ quan báo chí rất mạnh dạn tìm ra con đường phát triển mới, vừa nhằm giữ chân bạn đọc, vừa nhằm tạo nguồn thu ổn định và lâu dài, thì cũng có rất nhiều cơ quan báo chí vẫn có thái độ “chờ xem”. Hoạt động sản xuất hằng ngày, hằng tuần cuốn chúng ta đi rất nhanh, nên nếu không chủ động xây dựng chiến lược cụ thể cho tòa soạn và bắt tay vào hành động ngay thì sẽ có một ngày chúng ta giật mình vì cái mốc 2025 đã sát gần bên. Điều quan trọng không phải là việc chúng ta có đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra hay không, mà là chính cơ quan báo chí đó sẽ không thể tồn tại, sẽ mất độc giả, mất doanh thu, không thực hiện được sứ mệnh của mình.
+ Nhân tháng 6 – tháng kỷ niệm rất đỗi đặc biệt của những người làm báo, xin được gửi tới đồng chí Chủ tịch một câu hỏi bên lề: Được biết, cả ông và anh trai đều lựa chọn nghề báo, từ ước muốn đi theo bước chân của cha. Hơn 3 thập kỷ làm báo, nghề báo, trong ông, vì thế, hẳn có một ví trí rất đặc biệt?
– Tôi và anh trai cùng tốt nghiệp đại học một năm và đều quyết định đi theo nghề báo của cha. Khởi đầu là chúng tôi chọn nghề nhưng ngẫm lại thì thấy có lẽ chính nghề báo đã chọn mình, bởi trong suốt 33 năm qua như một cái nhân duyên mà tôi có cơ hội làm ở nhiều loại hình báo chí khác nhau, nhiều đơn vị khác nhau – cả trong nước và nước ngoài, nhờ đó học hỏi được nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm. Môi trường báo chí ngày càng có nhiều thách thức, làm báo thời nay thuận lợi hơn trước rất nhiều nhưng vất vả cũng không ít. Tuy nhiên, nếu quay ngược thời gian hơn 3 thập niên trước và bảo chọn lại nghề thì chắc chắn tôi vẫn chọn nghề báo mà thôi.
Nội dung: Hồng Sâm
Thiết kế: Hương Trang
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/sau-gan-100-nam-phat-trien-bao-chi-viet-nam-dang-ngay-cang-khang-dinh-vi-the-to-lon-cua-minh-post251740.html