Vùng cao Quảng Nam đã có những chuyển động bước đầu trong tiến trình thúc đẩy du lịch, mặc dù vậy khu vực này vẫn cần thêm nhiều trợ lực để ngành du lịch thực sự phát triển toàn diện.
Ngoại trừ Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih, Đông Giang) thu hút được lượng khách tương đối tốt từ đầu năm 2023, hầu hết điểm đến ở 6 huyện vùng núi cao của tỉnh đều đang chật vật trong việc thu hút khách. Các làng du lịch cộng đồng ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang gần như phụ thuộc vào sự kết nối của đơn vị lữ hành ở Đà Nẵng, Hội An nhưng tần suất rất thưa thớt, có khi cả tháng không có đoàn khách nào.
Được biết, về cơ bản 2 làng du lịch cộng đồng ở Đông Giang hoạt động tương đối tốt trước khi có dịch COVID-19 khi mỗi năm đón khoảng 1.000 lượt khách mỗi làng, nhưng hơn 3 năm qua thì gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, quốc lộ 14G từ Núi Thần Tài (Đà Nẵng) lên Đông Giang – Tây Giang vẫn chưa được cải tạo, nâng cấp dẫn đến lượng khách du lịch khiêm tốn vì e ngại đường sá.
Du khách thích thú khi xem điệu múa Tâng tung da dá của người Cơ Tu
Khu suối khoáng nóng A Păng chưa đi vào vận hành chính thức, nhưng điểm đến này hứa hẹn thu hút khách khi tọa lạc gần Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Ngoài ra, Đông Giang sắp trình đề án phát triển văn hóa đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển nông nghiệp và du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2030.
Với các địa phương vùng núi phía Tây Nam, một phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng là chưa đủ để tạo sức bật cho du lịch khu vực này. Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, mấu chốt để tạo đột phá cho du lịch miền núi vẫn là hạ tầng. Nhiều yếu tố để thúc đẩy du lịch Nam Trà My nhưng điểm nghẽn là cung đường đến đây quá trở ngại. Có đơn vị lên thăm dò tổ chức sự kiện đua xe đạp nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện tới đây nhưng cũng phải hủy vì đường sá không đảm bảo. Nghị quyết số 47 về hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 đã bãi bỏ vào năm 2022. Đề án về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng thì vẫn đang bỏ ngỏ.
Quảng Nam không chỉ sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh mà còn còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Ông Nguyễn Thế Phước cho biết, khả năng của địa phương rất hạn chế nên huyện rất mong tỉnh có cơ chế ưu tiên thúc đẩy giao thông cho khu vực miền núi thuận lợi hơn. Nếu giải quyết được vấn đề này thì du lịch vùng cao sẽ tự khắc có chuyển động mạnh. Ngoài ra, thủ tục hành chính liên quan đến thành lập khu, điểm du lịch sinh thái – cộng đồng, hợp tác xã du lịch… hiện rất rườm rà, phức tạp nên các chủ thể muốn làm du lịch rất chật vật để xử lý, không biết bắt đầu từ đâu. Đề nghị Sở VHTTDL có hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể tháo gỡ vấn đề này để Nam Trà My có thêm những điểm nhấn mới, tạo ra sự mới mẻ cho du lịch địa phương.
Theo đại diện Phòng VH-TT huyện Tây Giang, việc phát triển du lịch hiện gặp nhiều vướng mắc ở thủ tục đất đai, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến khu vực biên giới.
Du khách Nhật Bản tham quan làng cổ ỏ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Được biết, nhiều hạng mục ở làng du lịch cộng đồng xuống cấp nhưng không có chính sách cải tạo nên rất cần cơ chế hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm nghiên cứu hỗ trợ riêng về cơ chế phát triển du lịch cộng đồng cho Đông Giang – Tây Giang để tạo sức bật cho du lịch khu vực miền núi Tây Bắc của tỉnh. Hiện nay huyện Hòa Vang với khá nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống cũng đã được TP Đà Nẵng hỗ trợ cơ chế này.
Cùng với đó, cần xem khách phượt có trách nhiệm là nguồn khách quan trọng của khu vực miền núi bởi đây là nhóm khách dễ dàng cảm thông với các hạn chế về mặt hạ tầng và nhóm khách này cũng sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông tin điểm đến để tiếp tục thu hút các dòng khách khác đến với vùng cao Quảng Nam.
PV
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/du-lich-vung-cao-quang-nam-can-them-tro-luc-de-phat-trien-toan-dien-post250914.html#p-2