Nhân dịp Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), ngày 14/6, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985).
Tham dự tọa đàm có nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các nhà báo lão thành, lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo một số cơ quan báo chí; lãnh đạo một số bảo tàng; phóng viên nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí…
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, “Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thủy đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và luôn có những cống hiến xuất sắc trên các mặt công tác ngoại giao, báo chí, trên phong trào bảo vệ hòa bình đoàn kết hữu nghị quốc tế, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy giành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến giây phút cuối cùng”.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm. Ảnh: QĐND
Cách đây 90 năm, người thanh niên Xuân Thủy đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo khi làm cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân văn, Hà thành Ngọ báo… Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Năm 1941, bị thực dân Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí với tờ báo mang tên Suối Reo.
Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng… Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thủy, Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất cả nước lúc bấy giờ.
Uy tín, ảnh hưởng của Báo Cứu Quốc gắn liền với tài năng viết báo, tổ chức làm báo và tập hợp người tài của nhà báo Xuân Thủy. Lịch sử vẻ vang của Báo Cứu Quốc với vai trò là ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, ngọn cờ tập hợp quần chúng, có đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, vào sự nghiệp Kháng chiến, kiến quốc, gắn liền với tài năng xuất chúng của Chủ nhiệm Xuân Thủy. Ông cũng chính là người chủ trì hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng, đặt tên báo là “Đại Đoàn Kết”, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.
Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến 9 năm, để kịp thời phục vụ sự nghiệp cứu quốc, Đoàn Báo chí Kháng chiến lâm thời được thành lập do ông Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Đến năm 1948, nhà báo Xuân Thủy trở thành Chủ tịch của tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN
Ngày 21/4/1950, ông đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội họp tại hội trường Báo Cứu Quốc và bầu chủ nhiệm Báo Cứu Quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.
Khi nước nhà thống nhất, ngày 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ miền Nam Việt Nam thành một tổ chức báo chí duy nhất, hoạt động trên phạm vi cả nước, lấy tên chính thức là Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.
Tháng 7/1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.
Từ tháng 5/1968, nhà báo Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tại 248 phiên họp công khai của Hội nghị Paris, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy với lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo đã luôn giành thế chủ động và thuyết phục được các nhà quan sát.
Khu trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912 – 1985) tại buổi tọa đàm.
Nhà báo Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp báo lớn và họp báo thứ năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn Mỹ, phương Tây và xã hội chủ nghĩa.
“Không chỉ là chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Xuân Thủy còn là nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế… Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định..
Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa – phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, trước đây đã có nhiều chương trình tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thuỷ cho sự nghiệp cách mạng trên lĩnh vực ngoại giao nhưng đây là lần đầu tiên có một sự kiện tôn vinh ông ở lĩnh vực báo chí, với tư cách là một nhà báo.
Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận của các đại biểu đã làm rõ hơn chân dung của nhà báo Xuân Thủy cùng những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng và ngoại giao của đất nước.
Nhà báo Hà Đăng trình bày tham luận với chủ đề “Nhà báo Xuân Thủy sáng đẹp phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu, khách mời được xem bộ phim tài liệu “Xuân Thủy – Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện. Ngoài ra các đại biểu là nhà báo lão thành gắn bó với nhà báo Xuân Thủy đã phát biểu những ý kiến đa chiều, sâu sắc nhằm góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Các đại biểu cũng trao đổi, làm nổi bật vai trò của nhà báo Xuân Thủy trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội, với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, nhiều phát hiện sâu sắc và thú vị về nhà báo Xuân Thủy ở nhiều góc nhìn, nhiều giai đoạn và qua chính các tác phẩm báo chí và văn chương của ông do nhiều nhà báo lão thành, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tiếp chấp bút.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn tổ chức trưng bày với hơn 20 tài liệu, hiện vật gốc kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với Báo Cứu quốc, với Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris…
Ống nhòm, cà vạt, cặp da được nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Hội nghị Paris.
Đáng chú ý là các tư liệu, hiện vật như: Trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên Báo Cứu quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 8/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.
Lê Tâm – Sơn Hải
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nha-bao-xuan-thuy-voi-nhung-di-san-bao-chi-quy-gia-trong-lich-su-bao-chi-cach-mang-viet-nam-post251579.html