Nhà báo Phan Quang chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện xung quanh các tác phẩm ông viết về quê hương, đất nước đã được in thành nhiều cuốn sách đặc sắc.
Với ông, viết về quê hương không đơn thuần là hoài niệm những cái đã qua mà còn hàm ý khơi gợi nghĩa vụ, những việc cần làm, thái độ cần hành xử trước thời cuộc đổi thay nhanh…
Nhà báo lão thành Phan Quang.
+ Thưa nhà báo Phan Quang, ông có nhiều tác phẩm viết về quê hương, in thành các tập sách “Quê hương” (NXB Trẻ, 2000), “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” (NXB Trẻ, 2016), “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” (NXB Văn học, 2019)… Đề tài quê hương có sức hút gì đặc biệt, thôi thúc ông viết ra nhiều tác phẩm đi theo dòng năm tháng như thế?
– Đề tài quê hương có sức hút đặc biệt ở chỗ nó là… quê hương ta. Quê hương tồn tại trong lòng mọi người như ngọn đèn, khi tỏ khi mờ. Mờ vào những lúc cuộc sống đòi hỏi con người dấn thân làm thật tốt công việc đang làm. Mờ khi con người phải làm việc cật lực, bon chen để kiếm sống. Tỏ lúc ta có chút thời gian nhàn rỗi, cuộc đời cho phép ta có chút cơ hội trầm ngâm. Lúc này ngọn đèn quê hương trong tâm hồn, trong ký ức ta bỗng dưng bừng sáng. Con người tôi càng về già sức khỏe cũng sút kém dần, trí tuệ không bằng hồi sung mãn vậy mà những ký ức về quê hương vẫn luôn tươi rói.
Tôi viết về quê hương bởi không thể không chia sẻ những kỷ niệm đẹp và những mẩu đời buồn, không thể không thuật lại cho dù giản lược những năm tháng hào hùng của người dân Quảng Trị quê tôi qua mấy cuộc chiến của đất nước giành độc lập tự do, cũng như những đau buồn, gian khó dưới chế độ cũ, rồi đến thời đàn áp của những kẻ cam tâm làm tay sai cho các thế lực thù địch hoặc những kẻ thiếu thiện chí ở nước ngoài.
+ Theo ông, đâu là đặc trưng nổi bật làm nên sự khác biệt của các tác phẩm báo chí viết về quê hương của Phan Quang so với những tác phẩm của nhiều tên tuổi khác?
– Cuộc đời, tấm lòng, cảm nhận, ký ức về quê hương mỗi người một khác, từ đó tác phẩm viết về quê hương sẽ có nhiều chỗ khác nhau. Quê hương là “Chùm khế ngọt” (Đỗ Trung Quân), quê hương là “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan), quê hương là nỗi buồn hiu hắt “Một chiều gió thổi hiu hiu/Trên đồi sim nở buồn thiu sắc người” (Gia Ninh), hay sâu đậm hơn, khắc khoải hơn trong tôi từ thời trẻ và rồi đọng lại đến hôm nay cho dù tình hình nay đã khác xa, rất xa thời ấy “Những đồi sim không đủ quả nuôi người” (Chế Lan Viên).
Cái khác biệt giữa tác phẩm báo chí, truyền thông với tác phẩm văn học, nghệ thuật, là ở chỗ các văn nghệ sĩ sáng tác về quê hương với tâm hồn, xúc cảm từ thực tế quê hương rồi qua tưởng tượng, hư cấu, hình ảnh ở nhiều mức độ khác nhau, trong khi báo chí thường xuyên bám sát thực tế, chân thực, chân tình, coi trọng bối cảnh, tình huống, con người, chi tiết nhưng không mảy may bịa đặt.
