Người xưa thường nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” ý chỉ sự vất vả của nghề nuôi tằm. Nay nhờ việc lắp điều hòa cho tằm nhả tơ đã giúp tăng năng suất, chất lượng kén và người dân không còn cảnh “ăn cơm đứng”.
Nghề nuôi tằm lấy tơ ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vốn hưng thịnh từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, nhiều hộ dân tại đây trồng dâu, nuôi tằm… nhập kén hoặc ươm tơ cho các nhà máy dệt trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, khi các loại vải công nghiệp dần chiếm lĩnh, dẫn tới ngành dệt tơ gặp khó khăn thì nghề trồng dâu nuôi tằm ở đây mai một dần.
Theo chị Tình việc cho tằm ăn lá dâu cần cẩn thận, tránh khô và ướt. Ảnh: Thảo Nguyên
Năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến ra đời và trở thành doanh nghiệp đầu tiên, cũng là duy nhất tại đây nuôi tằm theo quy mô công nghiệp. Sau 3 năm phát triển, mô hình nuôi tằm tập trung này bắt đầu khẳng định được hiệu quả.
Để đạt kết quả ấy, hợp tác xã đã có những bước tiến đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi tằm. Giống dâu bản địa già cỗi, suy thoái được thay thế bằng 2 loại giống mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Đặc biệt là giống dâu này lá to, giúp tăng năng suất trên một đơn vị diện tích.
Việc trồng và chăm sóc cây dâu hoàn toàn theo quy trình sản xuất sạch bởi tằm là loài rất nhạy cảm và “khó chiều”. Sau thời gian phát triển, giờ đây trên bãi bồi sông Lam đã hình thành những cánh đồng dâu xanh ngút mắt với tổng diện tích khoảng 20ha.
Việc lắp điều hòa để nuôi tằm giúp nâng cao năng suất, chất lượng kén.
Còn về giống tằm thì được hợp tác xã nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là giống tằm trắng, có khả năng chống chịu được khí hậu khắc nghiệt, đông lạnh, hè nắng nóng ở Nghệ An và có chất lượng tơ tốt. Việc chăm sóc tằm cũng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Sự phát triển của tằm trải qua 5 tuổi đời, mỗi tuổi kéo dài 2-3 ngày, qua một lần lột xác tằm sẽ thêm một tuổi. Quá trình chăm sóc, phải điều chỉnh nhiệt độ và chuẩn bị thức ăn phải tùy theo độ tuổi của tằm. Tùy theo độ tuổi của tằm mà nhiệt độ thường dao động từ 25 đến 27%, độ ẩm 80-85%. Để có nền nhiệt độ chuẩn đó, họ đã lắp điều hòa và máy phun sương tạo độ ẩm để nuôi tằm
Theo chị Hà Thị Tình (53 tuổi, trú xã Khánh Sơn), tằm là loại rất kén ăn. Do vậy, lá dâu làm thức ăn cho tằm không được ướt nước mưa, không ướt sương, không được để khô héo. Khi thu hoạch lá dâu phải chờ khô hết sương, bởi chỉ cần lá ướt là tằm sẽ bị đau bụng. Hôm nào dự báo thời tiết có mưa thì phải thu hoạch lá trước khi mưa rồi ủ vải, phun sương lên. Tùy vào độ tuổi của tằm mà lá dâu thái thành sợi mảnh hay cắt cỡ nửa bàn tay.
Người dân áp dụng kỹ thuật cho tằm lên né gỗ ô vuông thay thế cho né tre truyền thống.
Khi tằm “chín”, sẽ được đưa vào các “né” gỗ để tự làm tổ. Mỗi con tằm sẽ chui vào một ô, nhả tơ bao bọc quanh, tạo thành chiếc kén. Sau khi tằm đóng kén, công nhân sẽ gỡ kén và xuất đi các nhà máy sản xuất tơ, vải ở Lâm Đồng, Hà Nam. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã xuất 6-7 tạ kén cho các nhà máy. Con nhộng có thể bán ra thị trường làm thực phẩm với giá 110.000-120.000 đồng/kg.
Hợp tác xã này cho hay họ đang thí điểm ươm tơ để hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải nhằm tăng giá trị kinh tế. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, họ đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dâu. Thực tế cho thấy, so với các loại cây nông nghiệp khác trên cùng một đơn vị diện tích thì cây dâu cho giá trị cao gấp 2-3 lần. Mô hình nuôi tằm này đang hứa hẹn mở ra triển vọng mới, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thảo Nguyên
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/thoat-ngheo-tu-viec-lap-dieu-hoa-cho-tam-nha-to-post247040.html