Việt Nam hiện có hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội (MXH), việc cần phải định danh tài khoản đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội khi mà Bộ TT&TT dự kiến yêu cầu tất cả chủ tài khoản MXH phải định danh hướng đến mục tiêu trong sạch môi trường mạng.
Sự cần thiết định danh tài khoản mạng xã hội
Vừa qua, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chậm nhất đến cuối năm nay, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản MXH phải thực hiện định danh.
Tất cả chủ tài khoản MXH là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho các MXH là Facebook, Youtube, Tiktok… Các tài khoản MXH không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với mức độ khác nhau.
Việc yêu cầu định danh tài khoản MXH được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng; quy định cả với MXH xuyên biên giới cũng như ứng dụng OTT nước ngoài. Nếu các ứng dụng, nền tảng này không đáp ứng yêu cầu định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: VTC)
Thực tế cho thấy, các tài khoản ẩn danh đã và đang gây ra rất nhiều những vụ lừa đảo trực tuyến. Điểm chung của các vụ lừa đảo trục tuyến là sử dụng các tài khoản không thể xác thực được thông tin hoặc thông tin giả maọ từ các tài khoản cá nhân cho đến những tài khoản mạo danh các doanh nghiệp lớn, các cơ quan Nhà nước. Theo Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ ghi nhận thiệt hại do gian lận trên MXH lên tới 1,2 tỷ đô la trong năm 2022. Đó là những thiệt hại có thể đo đếm về vật chất nhưng thiệt hại về tinh thần thì khó có thể đo đếm được, trong đó tình trạng bắt nạt trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối trên tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nhiều em học sinh không chỉ bị trêu chọc ngoài đời thực mà còn bị đăng ảnh lên mạng chế giễu, những thông tin này được lưu giữ rất lâu ở trên mạng, tiền ẩn nhiều nguy cơ. Bắt nạt ảo trầm cảm thật, một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Y Dược TP HCM cho thấy, học sinh bị bắt nạt qua MXH chiếm tỷ lệ cao nhất so với các hình thúc bắt nạt trực tuyến. Các em này cũng bị trầm cảm gấp đôi so với những học sinh khác.
Có thể nói, MXH trong kỷ nguyên số được xem là “vũ khí” lợi hại. Người sử dụng nhiều lúc cảm thấy như bị bủa vây, ngộp thở trong “biển cả” thông tin, nhất là thực trạng tin giả xuất hiện tràn lan. Trong khi đó, không phải ai cũng có khả năng chọn lọc thông tin, biết sử dụng MXH một cách an toàn, thông minh.
Việc những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người sử dụng. Nói đúng hơn, việc lan truyền các tin giả một cách vô tội vạ đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống xã hội của người dân, nhất là giới trẻ.
Bình luận về vấn đề này, TS. Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc ẩn danh trên MXH là một trong những đặc điểm cơ bản của các dạng tương tác trên không gian internet. Không gian này vẫn được nhiều nhà nghiên cứu gọi là không gian ảo. Và tính chất ảo của các tài khoản trên không gian ấy là một đặc điểm cơ bản. Nó tạo ra sự ràng buộc lỏng lẻo giữa các cá thể tham gia trong việc thể hiện trách nhiệm xã hội và ý thức xã hội.
“Vì vậy, việc định danh sẽ góp phần khiến cho tính chất ảo này biến mất hoặc giảm thiểu xuống thì tôi tin chắc là sẽ giảm được các hiện tượng tiêu cực như tin giả, tin xuyên tạc hoặc các vấn đề lừa đảo, bắt nạt hay các tương tác vi phạm thuần phong mỹ tục”, TS Phan Văn Kiền nói.
Không chỉ là mệnh lệnh hành chính bắt buộc
Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch từ môi trường thực sang không gian số. Việc quản lý, định danh tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng, góp phần loại bỏ nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Việc này còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào không gian mạng.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải giải quyết rất nhiều yếu tố để hiện thực hóa đề xuất trên, bao gồm từ điều chỉnh, bổ sung, làm mới các quy định luật pháp, xây dựng giải pháp công nghệ hỗ trợ việc giám sát, phát hiện, xử lý, lẫn thuyết phục người dùng đến làm việc, hợp tác cùng nhà cung cấp dịch vụ để tuân thủ.
Định danh tài khoản mạng xã hội được nhiều chuyên gia đánh giá cần thiết nhưng không dễ. (Ảnh: ICT)
TS. Phan Văn Kiền nhìn nhận, tính chất ảo là một đặc điểm cơ bản của không gian internet. Khi đã trở thành một đặc điểm cơ bản thì việc xóa bỏ nó sẽ khiến cho bản chất của không gian này bị thay đổi. Nói cách khác, chúng ta không có cách gì xóa bỏ hoàn toàn tính chất ảo của không gian mạng, hoặc nếu có cách gì đó để xóa bỏ tính chất này thì nó sẽ không còn là không gian như nó vốn có, cả mặt tích cực và tiêu cực.