Tôi viết về quê hương với tất cả tấm lòng đối với quê hương, đất nước. Tôi viết ra nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó, cũng có khi viết ra chỉ nhằm thỏa mãn đòi hỏi của bản thân. Tôi viết về quê hương không đơn thuần là hoài niệm những cái đã qua mà còn hàm ý khơi gợi nghĩa vụ, những việc cần làm, thái độ cần hành xử trước thời cuộc đổi thay nhanh. Tâm hồn tôi hồi tưởng về quá khứ nhưng tầm mắt tôi hướng tới tương lai.
Tôi chỉ biết là tôi viết về quê hương dựa vào nhận thức của mình, từ những trải nghiệm đã qua cùng những suy tư tức thời, lúc tay cầm cây bút cùng trang giấy hay là về sau ngồi trước máy tính. Còn về câu bạn hỏi rằng tác phẩm báo chí của Phan Quang viết về quê hương có gì khác biệt so với tác phẩm của nhiều tên tuổi khác, tôi xin nhường bạn đọc trả lời. Thật khó khăn cho tác giả khi cần phải tự mình đánh giá tác phẩm của mình. Hơn nữa tôi nghĩ người viết không thể và không nên làm việc đó – trừ trường hợp cần nhìn lại để đúc rút kinh nghiệm tác nghiệp cho riêng mình mà thôi.
Một số tác phẩm của nhà báo Phan Quang.
+ Khi viết những tác phẩm về quê hương, ông có cách viết như thế nào? Theo ông, viết về đề tài này có gì đặc biệt thuận lợi và khó khăn?
– Đề tài nào chẳng có thuận lợi và khó khăn. Đối với tôi, mỗi lần cần vào cuộc, tôi thường tự dặn ta hãy nghĩ đến những khó khăn sẽ phải vượt qua, hãy gác lại các thuận lợi để khỏi chủ quan, cần tránh dễ dãi, sơ lược khi tác nghiệp. Theo tôi, người viết phải khó tính với bản thân. Cần tự nhủ “Chớ nên tưởng nhầm ta đã hiểu thấu quê hương ta”, từ đó tôi cố gắng sưu tầm, xác minh tư liệu, kiểm tra chi tiết, gom góp vốn sống, cập nhật kiến thức của mình về quê hương, bởi quê hương ta cũng như đất nước ta không ngừng thay đổi. Tôi coi trọng các chi tiết, để cho các sự kiện, chi tiết tự chúng nói lên lời bình không đúng lúc của tác giả, từ đó người cầm bút cần biết lựa chọn những chi tiết đắt giá và thể hiện cách sao để không quá miên man dài dòng. Được như vậy may ra những trang viết của mình về quê hương mới không đến nỗi chán nhàm.
+ Kỷ niệm nào về mảnh đất Quảng Trị thân yêu khiến ông nhớ nhất?
– Nhiều, có nhiều lắm, bạn ơi! Làm sao có thể kể xiết mọi kỷ niệm về một cuộc đời đã vượt quá mốc tuổi 90 qua một buổi giao lưu ngắn gọn hôm nay. Đối với Phan Quang đó là bầu trời trong xanh sâu thăm thẳm với mấy vầng mây bạc lửng lơ ngày tôi giã từ gia đình đi tham gia kháng chiến chống Pháp theo Lời kêu gọi của Bác Hồ. Hồi đó tôi đang độ tuổi vị thành niên. Trời Quảng Trị đẹp lắm, lúc nào cũng có vẻ đẹp riêng. “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”, nhà thơ Tế Hanh chẳng đã thốt lên một câu thơ để đời đó sao. Trời Quảng Trị vẫn xanh khi đất khô cằn. Trời Quảng Trị vẫn xanh khi xóm làng bị giặc Pháp đốt cháy. Trời Quảng Trị càng tươi hẳn lên sau một trận mưa giông. Trời Quảng Trị luôn xanh thắm trong tâm hồn tôi cho dù ấy là khi tôi mới đặt chân vào nghề báo ở độ tuổi hai mươi hay lúc này đây cuộc đời ông già đã chập chọang trong ánh hoàng hôn.
