Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ kịp thời và hiệu quả đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2023.
Theo đó, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để đôn đốc triển khai thực hiện; tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách của cả giai đoạn năm 2022-2023 để báo cáo gửi NHCSXH Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, để người dân nắm được những chính sách hỗ trợ và tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh cũng thực hiện ban hành văn bản chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH huyện/thị xã chủ động phối hợp với UBND xã/phường/thị trấn, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai tuyên truyền tại Hội nghị giao ban định kỳ quý và giao ban định kỳ hàng tháng tại Điểm giao dịch, các cuộc họp tổ TK&VV…, niêm yết công khai chính sách tại điểm giao dịch xã để tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến các tầng lớp nhân dân biết và thực hiện. Đồng thời, phối hợp tổng hợp danh sách những khách hàng có nhu cầu, thiết lập hoàn thiện hồ sơ vay vốn, tập trung nhân lực để giải ngân kịp thời cho khách hàng.
Nguồn vốn vay từ chương trình Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả
Từ ngày 27/04/2022 đến nay, NHCSXH Đắk Lắk đã triển khai 5/5 Chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kết quả như sau: Đã giải ngân được 4.670 món vay, với số tiền 212.147 triệu đồng (trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 4.111 lao động, số tiền 170.000 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được 49 hộ, số tiền 18.792 triệu đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập được 110 học sinh, sinh viên, số tiền 1.100 triệu đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 48 cơ sở, với số tiền 3.620 triệu đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được 18.635 triệu đồng với 352 khách hàng để chuyển đổi nghề và sửa chữa nhà ở…).
Tính đến 31/12/2022, NHCSXH tỉnh giải ngân số vốn vay các Chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 1.934,5 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 20.638 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân Chương trình, cơ chế chính sách,…
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân vốn cho bà con tại điểm giao dịch xã
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn một bộ phận không nhỏ người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm từ các thành phố, khu công nghiệp trở về địa phương, nhu cầu tạo việc làm tại chỗ cho những đối tượng này trở lên cấp thiết. Vì vậy, việc bổ sung thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho những đối tượng này là rất cần thiết.
Có thể nói, tại tỉnh Đắk Lắk việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã mang lại những kết quả khả quan, thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của Chương trình đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân, người lao động, các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: TCVHVN