Chiều 29/5, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với đại sứ quán Hungary đã tổ chức triển lãm “Petofi: Vòng quanh thế giới” nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Petofi Sándor – nhà thơ, nhà văn cách mạng nổi tiếng của Hungary.
Triển lãm giới thiệu 19 áp phích, phác họa cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của ông, triển lãm mở cửa từ ngày 29/5 – 05/6.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Xuân Dũng – Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt – Hung đã gắn kết và phát triển trong hơn 70 năm qua nhờ nhiều hoạt động giao lưu văn hóa thiết thực và triển lãm lần này kỉ niệm 200 ngày sinh nhà thơ vĩ đại của Hungary là một trong số những cuộc như thế: “Đại diện cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, tôi rất vinh sự và hoan nghênh ý tưởng về buổi triển lãm của Đại sứ Hungary, tin rằng triển lãm sẽ là cơ hội quý báu để nhân dân Việt Nam được hiểu biết hơn về cuộc đời và sự nghiệp của một biểu tượng tiêu biểu nhất của văn học, thơ ca cách mạng của Hungary qua nhiều áp phích nói về những dấu ấn của Petofi Sandor”.
Khách mời tham quan các tác phẩm trưng bày tại triển lãm Petofi: Vòng quanh thế giới.
Các tấm áp phích được trưng bày dưới 2 dạng tiếng Anh và tiếng Việt nhằm phục vụ cả khách trong nước và quốc tế. Nhiều bài thơ, hình ảnh về cuộc đời cũng như các tác phẩm của Petofi được trưng bày tại bảo tàng đã tạo dấu ấn lớn cho khán giả Việt Nam.
Sándor Petöfi (tên khai sinh: Petrovics; tiếng Hungary: Petőfi Sándor), sinh ngày 1 tháng 1 năm 1823 – 1849), là một nhà thơ cách mạng và là nhà thơ lớn nhất của Hungary, ông đóng vai trò lớn trong Cách mạng Hungary năm 1848. Những tác phẩm của ông tạo sự động viên rất cao cho phong trào cách mạng.
Ông gia nhập quân đội và mang quân hàm Thiếu tá, đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn cùng với đồng đội. Tập thơ đầu tiên của ông được đăng tải trong nhiều số báo liên tiếp của báo thời trang Pest. Tập thơ đầu tiên của ông được in vào năm 1844, đó là trường ca Cái búa với hơn 1.000 câu thơ phê phán những người cầm bút không có tài năng và không có lương tâm, chỉ suốt ngày tâng bốc bọn quý tộc mà không phục vụ cách mạng, nhân dân.
Cách mạng năm 1848, ông đã có rất nhiều các bài thơ hay như: Căm thù của thế giới, Những bài thơ của tôi, Số phận, Hãy mở cho tôi trường hoạt động, Nhân danh nhân dân, Lời phán xử, … mang đậm tinh thần cách mạng. Với vai trò lãnh đạo cùng một số đồng chí khác, ông đã viết bài thơ “Bài ca dân tộc” thay lời khẩu hiệu “Đứng lên hỡi người Hungary, tổ quốc gọi người…”
Trong năm 1848, tác phẩm được coi là vĩ đại nhất của Petöfi đã ra đời, đó là trường ca “Nhà truyền giáo”. Đây là một tự truyện, kể về sự hi sinh của một người chiến sĩ cách mạng trong hoạt động truyền bá tư tưởng mới.
Ông hi sinh khi còn rất trẻ, nhưng di sản thơ ca ông để lại cho đời rất đáng khâm phục, với 800 bài thơ, 3 trường ca, 2 truyện thơ. Ông đã gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Hungary. Vì thế, Petöfi là nhà thơ đầu tiên của Hungary được thế giới biết đến và ông mãi là nhà thơ nổi tiếng trên bầu trời văn học của Hungary nói riêng và châu Âu thế kỷ 19 nói riêng.
Hình ảnh tại triển lãm “Petofi: Vòng quanh thế giới” tại Thư viện quốc gia chiều 29/5
Tiết mục âm nhạc được biểu diễn tại triển lãm chiều 29/05.
Khách mời tham dự triển lãm “Petofi: Vòng quanh thế giới” tại Thư viện quốc gia.
Một số tấm áp phích trưng bày tại triển lãm “Petofi: Vòng quanh thế giới”.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/trien-lam-petofi-vong-quanh-the-gioi-post249593.html#p-0