Riêng với tôi, quê hương tiếng ngói vỡ lạo xạo dưới mỗi bước chân đi, ngày hai cha con từ nơi sơ tán ở vùng rừng núi để tránh giặc lẳng lặng trong đêm quay về thăm khu vườn cũ nơi gia đình có căn nhà lợp ngói nay chỉ còn lại một đống tro tàn, trừ cái cối xay đẽo bằng đá tảng gia đình vẫn dùng để giã gạo thì vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tiếng ngói vỡ lạo xạo dưới mỗi bước chân hai cha con cứ nhói vào tim tôi đau rói và vẫn đau từ ngày ấy đến hôm nay. Đó là mùi hương trầm bà chị gái tôi đốt mấy cây nhang cắm vào cái lon sữa bò cũ chị vừa nhặt về xúc vài nắm cát trắng dùng tạm thay cái lư hương, cùng tưởng niệm song thân chúng tôi nay đã qua đời trong hai cuộc kháng chiến. Đó là những cảm giác trong đêm đầu tiên tôi trở về với gia đình sau bao năm xa cách.
Hòa bình vừa lập lại tôi từ Hà Nội đi công tác vào Nam, lúc ngang qua vùng đất quê hương, tôi tranh thủ dừng xe ghé vào làng quê thăm chị, thăm nhà, và thu xếp để được ngủ qua đêm tại nơi mình mở mắt chào đời rồi ngủ qua đêm trong túp lều tranh chị vừa dựng lên khi vừa xanh làm cột im tiếng súng, với mấy khúc tre và vài tấm cỏ tranh cũng vẫn còn xanh làm mái. Túp lều không đủ chiều cao cho tôi mắc cái màn dã chiến để ngăn đàn muỗi vo ve, vì vậy càng thao thức…
Làm sao có thể kể xiết mọi hồi ức. Còn có một lý do sâu xa hơn. Xin hỏi, có kỷ niệm nào về quê hương mà không tươi rói trong lòng khi chưa đến tuổi đôi mươi ta đã phải rời làng quê đi tham gia kháng chiến!
+ Nay ông đã hơn 90 năm tuổi đời, trên 70 năm tuổi nghề, nói cách khác ông đã dành cả cuộc đời của mình gắn bó với sự nghiệp cầm bút viết văn, ông có lời khuyên gì cho thế hệ những người làm báo trẻ?
– Bạn vừa đặt câu hỏi mà nhiều đồng nghiệp trẻ vẫn nêu ra với tôi mỗi lần có dịp trao đổi về nghề. Và lần nào tôi cũng tránh trả lời. Bởi có thực tế đúng là lớp nhà báo cao niên chúng tôi ai chẳng tích cóp được ít nhiều kinh nghiệm hành nghề. Tuy nhiên nhìn từ một góc nhìn khác, rõ ràng các bạn trẻ nổi trội hơn hẳn lớp nhà báo già chúng tôi trên nhiều mặt. Có đúng là các bạn được học hành, đào tạo bài bản, trong bối cảnh đất nước ta đang rảo bước tiến lên hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu? Có phải là các bạn đang thời khỏe mạnh, thành thạo về kỹ năng tác nghiệp thời số hóa hơn lớp già chúng tôi? Vì vậy nếu bạn nhất thiết cần nghe một lời khuyên thì tôi xin trả lời bạn: “Chúng ta, những người làm báo già và các đồng nghiệp trẻ, chúng ta hãy cùng mở lòng, chân thành học hỏi nhau, già hay trẻ ai ai cũng phải học tập, học tập suốt đời”.
+ Xin cảm ơn ông!
Quảng Trị (Thực hiện)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/tam-hon-toi-hoi-tuong-ve-qua-khu-nhung-tam-mat-toi-huong-toi-tuong-lai-post247210.html