500 tấm Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới bị hư hại đã được xử lý, nâng cao độ bền trong dự án do Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa Kỳ viện trợ.
Chiều 25/5, tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới hiện đang bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV.
Mộc bản triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam IV, gồm 34.555 mộc bản khắc chữ Hán. Đây là khối di sản quý giá có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, địa lý, chính trị, xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn hóa… thời kỳ cận đại.
500 tấm “Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” bị hư hại đã được xử lý thành công. Ảnh: PLO
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper thăm khu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Ảnh: PLO
Mộc bản sau khi được xử lý bảo tồn đã đảm bảo khả năng in dập, cho chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ. Ảnh: QĐND
Mộc bản triều Nguyễn được tạo ra trong quá trình hoạt động của nhà Nguyễn và được sử dụng để nhân bản tư liệu nhằm phổ biến các chuẩn mực xã hội; đồng thời, cũng được sử dụng để ghi chép thành tích của các vị vua, các sự kiện lịch sử, các sự kiện trong tương lai, binh biến… Nội dung của mộc bản phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam thời Nguyễn; được khắc trên gỗ và được sử dụng để in sách ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số đề án lớn nhằm bảo tồn Mộc bản triều Nguyễn, tuy nhiên do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, các hoạt động qua nhiều thế kỷ, một số mộc bản đã bị hư hại.
Được Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa Kỳ viện trợ, từ tháng 8/2020 đến tháng 10/2020, nhóm kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng của 500 tấm Mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và tiến hành xử lý bảo tồn những bản khắc bị mủn mục.
500 mộc bản xuống cấp được phân thành hai nhóm hư hỏng bao gồm: 114 mộc bản hư hỏng nặng (chiếm 22,8%) và 386 mộc bản hư hỏng trung bình (chiếm 77,2%). Các tấm mộc bản sau quá trình xử lý hoá học được hong phơi, xử lý vết nứt, vết côn trùng…
Kết quả cho thấy độ cứng vững của mộc bản được tăng lên đáng kể. 500 mộc bản sau khi được xử lý bảo tồn đã đảm bảo khả năng in dập của mộc bản, cho chữ sắc nét, không có hiện tượng nhòe chữ.
Ngoài việc xử lý những hư hỏng vật lý của khối mộc bản quý giá, trong dịp này, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước còn khôi phục những thông tin còn thiếu để bổ sung vào cơ sở dữ liệu Mộc bản triều Nguyễn phục vụ khai thác, sử dụng vào các mục đích khác nhau của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác. Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, là nguồn tài liệu tin cậy, quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/hoan-thanh-du-an-bao-ton-khan-cap-moc-ban-trieu-nguyen–di-san-tu-lieu-the-gioi-post249129.html#p-2