Do đó theo TS. Kiền, việc thực hiện định danh trên internet sẽ gặp một số thách thức có thể kể đến như: Nếu thực hiện bắt buộc định danh theo cách quản lý hành chính của Nhà nước thì rất có thể sẽ dẫn tới sự biến đổi về bản chất, thậm chí biến mất của MXH như là một không gian xã hội trên internet. Việc định danh cá nhân với một không gian như internet là vô cùng khó khăn, nói theo cách của nhiều chuyên gia là như “hái sao trên trời” bởi để thực hiện được việc này cần phải có sự đồng thuận của các công ty mẹ của các MXH.
Mà như đã nói, khi họ đồng ý để thực hiện việc định danh cá nhân trên MXH của mình một cách triệt để như mong muốn của các cơ quan quản lý hành chính thì cũng chính là họ đang phải chấp nhận quay lưng với công chúng của mình. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ của nền tảng này.
“Theo quan điểm của tôi, thay vì nỗ lực thực hiện định danh như là một cứu cánh duy nhất và là mệnh lệnh hành chính bắt buộc, các cơ quan quản lý Nhà nước nên thực hiện khuyến khích các cá nhân tự nguyện tham gia trên không gian MXH với sự chính danh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như giáo dục thói quen, nâng cao văn hóa tham gia mạng cho cộng đồng, thậm chí, có thể thực hiện một số thủ tục hành chính thông qua MXH với đòi hỏi sự chính danh của chủ tài khoản… để tạo dần thói quen cho công chúng.
Tóm lại, nên nhìn nhận trên nhiều bình diện khi tiếp cận với MXH thay vì chỉ coi nó như là một không gian xã hội hành chính để thực hiện những mệnh lệnh hành chính”, TS. Kiền cho biết.
Lan toả tinh thần chính danh
Bộ TT&TT đã có quyết định ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” quy định nhiều nội dung cụ thể, chi tiết về hành vi ứng xử cũng như chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên không gian mạng, khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ MXH.
Tuy nhiên, điều quan trọng là tạo ý thức cho người dùng MXH. Nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi người trong việc sử dụng mạng. Trong câu chuyện này, báo chí có nhiệm vụ và vai trò quan trọng.
Những người làm báo là hạt nhân quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần chính danh, trung thực trong cả việc thực hiện sứ mệnh thông tin cũng như khi tham gia vào không gian mạng xã hội.
Theo TS. Phan Văn Kiền, những người làm báo là hạt nhân quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần chính danh, trung thực trong cả việc thực hiện sứ mệnh thông tin cũng như khi tham gia vào không gian MXH. Điều này lại có một phần trách nhiệm ở các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong việc chú trọng nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như đạo đức và trách nhiệm xã hội cho các nhà báo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đơn cử như tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và một số cơ sở đào tạo khác, từ lâu, các môn học liên quan đến pháp luật, đạo đức báo chí cho sinh viên luôn được chú trọng ở cả bậc cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó, việc trang bị cho các nhà báo kiến thức, văn hóa nền tảng một cách hết sức cẩn thận cũng là công tác đc ưu tiên hàng đầu. Chính nền tảng tri thức và văn hóa cơ bản đó sẽ góp phần hun đúc nên bản lĩnh của các nhà báo chân chính khi tham gia vào một không gian đa dạng, phức tạp và nhiều nguy cơ như MXH.
Có thể nói, làm trong sạch môi trường mạng là một đòi hỏi chính đáng của xã hội. Công chúng mong muốn sẽ không còn những quảng cáo “bẩn”, không còn tình trạng người mua hàng bị sập bẫy, tình trạng tin giả, tin độc tràn lan trên mạng sẽ không còn “đất sống”. Hiện nay Việt Nam đã có hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia đang được triển khai xác thực định danh điện tử. Nếu đồng bộ hóa dữ liệu này với dữ liệu người dùng MXH thì mỗi hành vi mỗi phát ngôn của người dùng sẽ gắn chặt với trách nhiệm pháp lý của họ, khi ấy những vi phạm tiêu cực những hành vi phản văn hoá có thể được giảm thiểu rất nhiều trên không gian mạng.
Phan Hoà Giang
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/dinh-danh-tai-khoan-mang-xa-hoi-huong-den-lam-sach-khong-gian-mang-post248905.html