69 năm trước đây, từ ngày 13/3 – 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho những chiến sĩ lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Báo chí và dư luận quốc tế đã không ngừng bày tỏ sự thán phục trước chiến thắng mà theo họ là bước ngoặt trong lịch sử thuộc địa, là dấu mốc mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới – thời đại giải phóng dân tộc.
Chiến thắng của sự kiên cường, dũng cảm, sáng tạo
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tháng 1/1954, Bác dự cuộc họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tín nhiệm giao nắm toàn quyền về quân sự: Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Bác dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Cũng từ lời dặn dò ấy của Người, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã trăn trở rất nhiều về phương án “Đánh nhanh thắng nhanh” và cuối cùng, đã quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.
17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân.
Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Theo số lượng tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và trên 3.000 chiếc thuyền. Ở mọi vùng miền, địa phương đều thi đua với nhau chi viện cho mặt trận. Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại.
Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm.
17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Đợt 2 diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đến chiều ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng.
Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng! Henri Navarre, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, trong quyển “Đông Dương hấp hối 1953 – 1954” cay đắng thừa nhận: “Sự thất thủ của tập đoàn cứ điểm (Điện Biên Phủ) đã gây ra một sự choáng váng sâu sắc không có lợi cho chúng ta”.
Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975.
Dấu mốc mở ra một thời đại mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Còn với báo chí và dư luận thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ thực sự là kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh.
Theo nhìn nhận của báo chí và dư luận thế giới, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân của Pháp tại Đông Dương, mà còn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước thuộc địa châu Phi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tờ Guardian (Anh) từng nhận định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là biểu tượng thất bại của Pháp, biểu tượng thắng lợi của Việt Nam mà đó là “dấu mốc mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới – thời đại giải phóng dân tộc”. Tạp chí Diplomat cho rằng: “Điện Biên Phủ là một chiến thắng thay đổi lịch sử, đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là bất bại, đồng thời cổ vũ cho những cuộc chiến chống chế độ thực dân của các quốc gia khác trên khắp thế giới”.
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: Triệu Đại/TTXVN
Nhà nghiên cứu người Anh Peter Hunt thuộc Đại học King’s College London nhận định: “Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cả châu Á và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay”. Tờ Tin tức, số ra ngày 11-5-1954 ở Indonesia nhận thấy rằng, việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”.
Tờ France 24 của Pháp trong bài viết với tựa đề “Việt Nam kỷ niệm chiến thắng lịch sử chống lại chế độ thực dân Pháp” nhận định trận chiến nổi bật với vai trò là cột mốc trong lịch sử phong trào giành độc lập trên khắp thế giới.
Anh Thư (T/H)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/chien-thang-dien-bien-phu-dau-moc-mo-ra-thoi-dai-moi-post246690.html